Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:27 (GMT +7)
Hành trình mở rộng ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà
Thứ 7, 23/09/2023 | 15:42:33 [GMT +7] A A
Vào hồi 17h39’ ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h39’ giờ Hà Nội) tại thủ đô Ryiad, Vương quốc Ả rập Xê út, ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được Uỷ ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 phê duyệt mở rộng sang Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đã đưa vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận hai tỉnh.
Vịnh Hạ Long được Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 18 (năm 1994) ghi vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO bởi Giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thẩm mỹ (tiêu chí vii) và ghi danh mở rộng Giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo (tiêu chí viii) tại kỳ họp lần thứ 24 (năm 2000). Quần đảo Cát Bà có ranh giới tiếp giáp trên biển với di sản thế giới vịnh Hạ Long khoảng 28km, với những đặc điểm tương đồng về cảnh quan thiên nhiên và địa chất địa mạo. Năm 2013, Quần đảo Cát Bà được quốc gia thành viên Việt Nam đề cử với tư cách là một di sản độc lập ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (ix) và (x) của Công ước về bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972). Kết luận của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Báo cáo Đánh giá kỹ thuật về hồ sơ đề cử: “Khu vực đề cử Quần đảo Cát Bà là một phần của vịnh Hạ Long mở rộng, bao gồm các đảo đá vôi ven bờ được hình thành qua một giai đoạn địa chất lâu dài, mang tính đại diện cho các hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới và cận nhiệt đới đã phát triển độc lập từ đất liền. Quần đảo Cát Bà nằm trong khu vực thực thể địa lý vịnh Hạ Long, trải dài trên diện rộng của các vùng biển nửa kín ở vịnh Bắc Bộ. Đặc trưng của vịnh Hạ Long là hàng trăm đảo đá vôi hùng vĩ nhô lên trên mặt nước trong xanh có kích thước từ nhỏ đến lớn, và đảo lớn nhất là đảo Cát Bà, được coi là ví dụ nổi bật của cảnh quan karst bị biển xâm thực. Nhiều đặc điểm về địa mạo được tìm thấy trong khu vực đề cử Cát Bà tương đồng và bổ trợ cho những đặc trưng có được ở vịnh Hạ Long, do đó nó là một phần không thể thiếu của vịnh Hạ Long mở rộng…”. Do đó, IUCN đã kiến nghị Ủy ban Di sản thế giới không ghi danh đề cử này vào Danh mục Di sản thế giới để xem xét đề xuất mở rộng vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà theo các tiêu chí (vii) và (viii), có thể bổ sung thêm tiêu chí (x).
Theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, Đoạn 163 quy định: “Một điều chỉnh nhỏ về ranh giới là một điều chỉnh không làm ảnh hưởng đáng kể đến quy mô của di sản và cũng không làm ảnh hưởng tới Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản”; Đoạn 165 quy định: “Nếu một Quốc gia thành viên muốn điều chỉnh đáng kể ranh giới của một di sản đã được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới, cần gửi đề xuất như một hồ sơ đề cử di sản mới. Việc xét đề xuất điều chỉnh đáng kể hay điều chỉnh nhỏ ranh giới di sản thế giới sẽ do Cơ quan tư vấn của UNESCO quyết định”. Theo IUCN, trường hợp mở rộng vịnh Hạ Long gồm cả Quần đảo Cát Bà thuộc loại điều chỉnh đáng kể về ranh giới di sản thế giới.
Trải qua quá trình một năm rưỡi đánh giá, thẩm định, xét hồ sơ theo quy định; với những đánh giá, ghi nhận của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các giải pháp bảo tồn vịnh Hạ Long; sự thành công của quá trình vận động ủng hộ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế; những nỗ lực, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong việc lập hồ sơ; cùng sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như của hai địa phương có di sản đề cử, hồ sơ đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long gồm cả Quần đảo Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới.
Đại diện chủ tọa, Chủ tịch kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua dự thảo Quyết định 45 COM 8B.3 Rev: “Phê duyệt điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long gộp cả Quần đảo Cát Bà để trở thành vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trong Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (vii) và (viii)”. Theo đó, sau khi điều chỉnh ranh giới, diện tích khu vực di sản thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tăng từ 434km2 lên 656,5 km2; vùng đệm tăng từ 306,5 km2 lên 341,4 km2. Ủy ban Di sản thế giới yêu cầu Quốc gia thành viên Việt Nam triển khai một loạt các giải pháp để quản lý và bảo vệ toàn vẹn vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sau khi ranh giới di sản thế giới được mở rộng, như: Sử dụng kết quả đánh giá sức tải vịnh Hạ Long để áp dụng cho toàn bộ khu di sản mở rộng nhằm đảm bảo hoạt động du lịch không gây tác động tiêu cực đến Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; điều chỉnh các dự án phát triển đảm bảo phù hợp với Đoạn 172, Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới và triển khai Đánh giá tác động di sản (HIA) đối với tất cả các dự án phát triển ở vùng đệm và khu vực liền kề vùng đệm; tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ vùng đệm di sản; chỉnh sửa và hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản; ban hành cơ chế phối hợp quản lý di sản liên tỉnh… Kết quả thực hiện các khuyến nghị trên sẽ được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO vào ngày 1/12/2024 để trình Ủy ban xét, đánh giá hiện trạng bảo tồn di sản tại kỳ họp lần thứ 47 (năm 2025).
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 45, tính đến 13h ngày 20/9/2023, Uỷ ban Di sản thế giới đã quyết định ghi danh 40 đề cử mới vào Danh mục Di sản thế giới (gồm 31 di sản văn hoá và 9 di sản thiên nhiên), nâng tổng số di sản trên toàn thế giới lên 1.197 di sản; đồng thời đưa 5 di sản thế giới vào Danh mục Di sản lâm nguy. Theo chương trình, kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản thế giới sẽ bế mạc vào ngày 25/9/2023.
PĐ
Liên kết website
Ý kiến ()