Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:28 (GMT +7)
Mở rộng nghề đan giỏ lục bình ở Hưng Phước
Thứ 4, 26/01/2022 | 14:56:38 [GMT +7] A A
“Những sợi lục bình khô tưởng chừng bỏ đi lại được bện chặt vào chiếc khung thô ráp, tạo nên giỏ lục bình xinh xắn và hữu ích. Hơn hết, lục bình còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ chịu khó trên vùng biên giới nắng gió khô cằn. Thành quả đó càng làm tôi thấy phấn khởi khi mình đã đi đúng con đường tìm niềm vui cho bản thân và tạo cơ hội mới cho chị em nông thôn lúc nhàn rỗi” - bà Nguyễn Thị Dịu, người đưa nghề đan giỏ lục bình đến xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp trải lòng.
Bắt đầu từ chuyến thăm dò
Từ những năm 2000, bà Nguyễn Thị Dụ và Nguyễn Thị Dịu đến sinh sống, lập nghiệp trên địa bàn ấp 4, xã Hưng Phước. Đây là vùng đất cuối cùng của huyện Bù Đốp, tiếp giáp Vương quốc Campuchia và người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian lao động của nông dân cũng diễn biến theo mùa vụ. Sau những ngày tất bật với vụ mùa là quãng thời gian dài nhàn rỗi không có việc làm, thu nhập gia đình bị ảnh hưởng.
Nhận thức rõ tình hình, dù gia đình có thu nhập khá giả trong vùng, hai bà Nguyễn Thị Dụ và Nguyễn Thị Dịu vẫn mong mỏi tìm hướng đi phát triển kinh tế cho phụ nữ trong vùng lúc nhàn rỗi. Do đó, tháng 6-2020, hai bà đã khăn gói lên đường về Bình Dương, tham gia lớp học đan giỏ lục bình của Công ty ASA Việt Nam, chuyên sản xuất giỏ lục bình để xuất khẩu sang Ấn Độ và Nhật Bản. Hai bà chăm chỉ quan sát, học hỏi, thạo nghề và tìm kiếm nguồn hàng để mang về dạy cho các chị em trong vùng.
Bà Nguyễn Thị Dịu, Tổ trưởng Tổ nghề đan giỏ lục bình ấp 4, xã Hưng Phước chia sẻ: Nhìn thấy nhiều chị em trong ấp không có nghề nghiệp, rất nhàn rỗi sau những ngày mùa, tôi đã cùng chị Dụ quyết tâm đi học nghề, rồi duyên đến với nghề đan giỏ lục bình. Loại hình này dễ làm, phù hợp với quỹ thời gian của phụ nữ nông thôn. Từ đó, chúng tôi quyết tâm học tập và mang nghề về cho chị em trong vùng. Nhiều người trong xã đã đến học tập. Ban đầu có khoảng chục người đến học tập nhưng không kiên trì rồi bỏ cuộc. Nhưng phần lớn chị em vẫn theo đuổi nghề và hiện đã lan rộng trong ấp, trong xã, thậm chí ở các xã khác như Thanh Hòa, thị trấn Thanh Bình cũng đến học.
“Trái ngọt” trong mùa dịch
Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động đan lát thủ công mỹ nghệ giỏ lục bình ở ấp đã thu hút đông phụ nữ xã biên giới Hưng Phước tham gia. Không chỉ những nông dân nhàn rỗi, mà còn cả giáo viên, công nhân vẫn tranh thủ thời gian học nghề, làm thêm tăng thu nhập cho gia đình. Từ 10 người ban đầu đến nay, đã có hơn 20 người trong vùng được tập hợp lại dưới hình thức tổ nghề. Sau đó, chính những thành viên tổ nghề lại truyền dạy cho người dân trong vùng. Chính vì thế, mỗi tháng tổ đứng ra nhận từ Công ty ASA Việt Nam khoảng 1.000 khung giỏ cùng nguyên liệu dây lục bình đều kịp hoàn thành tiến độ để bàn giao. Bà Dụ cho biết: Mỗi người nếu thạo việc, chỉ tranh thủ làm thêm buổi tối cũng được 1-2 bộ, tương đương gần 200 ngàn đồng. Qua 1 năm hoạt động, trung bình mỗi chị em trong tổ có thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng. Mùa dịch, thu nhập phụ nhưng ở mức như vậy đối với lao động nông thôn là rất cao và ổn định cuộc sống.
Bà Vũ Thị Cánh, thành viên tổ nghề đan giỏ lục bình, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 4, xã Hưng Phước vui mừng cho biết: Từ ngày có địa chỉ đan giỏ lục bình của chị Dụ, chị Dịu, tôi đã tham gia học nghề và triển khai tới toàn thể phụ nữ ở ấp 4 cùng học, cùng làm để tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Ban ngày chúng tôi đi hái tiêu, tối về làm phụ đan giỏ đến 10 giờ đêm cũng được 1 bộ. Mỗi ngày làm kiên trì cũng được 180-200 ngàn đồng. Khu vực trong xóm này đã học gần hết. Mỗi tối, tại nhà tôi, chị em có cả người già và trẻ em đến học rất đông. Sau khi nghe về tổ nghề đan giỏ lục bình tại xã Hưng Phước, Hội LHPN huyện Bù Đốp cũng đặt vấn đề nhờ chúng tôi về dạy nghề cho chị em trong huyện. Tôi đợi sau thu hoạch tiêu sẽ sắp xếp thời gian đi dạy nghề. Ban đầu sẽ nhận hàng từ cơ sở chị Dịu, khi đủ 20 người học và thạo nghề sẽ đề xuất ký kết hợp đồng nhận khung từ công ty để làm.
Hiện nay, từ Tổ nghề đan giỏ lục bình ấp 4 đã mở rộng ra các ấp Phước Tiến, Bù Tam (2 ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số) trong xã và xã Thanh Hòa, thị trấn Thanh Bình. Nhiều ấp có số lượng thành viên tham gia cố định như ở Bù Tam có gần 20 người thạo việc từ người lớn đến trẻ nhỏ… Sự lan tỏa này đã khẳng định sức sống của nghề thủ công mỹ nghệ nơi vùng biên giới. “Nghề này không mất nhiều sức nên bất kể tuổi nào, người già đến trẻ em đều có thể làm được. Và đan giỏ lục bình không chỉ giúp nhiều gia đình dạy con em biết lao động mà còn có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Điều đó đã vượt xa ngoài mục tiêu ban đầu của chúng tôi” - bà Nguyễn Thị Dụ bày tỏ niềm vui.
Chị Điểu Thị Mỹ, ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước đồng tình: Tôi làm công nhân ở xưởng gỗ nhưng sau thời gian nghỉ việc phòng dịch, tạm thời thất nghiệp. Chồng tôi đi phụ hồ nên bữa được bữa không. Chúng tôi lại đang nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học. Cũng may, trong lúc đang không có việc làm tôi được biết đến nghề đan giỏ lục bình. Đan giỏ lục bình cũng dễ làm, chỉ cần chú ý quan sát, cộng thêm chút chịu khó là làm được. Mỗi ngày, tôi vừa trông con vừa làm việc nhà cũng đan được vài bộ cho thu nhập vài trăm ngàn đồng.
Với sự cần mẫn, cùng đôi tay khéo léo trong lao động, nhiều phụ nữ ở xã biên giới Hưng Phước đã biến những cây lục bình trôi nổi trên kênh, rạch thành sản phẩm gia dụng và xuất khẩu ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước và góp phần tăng thu nhập gia đình. Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, các thành viên phụ nữ đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí thu nhập và kinh tế tập thể, đồng hành với xã về đích nông thôn mới.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()