Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 12:07 (GMT +7)
Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Tầm nhìn chiến lược, tạo bước đột phá mới
Thứ 2, 04/11/2019 | 09:51:12 [GMT +7] A A
Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố thủ phủ Hạ Long đã được các thế hệ lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Khi Trung ương ban hành các nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các phần việc để thực hiện sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, tiến tới xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Giải "bài toán" không gian đô thị Hạ Long
Hạ Long là đô thị loại I, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế… Cũng bởi Hạ Long có nhiều lợi thế, và vai trò quan trọng trong phát triển vùng, nên thời gian qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn...
Trung tâm TP Hạ Long hôm nay. |
Nhìn từ thực tế Hạ Long có thể thấy, không gian phát triển của thành phố được trải dài từ Tây sang Đông, đến giai đoạn này có nhiều nhà đầu tư chiến lược với hàng trăm dự án lớn, nhỏ. Nổi bật khu vực phía Tây của thành phố có các dự án: Đô thị Hạ Long xanh với hơn 7.000ha của Tập đoàn Vingroup; chuỗi dự án dịch vụ du lịch của Tập đoàn Tuần Châu; khu Bãi Cháy có tổ hợp các dự án đô thị, khách sạn, công viên, khu vui chơi của Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Geleximco. Sang phía Đông là trung tâm hành chính, chính trị, các trụ sở làm việc của tỉnh; chuỗi các dự án đầu tư kết hợp của Sun Group, FLC và các trung tâm thương mại, khu đô thị… Trong khi, diện tích tự nhiên của thành phố chỉ hơn 275km2, với gần 250.000 người dân sinh sống.
Đứng trước yêu cầu phát triển, thành phố phải đối mặt với những thách thức, áp lực về quỹ đất, nhất là quỹ đất để xây dựng các dự án tầm cỡ quốc gia và khu vực; không gian phát triển hẹp... Vì vậy, việc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và triển khai các kế hoạch phát triển mới sẽ khó có đột phá bởi Hạ Long được xác định không còn dư địa về không gian cho phát triển. Vì vậy, để phát triển, xây dựng Hạ Long trở thành đô thị hạt nhân vùng, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế… thì việc mở rộng không gian phát triển là nhiệm vụ rất cần thiết.
Xác lập vị thế mới
Đề án sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ được UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy vào ngày 1/10/2019 trên quan điểm thận trọng, chắc chắn, công phu và có lộ trình cụ thể. Đây là hai địa phương có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện, có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối kinh tế - xã hội. Những điểm khác biệt của hai địa phương sẽ bổ khuyết, tương hỗ cho nhau theo cả hai chiều tạo thuận lợi khi sáp nhập tổng thể.
Đoàn công tác Trung ương khảo sát công tác sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. |
Đây chính là cơ hội không chỉ giải quyết "điểm nghẽn" về không gian phát triển cho Hạ Long, là động lực quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước… Trước thời cơ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Đồng thời, triển khai các bước tiếp theo chuẩn bị cho công tác sáp nhập theo đúng quy định của pháp luật, như: Lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND cấp xã, huyện, tỉnh và đã được ủng hộ rất cao.
Đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Việc mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long được đánh giá là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng. Từ đây, sẽ tạo ra những lợi ích to lớn, hiệu quả bằng việc hình thành đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính cùng với sự đa dạng độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch...
Bản đồ quy hoạch một số hạ tầng giao thông mới tại TP Hạ Long. |
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long sẽ mở ra không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn trong một đơn vị hành chính thống nhất, nhân lên sức mạnh về tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa... Đồng thời, còn tạo thuận lợi cho quy hoạch phát triển đô thị tầm cỡ quốc tế, phù hợp tăng trưởng xanh và tăng cường khả năng liên kết vùng, góp phần quan trọng trong đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.
Việc mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long sẽ góp phần giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố, bảo vệ cảnh quan vùng di sản, tăng cường quản lý thống nhất về môi trường ven biển theo đúng quan điểm quản lý hệ thống, thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm; kết nối đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ... tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt có tính cạnh tranh cao…
Từ sự ủng hộ cao của Trung ương, sự quyết tâm, đồng lòng của tỉnh Quảng Ninh và nhân dân các địa phương trong tỉnh về việc sáp nhập địa giới hành chính, tin tưởng Quảng Ninh sẽ tiếp tục bứt phá đi lên, sớm trở thành thành phố trực thuôc Trung ương trong thời gian không xa.
Đỗ Phương
Đồng thuận, thống nhất cao Ông Vũ Đức Tính, Trưởng Công an TP Hạ Long: "Góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự" Việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là chủ trương lớn đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương. Đặc biệt với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây là điều kiện hết sức cần thiết. Vì thế, việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu. Đồng thời là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khơi dậy. Từ đây, chất lượng đội ngũ cán bộ và điều kiện hoạt động của bộ máy chính quyền được nâng lên, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn cũng sẽ được triển khai tốt, phục vụ đắc lực cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư Đảng ủy phường Hồng Gai: "Đưa Quảng Ninh lên một tầm cao mới" Theo Đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long với diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Việc sáp nhập 2 địa phương tạo không gian phát triển xứng tầm, phát huy tiềm năng, lợi thế của Hạ Long và Hoành Bồ, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho tỉnh trong giai đoạn tới. Đặc biệt việc sáp nhập sẽ góp phần đưa Hạ Long, Hoành Bồ lên một tầm cao mới với kinh tế phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao; văn hóa được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Bà Phạm Thị Hồng Nhạn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đại Yên: "Hai địa phương sẽ bổ trợ cho nhau về cơ cấu kinh tế, thế mạnh phát triển du lịch rừng, biển..." Việc mở rộng không gian phát triển TP Hạ Long theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long sẽ tạo không gian mới, không còn bị bó hẹp với diện tích hiện có, trong khi nhu cầu phát triển rất lớn. Đặc biệt khi sáp nhập, những hạn chế về quỹ đất đầu tư các dự án sẽ được khắc phục; hai địa phương sẽ bổ trợ cho nhau sự đa dạng về cơ cấu kinh tế, về thế mạnh phát triển du lịch rừng, biển… Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư, trưởng khu 4, phường Hồng Hải, TP Hạ Long: "Người dân đồng thuận cao với chủ trương mở rộng TP Hạ Long" Tôi thấy rằng, chủ trương mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của người dân. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi khi sáp nhập sẽ phát huy tiềm năng vốn có của huyện Hoành Bồ, tạo cho TP Hạ Long một không gian đủ lớn để phát triển lâu dài. Việc sáp nhập còn tạo thuận lợi cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Hoành Bồ 50-60km như Khe Phương, Khe Lương của Kỳ Thượng, các thôn xa của Đồng Sơn, Đồng Lâm… có thêm nhiều điều kiện tốt để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từ đó phát huy vai trò để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển.
Ông Nguyễn Trung Đức, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long: "Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, lao động hợp lý, nâng cao hiệu quả công tác" Theo tôi, thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động hợp lý, phát huy vai trò ở từng vị trí việc làm, đảm bảo chất lượng cũng như tránh lãng phí nguồn nhân lực. Tôi tin tưởng, khi sáp nhập, bộ máy TP Hạ Long mới sẽ được kiện toàn với đội ngũ cán bộ có chất lượng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của địa phương.
Tuấn Hương (Thực hiện) |
Liên kết website
Ý kiến ()