Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:15 (GMT +7)
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông
Thứ 7, 26/10/2024 | 14:16:53 [GMT +7] A A
Việt Nam và Trung Đông có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế. Đây là những tiền đề thuận lợi giúp cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển.
Tuy nhiên, thị trường Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhưng hiện tại đang bị bỏ ngỏ, chưa tận dụng triệt để tiềm năng xuất khẩu. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Đông của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các bên, đồng thời mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong tương lai.
Quan hệ bổ trợ
Nhận định từ các chuyên gia, Saudi Arabia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh, là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Đây là quốc gia có diện tích sa mạc rất lớn và khí hậu không thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm an ninh lương thực.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư Saudi Arabia cũng quan tâm đến các dự án của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, dệt may. Vì vậy, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản như gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, cà phê, cá đông lạnh, cá hộp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm trang trí nội thất, than củi, trầm hương, hàng may mặc... vào thị trường này.
Thống kê cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Saudi Arabia đạt gần 2,7 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, hàng rau quả... Ngược lại, Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, kim loại thường khác, cao su, quặng và khoáng sản khác...
Về đầu tư, tính đến tháng 6/2024, Saudi Arabia có 8 dự án đầu tư trị giá 8,57 triệu USD tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Saudi Arabia đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 12 dự án với tổng trị giá hơn 164,10 triệu USD. Hơn nữa, ngày càng nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch, đổi mới sáng tạo... Đặc biệt, Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng với Saudi Arabia.
Tại buổi làm việc với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Quốc tế, Bộ Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE) có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE theo hướng ngày càng khởi sắc, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, với điểm nhấn là khởi động và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA Việt Nam - UAE).
Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam - UAE những năm gần đây luôn đạt khoảng 5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch trong năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Theo thống kê của phía UAE, trao đổi thương mại hai nước năm 2023 đạt 8,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, vải, ngọc trai, đá quý, hạt điều, gạo, chè, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất, giấy, trái cây, rau, thuốc lá… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam gồm nguyên liệu nhựa, khí hóa lỏng LNG, chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất, sản phẩm hóa chất…
Về tình hình đàm phán CEPA Việt Nam - UAE, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tiến bộ đã đạt được của đoàn đàm phán hai bên trong việc đẩy nhanh quá trình đàm phán đồng thời thảo luận nhằm tìm ra giải pháp về những nội dung mà hai bên còn có quan điểm khác biệt để sớm thu hẹp khoảng cách, giúp duy trì động lực đàm phán.
Về hợp tác song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía UAE xem xét, tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và logistics. Cùng đó kêu gọi doanh nghiệp UAE nghiên cứu, đến đầu tư tại Việt Nam vào một số lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong quá trình đàm phán CEPA Việt Nam - UAE để sớm tiến tới kết thúc đàm phán, cùng đó nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Theo thống kê thương mại Việt Nam- Quatar trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều bình quân đạt 400 triệu USD mỗi năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD, tăng 32% so với năm 2022; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Qatar 211,6 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân u-rê… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Nhiều địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài thị trường truyền thống và tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu. Theo đó, thị trường các nước Trung Đông, vùng Vịnh; trong đó, Qatar được xem là đối tác tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Khai thác tiềm năng
Tại buổi giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đoàn doanh nghiệp Ả Rập tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra rằng: Hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Ả Rập Trung Đông, châu Phi có tiềm năng lớn nhờ vào sự bổ sung về lợi thế và nhu cầu giữa các bên trong về năng lượng và cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch cũng như lĩnh vực công nghiệp và chế biến.
Đặc biệt, Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất nhập khẩu, chứng nhận Halal. Ngoài ra, trong lĩnh vực logistics và vận tải biển, với vị trí chiến lược, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa châu Á và Trung Đông. Hợp tác với các công ty logistics hàng đầu tại Trung Đông như công ty DP World sẽ giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Bắc Phi.
Ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE đánh giá: Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.
Theo ông Trương Xuân Trung, quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE có thể thấy Việt Nam có thế mạnh về nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Chia sẻ về kinh nghiệm tuân thủ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu chứng nhận Halal, ông Nguyễn Đăng Hiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho biết: Người Hồi giáo chỉ mua sản phẩm Halal như một bằng chứng về đức tin mà Allah cho phép sử dụng sản phẩm đó. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý không nói về các tôn giáo khác nhau, không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ, tôn giáo khác) trên bao bì sản phẩm, phương thức thanh toán hay dùng D/P, chuyển tiền, đặt cọc, trước, ít dùng L/C; bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả Rập, người Ả rập thích tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm mẫu hàng.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia Trung Đông, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, chất lượng tốt và đồng đều. Ngoài ra, doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu riêng, từng bước đưa kèm vào thị trường cùng với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối, chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO).
Ngoài ra, doanh nghiệp nên có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực. Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường nhằm quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()