Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:18 (GMT +7)
Mở lối về cho người lầm lỗi
Thứ 3, 02/08/2022 | 07:42:35 [GMT +7] A A
Được triển khai thực hiện từ tháng 6/2021, qua 1 năm thực hiện, mô hình “Mở lối về cho người lầm lỗi” tại TP Uông Bí bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người lầm lỗi có cơ hội bắt nhịp với cộng đồng.
Mặc dù mô hình được xây dựng và triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt đời sống xã hội, nhưng đến nay, các phòng, ban, đơn vị và TP Uông Bí đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp, bước đầu nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm, ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho nhân dân.
Để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, Thành ủy, UBND TP Uông Bí đã ban hành các văn bản thống nhất thực hiện, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên. Ban Chỉ đạo mô hình được kiện toàn gồm 22 thành viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách công tác văn hóa - xã hội làm Trưởng ban và 21 đồng chí là đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn là thành viên.
Các thành viên Ban Chỉ đạo mô hình trên cơ sở quy chế, kế hoạch hoạt động, đã chủ động thực hiện nhiệm vụ, công việc. Theo đó, Công an thành phố với vai trò là lực lượng nòng cốt đã đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" gắn với thực hiện công tác dân vận, gắn việc triển khai mô hình “Mở lối về cho người lầm lỗi” và mô hình “An ninh cơ sở”. Đẩy mạnh chỉ đạo công an các phường, xã và các đội nghiệp vụ có liên quan trong công tác tham mưu UBND cùng cấp thực hiện các biện pháp tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với công an cấp xã; rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án hình sự tại xã, phường; đánh giá thực trạng tình hình; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề ra các giải pháp cụ thể, tích cực trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.
Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã chủ động nắm tình hình, điều kiện hoàn cảnh thực tế, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Kịp thời tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Phòng Tư pháp chủ động tham mưu cho UBND thành phố ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lầm lỗi trên địa bàn. Cùng với đó, tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường quan tâm, thực hiện nhanh gọn các thủ tục hành chính (chứng thực, đăng ký hộ tịch) cho các đối tượng này. Qua đó, giúp họ có niềm tin vào pháp luật, điều chỉnh hành vi lệch lạc và có ý thức phê phán, lên án những hành vi tiêu cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngân hàng CSXH phối hợp cùng các phòng, ban, triển khai vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh.
Các địa phương quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật tại nơi cư trú, trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Cùng với đó, hỗ trợ các thủ tục vay vốn, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chủ động thu thập thông tin về tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong và ngoài thành phố để giới thiệu việc làm cho người lầm lỗi. Đồng thời bảo lãnh cho người lầm lỗi đủ điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định.
Thông qua việc phân công những cán bộ uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm ở địa phương (công an, tư pháp, các đoàn thể xã hội) tham gia giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi, tư vấn tâm lý, động viên tinh thần, trợ giúp các thủ tục pháp lý. Các đơn vị cũng đẩy mạnh phối hợp với gia đình trực tiếp gặp gỡ, động viên, nắm tâm tư, tình cảm, thái độ, nguyện vọng để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý để họ ổn định cuộc sống...
Bên cạnh đó, nhiều người lẫm lỗi có ý chí, nghị lực đã quyết tâm vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ tạo việc làm cho những người có cùng hoàn cảnh và tích cực tham gia công tác đoàn thể, xã hội, giữ vững an ninh trật tự.
6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP Uông Bí đã có 427 người lầm lỗi được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ. Trong đó, 19 trường hợp chấp hành án treo và án phạt quản chế được UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị và được TAND thành phố quyết định rút ngắn thời gian thử thách, miễn giảm hình phạt; 49 người chấp hành xong án phạt tù tiến bộ, đủ điều kiện xóa án tích; 104 người chấp hành xong án phạt tù đang quản lý có ý thức chấp hành pháp luật, hòa nhập cộng đồng, được hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương tạo điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; 13 gia đình người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn được vay vốn với số tiền 700 triệu đồng...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()