Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:45 (GMT +7)
Mở cửa du lịch: Có khách nhưng không nhiều, 2024 mới mong hồi phục hoàn toàn
Thứ 5, 28/10/2021 | 09:24:22 [GMT +7] A A
Lãnh đạo các công ty du lịch lữ hành quốc tế dự báo khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam so với năm 2019 là khoảng 30-40% vào năm 2022, và 70% năm 2023. Dù có khách đến, nhu cầu với thị trường Việt Nam sẽ thấp hơn các điểm đến khác.
Du khách không chờ đợi
Chiều 27-10, hơn 200 chuyên gia là quản lý, nhà sáng lập của các công ty du lịch, lữ hành, nhà điều hành các khách sạn, chuỗi khách sạn lớn có buổi thảo luận trực tuyến chia sẻ về tương lai phục hồi của du lịch Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á đang dần mở cửa.
Điểm chung mà nhiều người đều đồng ý là sau gần hai năm "đứng hình", giờ đây họ đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Ngành du lịch và dịch vụ khách hàng liên quan sẽ là ngành hồi phục nhanh nhất, vì nhu cầu đi lại bị dồn nén đã lâu và cơ sở hạ tầng đã có sẵn. Xác định mở cửa thì đã rõ, nhưng khi nào, ở đâu, như thế nào và khó khăn ra sao là những vấn đề được thảo luận nhiều nhất.
Ông Erkan Tuncaakar, quản lý công ty Go Vacation Việt Nam, cho biết hiện nay các khách sạn, đội ngũ hướng dẫn viên, các văn phòng đã sẵn sàng mở cửa và hoạt động. Vấn đề họ cần những thông điệp rõ ràng từ nhà quản lý để thông tin đến khách hàng.
Ông cho rằng thông tin từ nhà quản lý ở Việt Nam đang thiếu thống nhất, liên tục thay đổi nên đến thời điểm này, các công ty lữ hành vẫn như đi trong sương mù, không biết khi nào thì Việt Nam sẽ mở cửa.
Trong khi đó, một số thị trường, như du khách châu Âu thường lên kế hoạch du lịch rất sớm, trước chuyến đi khoảng 1 năm là bình thường. Hiện nay các công ty đều "nợ" khách nhiều câu hỏi về cách ly, về giá cả…
Trước các thông tin cập nhật nhất về mở cửa cho người nước ngoài, như du khách sẽ chỉ đi đến những địa điểm được đăng ký trước trong tour, ở tại một khách sạn trong 7 ngày, nhiều người đồng ý với ông Erkan rằng có thể một số ít người vẫn đến Việt Nam, nhưng đến khi không còn yêu cầu về cách ly thì mới mong có khách.
Đơn giản vì du khách có những lựa chọn tốt hơn ở Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka,… là những nước rất gần Việt Nam đang rộng cửa chào đón họ.
"Du khách sẽ không chờ đợi", ông Erkan nhận định.
Các dự báo cho du lịch Việt Nam
Thực tế mở cửa tại châu Âu cho thấy các nhà kinh doanh du lịch các nước không nên kỳ vọng quá nhiều - tăng trưởng sẽ có, nhưng không cao, chỉ khoảng 30-40% vào năm 2022 so với trước đại dịch.
Ngành du lịch sẽ gặp một số khó khăn trong duy trì chất lượng dịch vụ, do nhân sự nhiều lĩnh vực đã phải chuyển đổi ngành nghề trong đại dịch, và có thể không quay trở lại. Việc tuyển dụng và đào tạo người mới vào nghề sẽ mất thời gian cho đến khi guồng máy lại vận hành suôn sẻ.
Trung Quốc và Nga là hai thị trường lớn của Việt Nam, nhưng sẽ khó để mang du khách từ hai thị trường này trở lại.
Với Trung Quốc, nước này vẫn trung thành với chiến lược không có ca nhiễm và đóng cửa biên giới. Do đó, sẽ rất ít người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.
Với Nga, người dân Nga thiếu tin tưởng vào vắc xin COVID-19 nên đến nay, mới có 33,9% người dân Nga tiêm vắc xin đầy đủ. Sẽ không có nhiều người Nga đủ điều kiện đáp máy bay đi du lịch do hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều yêu cầu du khách cần tiêm vắc xin đầy đủ.
Ngoài ra, các nước cũng muốn mở cửa với quốc gia "ít nguy cơ", mà Nga cũng không phải trong danh sách này. Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này đang rất nóng. Do đó, các công ty dịch vụ nào đặt trọng tâm là khách Nga, Trung Quốc sẽ phải phải chuyển đổi để thu hút du khách từ các thị trường thay thế.
Ông Bách Trần, công ty Discova Việt Nam, nhận định trước mắt, khi mở cửa, du khách từ các điểm đến không quá xa, như Úc, Trung Đông, Hàn Quốc sẽ là chủ đạo. Du khách là gia đình, người yêu, người hưu trí sẽ phá băng cho thị trường; và du lịch kết hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE) có thể là lĩnh vực cuối cùng hồi sinh vì cần rất nhiều điều kiện khó khăn kèm theo.
Bà Yến Nguyễn, công ty Exo Travel, một đơn vị rất mạnh trong dịch vụ MICE, cũng nhận định MICE sẽ chậm phục hồi, nhưng các nhà tổ chức có thể sáng tạo bằng cách cung ứng dịch vụ "lai" kết hợp tổ chức sự kiện trực tiếp và trực tuyến cho khách hàng.
Để hấp dẫn du khách, các chuyên gia trong ngành đề nghị cơ quan chức năng cần sớm thông báo rõ ràng về kế hoạch mở cửa với các yêu cầu thực tiễn, cởi mở hơn trong việc cấp thị thực (visa) và tiếp thị về các điểm đến.
Với các nhà cung ứng trong ngành, các khách sạn cần sớm công bố giá, chính sách khuyến mãi, đầu tư cho quảng cáo điện tử, hồi đáp nhanh chóng với khách hàng…
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()