Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:28 (GMT +7)
Minh bạch, hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính
Thứ 2, 12/12/2022 | 11:10:03 [GMT +7] A A
Hiện đại, minh bạch hóa thủ tục hành chính (TTHC) có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Khắc phục những hạn chế của mô hình “một cửa liên thông” trước đây, năm 2012 tỉnh phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, trong đó có các mô hình trung tâm hành chính công các cấp. Sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình cho thấy thực sự là bước đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, được Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đánh giá cao, được nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, đồng tình ủng hộ.
Đến nay các TTHC đưa vào trung tâm hành chính công các cấp đã được cắt giảm 45-60% thời gian giải quyết so với quy định của trung ương; đặc biệt, một số thủ tục đã cắt giảm trên 70% thời gian, như lĩnh vực chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư. Thời gian giải quyết các TTHC được rút ngắn, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Xác định cải cách hành chính, trọng tâm là TTHC tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, từ năm 2019 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai con dấu thứ 2 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, quy trình 4 bước tại chỗ được nâng lên thành 5 bước tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả tại Trung tâm), tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp, người dân đến giao dịch; đưa hoạt động giải quyết TTHC tại Trung tâm ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy được giá trị của các quyết định ủy quyền.
Với quan điểm cải cách hành chính chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong giải quyết TTHC. Năm 2016 hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh được xây dựng, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay số TTHC cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 đạt trên 80%. Qua đó giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp.
Quảng Ninh là một trong những địa phương thí điểm giải quyết TTHC qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua một thời gian được các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, người dân thấy được sự ưu việt mà Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại. Năm 2022 có 533.351 hồ sơ (đạt tỷ lệ trên 75%) được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 174 tỷ đồng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo quy trình "5 bước trên môi trường điện tử" (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Triển khai ký số đã giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối mạng internet có thể thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi; khai thác các kết quả giải quyết TTHC được lưu trong kho lưu trữ điện tử và trích xuất dữ liệu để tái sử dụng trong quá trình giải quyết TTHC.
Kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS của tỉnh (đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công) năm 2021 đạt 94,07%, là năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc. Chỉ số PAR Index của tỉnh (đánh giá hoạt động cải cách hành chính) trong 5 năm trở lại đây luôn nằm trong nhóm đạt điểm tốt và xuất sắc; 4 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()