Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:00 (GMT +7)
Bình Liêu - Miền văn hóa đậm đà bản sắc
Thứ 2, 23/12/2024 | 16:38:36 [GMT +7] A A
Hiện thực hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời triển khai có hiệu quả và sáng tạo các nghị quyết về phát triển văn hóa, con người có tính dẫn dắt của tỉnh, những năm qua văn hóa Bình Liêu đã được bảo tồn và phát huy tốt, thực sự là trụ cột vững chắc cho sự phát triển, tiến bộ của cộng đồng các dân tộc.
Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào DTTS, cao nhất nước, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán riêng, đã được nhận định là di sản quý báu cần được bảo tồn và phát huy để trở thành động lực cho sự phát triển bứt phá và toàn diện của huyện nói chung, cộng đồng các DTTS nói riêng.
Nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người, bám sát các chỉ đạo, chương trình của trung ương, các nghị quyết của tỉnh, văn hóa Bình Liêu được bảo tồn, phát huy, đang trở thành “tài nguyên” riêng có, lợi thế cạnh tranh cho vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Văn hóa đóng vai trò quan trọng giúp Bình Liêu "thay da đổi thịt", chuyển mình từ một vùng quê nghèo thành một vùng NTM với diện mạo bừng sáng.
Từ năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, đến năm 2023 thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh uỷ “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Bình Liêu đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể có tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; lồng ghép, gắn kết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”.
Tiêu biểu năm 2018, huyện bắt đầu triển khai phong trào mặc trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan chính quyền và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện. Phong trào sau đó được triển khai trong toàn hệ thống giáo dục của huyện, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của thế hệ trẻ về trang phục truyền thống và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nội dung nghị quyết, chỉ đạo cập nhật, bổ sung hệ giá trị lịch sử, văn hóa, con người Bình Liêu, Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương; phát động các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tuyên truyền 8 đặc trưng của con người Quảng Ninh “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”, đồng thời hướng dẫn xây dựng và phát huy hình ảnh con người Bình Liêu với các đặc điểm “Nhân ái, Giản dị, Giàu bản sắc văn hóa”.
Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có không gian sinh hoạt, trao đổi văn hóa, từ đó sáng tạo thêm các giá trị văn hóa mới, huyện huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, 100% trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu phố của huyện được trang bị cơ sở vật chất theo quy định. Huyện thu hút xã hội hóa đầu tư Khu Liên hợp thể thao 14.750m2, tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng. Huyện hiện có 7 CLB nghệ thuật dân gian cấp xã, 28 CLB cấp thôn, khu với 600 thành viên thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, ngày lễ của địa phương, đất nước trong năm.
Công tác phục dựng và tổ chức các hội, lễ hội truyền thống được quan tâm. Lễ hội đình Lục Nà, Hội Kiêng gió, Hội Soóng cọ, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở không chỉ được duy trì, là nét đẹp sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng, mà đang dần trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhiều phong tục, tập quán của các DTTS được phục dựng, thực hiện hồ sơ ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, tục kiêng gió của người Dao, lễ mừng cơm mới của người Tày. Đặc biệt, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” Quảng Ninh mà người Tày Bình Liêu là đại diện, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()