Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:28 (GMT +7)
Miền Trung gồng mình ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19
Thứ 4, 01/12/2021 | 23:23:51 [GMT +7] A A
Ðợt mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến nhiều khu vực ở các tỉnh miền Trung: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… bị ngập sâu, nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng nặng; nhiều khu dân cư bị chia cắt,… lãnh đạo các địa phương đã đi thị sát, đôn đốc các lực lượng tập trung ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Quảng Nam: Sạt núi, hơn 1 vạn khối đất đá tràn lấp Quốc lộ 40B
Sáng sớm 1/12, một quả đồi đã sạt lở tràn lấp Quốc lộ 40B gây chia cắt giao thông lên các xã vùng cao của Bắc Trà My và Nam Trà My.
Do mưa lớn nhiều ngày qua, một phần quả đồi sạt lở đổ sập xuống quốc lộ 40B, tại vị trí km80+100 (xã Trà Giác) với khối lượng đất đá tràn lấp đường theo ước tính hơn 10.000m3.
Đường lên 3 xã vùng cao Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka của huyện Bắc Trà My và lên huyện Nam Trà My hoàn toàn bị cắt đứt.
Theo chính quyền địa phương, điểm sạt lở này xuất hiện vào tối ngày 30/11, sáng nay tiếp tục sạt và khối lượng vùi lấp ngày càng lớn.
Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam điều động ngay phương tiện cơ giới đến hiện trường để xúc, vận chuyển đất đá nhằm thông tuyến trở lại.
Tuy nhiên, vì khối lượng đất đá tràn xuống lòng đường quá lớn, lại trong thời điểm sạt lở rình rập nên đơn vị thi công chưa thể xác định thời điểm có thể thông tuyến tạm.
Trắng đêm sơ tán dân đến nơi an toàn
Ngày 30/11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã điều động 3 đội cứu hộ, cứu nạn với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ và 11 ca nô khẩn trương hành quân đến những vùng bị ảnh hưởng nặng trực tiếp giúp dân ứng phó với lũ lụt. Đồng thời huy động 4 đội cứu hộ, cứu nạn với hơn 40 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động trong đêm khi nước lũ dâng cao, kịp thời cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại huyện Sông Hinh, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và dân quân địa phương đã xuyên đêm sơ tán kịp thời 200 hộ dân ở khu vực gần sông Ba như Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây đến nơi an toàn.
Trên tuyến quốc lộ 29, tại vị trí Km73+330 đoạn qua xã Đức Bình Đông, một đoạn đường dài 8m bị cuốn trôi, kéo theo cống thoát nước ngang, đơn vị quản lý đường và lực lương dân quân đã kịp thời lập rào chắn, hướng dẫn giao thông và thi công cống tạm, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Tại huyện Đồng Xuân, bộ đội, dân quân cùng với các lực lượng địa phương đã sơ tán gần 700 hộ với gần 2.200 nhân khẩu ở những địa bàn trũng sâu đến nơi an toàn. Lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng cơ động phối hợp với các lực lượng tiếp tục sơ tán đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân....
Tại TX Đông Hòa, do mưa lớn kéo dài kết hợp với mực nước sông Bàn Thạch dâng cao khiến hàng trăm hộ dân ở khu vực hạ lưu như: Hiệp Đồng, Thạch Tuân 2 (xã Hòa Xuân Đông) bị chia cắt, cô lập. Cùng với thực hiện “4 tại chỗ”, lực lượng vũ trang luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Mưa lũ làm 10 người chết và mất tích; gần 60.000 nhà bị ngập; nhiều tuyến quốc lộ bị ách tắc,...
Báo cáo nhanh công tác phòng chống thiên tai của Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, tính đến 6h30 sáng ngày 01/12, trong những ngày qua, mưa lũ đã làm 59.739 nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639), 4.704 hộ bị chia cắt (Tuy An, Phú Yên) có nơi ngập sâu từ 1-2m.
Các địa phương đã tiến hành sơ tán dân tại chỗ 6.030 hộ (Quảng Nam 53, Bình Định 439, Phú Yên 5.517, Khánh Hòa 21).
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum thiệt hại do mưa lũ đến 06h00 ngày 01/12 như sau:
Mưa lũ làm 10 người chết và mất tích (Bình Định 03 người, Phú Yên 06 người, Kon Tum 01 người), tăng 02 người tại Bình Định, 06 người tại Phú Yên.
Về giao thông, mưa lũ làm ngập và sạt lở gây ách ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
Về nông nghiệp, 641 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176, Phú Yên 455, Đắk Lăk 10); 416.5 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 72, Phú Yên 90); 2.858 gia cầm (Bình Định 1.250, Phú Yên 1.608).
Về Thủy lợi, 1.540m kè và 17.143m kênh mương hư hỏng (Bình Định), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).
Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và BCĐ quốc gia về ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Gia Lai, Đắk Lắk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30/11 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm lũ cho hạ du.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại triển khai ứng phó theo văn bản số 566/VPTT ngày 29/11/2021.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Phú Yên: Sẵn sàng phương tiện, lực lượng, ứng phó kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, từ 19 giờ ngày 30/11 đến 6 giờ ngày 1/12, thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến từ 0,2-15,4mm. Hiện lũ trên các sông trong tỉnh Phú Yên đang giảm chậm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, trên toàn tỉnh có 4 người thiệt mạng (huyện Phú Hòa 2 người, huyện Sơn Hòa 2 người chết do lật ca nô trong quá trình chở đi di dời tránh lũ).
Số nhà ở bị ngập là 28.639 hộ (TP Tuy Hòa 20.860 hộ, Phú Hòa 6.377 hộ, Tuy An 935 hộ, Đồng Xuân 467 hộ), bị chia cắt 9.206 hộ (Tuy An 4.704 hộ, TX Đông Hòa 4.325 hộ, Phú Hòa 177 hộ) và 01 nhà bị sập tại huyện Tuy An. Lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ 455ha, hoa màu bị thiệt hại 90ha; số gia súc, gia cầm bị thiệt hại, cuốn trôi 1.621 (Tuy Hòa).
Tính đến 21 giờ ngày 30/11, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, bị chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ 0,4-1,5m; gây tắt giao thông, sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường... tại các tuyến ĐT.641, ĐT.642, ĐT.645, ĐT.647, ĐT.650, Chí Thạnh - La Hai, Triều Sơn - La Hai.
Về thiệt hại thủy sản, chìm 1 tàu cá trên biển, lúc 2 giờ ngày 28/11 tại khu vực biển gành Dứa, thôn Phú Hội, An Ninh Đông, Tuy An, tàu cá PY83518TS/05 lao động công suất 56CV) làm nghề lưới rê, bị sóng lớn đánh chìm tàu. Hậu quả ông Lê Ngọc đã chết trên đường đi cấp cứu, 04 thuyền viên còn lại đã được đưa vào bờ an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương chủ động tổ chức triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt các sông trên địa bàn tỉnh kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả;
Kiểm tra, rà soát, những khu vực thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất chủ động phương án di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra và đảm bảo an toàn nhất là công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy đinh tại các khu vực sơ tán dân tập trung;
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.
Tổ chức lực lượng để canh gác, kiểm soát chặt chẽ, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lũ, vớt củi trên các sông, suối;
Chủ động chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn;
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để có thể ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu…
Khánh Hòa: Nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, hàng vạn người dân bị ảnh hưởng
Theo báo cáo nhanh sáng 1/12 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã gây sạt lở, ngập úng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổng lượng mưa 24 giờ qua (6 giờ ngày 30/11 đến 6 giờ ngày 1/12) các nơi phổ biến từ 30 - 125mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn. Do mưa lớn, kết hợp với hoạt động xả điều tiết các hồ chứa nước, nên trong đêm 30/11, lũ trên sông Cái Nha Trang lên nhanh, đạt đỉnh lúc 0h ngày 1/12 với mức 11,46m, trên BĐ3 là 0,46m; trên sông Dinh Ninh Hòa đạt 5,72m, trên BĐ3 là 0,02m.
Ứng phó với mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã tổ chức sơ tán 21 hộ 88 khẩu; tại Nha Trang có 38 hộ/132 khẩu tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương phải sơ tán đến nơi an toàn.
Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, cùng với một số hồ chứa nước xả điều tiết đã gây ngập úng nặng nề nhiều nơi.
Tại Nha Trang ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp trong đêm 30/11 đến sáng 8 giờ sáng 1/12 bị cô lập hoàn toàn, mức ngập có nơi trên 2m.
Qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ, với khoảng 35.000 người dân ở các xã này bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Ở các địa phương khác, huyện Diên Khánh ngập lụt các điểm dân cư, các các vị trí vùng trũng dọc sông Cái (các xã Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Lâm, Diên Điền, Diên Phú), ngập khu vực đồng ruộng thuộc xã Diên Thạnh, Diên Lạc; tại Ninh Hòa ngập úng tại nhiều khu vực ven sông Dinh Ninh Hòa; khu vực huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ngập hầu hết các cầu tràn với mức ngập khoảng 1,5m.
Đối với các công trình, mưa lớn gây sạt lở một số đoạn thuộc bờ đê Sông Gốc, sông Đồng Điền (Vạn Ninh); Kè Sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn); nhiều tuyến kênh bị ngập sâu trong nước chưa xác định được thiệt hại.
Riêng các công trình giao thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập úng và đất đá sạt trượt gây ách tắc giao thông. Tại Ninh Hòa, Tỉnh lộ 1B đất đá sạt lở tràn ra mặt đường khoảng 194 m3; mưa lớn làm tổng cộng 60 cây ngã ra đường.
Tại Nha Trang, đường Phạm Văn Đồng đất đá sạt lở lấp rãnh dọc, tràn ra mặt đường khoảng 230 m3; đường Nguyễn Tất Thành đất đá sạt lở lấp rãnh dọc, lề đường khoảng 96m3.
Tại Khánh Vĩnh, trên Tỉnh lộ 2, đường Sông Cầu – Yang Bay bị sạt lở nhiều nơi, tổng cộng có gần 300m3 đất đá tràn ra mặt đường.
Tại Khánh Sơn, Tỉnh lộ 9 sạt lở nhiều nơi với khoảng 427m3 đất đá, đường Tô Hạp – Sơn Bình cũng bị sạt lở nghiêm trọng với tổng cộng 347m3.
Hiện cơ quan chức năng đang tập trung hốt dọn, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bị sạt lở.
Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 800 ha lúa bị ngập nước (Vạn Ninh 450ha, Ninh Hòa 50ha).
Bí thư Phú Yên: Khẩn cấp ứng phó mưa lũ, phòng chống dịch bệnh COVID-19
Ngày 30/11, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ký, ban hành Công văn 205-CV/TU yêu cầu các ban xây dựng đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn; huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ và phòng, chống dịch COVID-19.
Trong những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nước trên các sông, suối đang lên nhanh và tiếp tục lên trong 24 giờ tới. Một số hồ, đập bắt đầu xả lũ. Dự báo lũ trên sông Ba, sông Kỳ Lộ sẽ vượt mức báo động 3, sông Bàn Thạch đạt mức báo động 2-3, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông...
Để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống mưa lũ trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu:
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động triển khai công tác phòng chống mưa lũ, đồng thời đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch ở địa phương, đơn vị mình. Chủ động triển khai kịp thời các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các huyện, thị, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo thời tiết, mưa lũ, kế hoạch xả lũ của tỉnh để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các phương án phòng, chống mưa lũ ở địa phương. Tổ chức trực theo dõi tình hình 24/24 giờ, đảm bảo ứng phó với các tình huống xảy ra.
Kịp thời tổ chức di dời dân ở những vùng trũng thấp, xung yếu, ven sông, ven biển có khả năng ảnh hưởng triều cường, sạt lở do mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ động tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo, đưa người dân ra khỏi những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở... Bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực sơ tán, xây dựng phương án khắc phục sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, nhất là an toàn các công trình đang thi công và hệ thống hồ, đập.
Triển khai các phương án xả lũ khoa học, có kế hoạch, vừa đảm bảo an toàn hồ đập vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Sớm thông tin kế hoạch xả lũ để nhân dân chủ động ứng phó. Kịp thời khắc phục các sự cố tại các tuyến giao thông, đảm bảo giao thông được an toàn, thông suôt.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu nạn cứu hộ, di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các khu vực bị mưa lũ, nhất là các khu vực sơ tán dân đi, đến.
MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ động phòng, chống mưa lũ, chấp hành, triển khai thực hiện tốt các phương án, biện pháp phòng, chống mưa lũ của cơ quan chức năng và địa phương, không được chủ quan, lơ là.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi cập nhật, kịp thời thông tin diễn biến tình hình mưa lũ, dịch bệnh COVID-19 và công tác chỉ đạo phòng chống của các cơ quan chức năng để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, bám sát địa bàn, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đồng thời công tác phòng, chống mưa lũ và phòng, chống dịch COVID-19.
Phú Yên: Mưa lớn, thủy điện xả lũ nhiều khu vực ngập nặng
Ngày 30/11, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phú Yên cùng đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại thủy điện Sông Ba Hạ và chỉ đạo công tác di dời, đảm bảo an toàn người và tài sản của nhân dân.
Lúc 15 giờ ngày 30/11, các hồ thủy điện xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng: hồ thủy điện Sông Ba Hạ: 9.400m3/s, hồ thủy điện Sông Hinh: 2.000m3/s, hồ thủy điện Krông HNăng: 2.939m3/s, hồ thủy điện La Hiêng 2: 99,26m3/s. Từ chiều đến tối ngày 30/11, tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to.
Các hồ thủy điện và hồ thủy lợi tiếp tục xả lũ nên gây ngập lớn cho các địa phương ở vùng hạ du sông Ba gồm các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Nhiều nơi tiếp tục di dời dân và tài sản đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cho biết: Dự báo nước lũ còn lên cao nên chính quyền các địa phương khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Đến 16 giờ chiều ngày 30/11, đa số các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều xả lũ, tổng lưu lượng nước về đến khu vực TP Tuy Hòa khoảng 11.000m3/s.
Khoảng 19 giờ ngày 30/11, thủy triều dâng cao đạt đỉnh, cộng với sóng to và gió lớn làm nước biển dâng cao. Do đó, khi thủy triều chưa lên sẽ đồng ý cho xả với lưu lượng lớn, đến sau 16 giờ cho đến 18 giờ cắt giảm lưu lượng xả lũ về hạ du bảo đảm cân bằng nước và nhằm hạn chế ngập lụt ở hạ du. Sau khi thủy triều đạt đỉnh và rút thì tỉnh cho phép xả lũ trở lại đảm bảo cân bằng lưu lượng nước nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Chủ tịch Phú Yên: Tuyệt đối không để người dân và các phương tiện giao thông đi vào vùng nguy hiểm
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương phải khẩn trương thống kê và di dời người dân cùng tài sản đến nơi an toàn, nhất là ở vùng trũng thấp. Khi thực hiện di dời người dân phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Ở những tuyến giao thông ngập nặng phải bố trí lực lượng chốt chặn, cảnh báo; tuyệt đối không để người dân và các phương tiện giao thông đi vào vùng nguy hiểm.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương phải duy trì và thực hiện “4 tại chỗ” để ứng phó với mọi tình huống thiên tai do mưa lũ gây ra.
Bình Định: 3 người chết và mất tích; hàng vạn nhà dân bị ngập, thiệt hại sơ bộ khoảng 124 tỷ đồng
Chiều 30/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, đợt mưa lũ từ ngày 29 – 30/11 đã có 2 người chết và 1 người mất tích, 2 người bị thương; thiệt hại sơ bộ khoảng 124 tỷ đồng.
Cụ thể, chiều 30/11, ông H.V.D. (46 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích.
Tối 29.11, bà L.T.B. (79 tuổi, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) bị hụt chân té ngã tử vong khi bước xuống giường, lúc này đang có nước lũ ngập trong nhà.
Trước đó, chiều 29.11, bà Đ.T.Đ. (65 tuổi, ở xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Mưa lũ đã làm 8 nhà bị sập, 23.605 nhà bị ngập nước; 76 ha lúa, 72 ha hoa màu bị hư hại; 3,2 tấn lúa bị ướt; 31,7 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá; 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 1.540 m kè, 17.143 m kênh mương, 5.410 m bờ sông, bờ suối, 26 đập bổi, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; 5.522 m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng...
Chủ tịch Bình Định: Tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho dân
Trong cả ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại nhiều khu vực trong tỉnh.
Tại huyện Vân Canh, chiều 29/11 mưa lũ đã làm sạt lở, gãy một số cột điện thuộc tuyến đường dây 22 kV trên địa bàn huyện, gây mất điện cho hơn 3.200 khách hàng ở 6 xã, thị trấn. Đến kiểm tra sáng 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành điện phối hợp với địa phương khẩn trương khắc phục sự cố, để người dân sớm có điện sinh hoạt; kiểm tra lại hệ thống lưới điện trên toàn tuyến để phòng, chống các sự cố.
Tại huyện Tuy Phước, nơi có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, Chủ tịch tỉnh Bình Định chỉ đạo phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân; nhất là cảnh bảo, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập lụt; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, chữa trị... đồng thời cố gắng đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt.
Thị sát trên QL 19 mới, thấy nhiều khu dân cư ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước bị chia cắt giữa mênh mông nước lũ, đồng chí Nguyễn Phi Long yêu cầu điều động ca nô để vào thăm các hộ dân có nhà bị ngập sâu trong nước, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe...
Tại thị xã An Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu phường, thị xã quan tâm tìm giải pháp hỗ trợ cho những hộ dân trồng mai bị thiệt hại nặng, đồng thời động viên bà con đoàn kết, cùng nhau khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra.
Chiều 30/11, kiểm tra các tuyến đường, cầu, tràn bị ngập lụt; kè chống sạt lở bờ sông... tại các huyện An Lão, Hoài Ân, đồng chí Nguyễn Phi Long chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân; bảo vệ các công trình, khắc phục các sự cố bởi lũ lụt…
Kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại huyện Vĩnh Thạnh và huyện Tây Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh theo dõi các điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ, gắn bảng cảnh báo, khuyến cáo người dân đi lại an toàn; cần tập trung điều tiết tốt mực nước hồ Định Bình để tham gia cắt lũ, giảm ngập vùng hạ du và đảm bảo an toàn hồ chứa…
Tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), nước lũ đổ về đã xói sâu và gây sạt lở khoảng 6.000 m3 đất hai bên bờ sông Côn tại khu vực có tục danh soi Nổ thuộc xóm 3, 4 thôn Hòa Thuận, đe dọa đến sự an toàn của 120 hộ dân/hơn 400 nhân khẩu. Làm việc với xã Tây Thuận, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu lãnh đạo xã theo dõi sát sao tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để kịp thời di dời người dân sống tại vùng sạt lở hai bên bờ sông Côn đến nơi an toàn./.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()