Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:02 (GMT +7)
Miến dong Bình Liêu mùa Tết
Thứ 2, 01/02/2021 | 07:53:25 [GMT +7] A A
Sợi miến dong Bình Liêu hình thành sau 21 công đoạn chế biến. Đây là món ngon không thể thiếu trên mâm cỗ ngày lễ, tết của nhiều gia đình. Ra lò từ khuôn tráng miến dong nho nhỏ trong trái bếp ấm của các bà, các mẹ ở Bình Liêu, sợi miến Bình Liêu dần được sản xuất thương mại bởi những cơ sở tráng lớn hơn, hiện đại hơn. Miến dong Bình Liêu cũng theo những phương tiện trên bộ, trên biển, hàng không đến với các bếp ăn lớn, sang trọng trong tỉnh, trong nước và xuất ngoại.
Áp tết, những mẻ bột cuối cùng được tráng thành tấm và phơi trước khi được thái thành sợi. |
Sớm hết hàng, các cơ sở sản xuất “tắt lửa lò” đón Tết
Sau rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), không khí Tết Nguyên đán tràn ngập trên các nẻo đường, nếp nhà ở xã Húc Động. Vẫn những vườn đào chúm chím nụ hồng phai, thân xù mốc bật lộc xanh ngắt. Vẫn lũ trẻ nhỏ chạy nhảy đầy hứng khởi trên những chân ruộng dong riềng vừa thu hoạch. Vẫn mấy cô, mấy chị người dân tộc Sán Chỉ trong trang phục trên áo xanh, dưới váy đen rộn ràng, xúng xính xuống chợ khi trời hảnh nắng… Có khác chăng chỉ là hầu hết các lò tráng miến đã tắt lửa, các khu vực phơi miến đã được dọn sạch, từ ông chủ đến công nhân đều rảnh rang.
Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung La A Lồng thay vì “chân chạy”, điện thoại nóng máy cả ngày như mọi năm thì năm nay có thời gian sửa sang nhà cửa, chơi cây cảnh, hay cùng nhau chén trà, chén rượu bữa tiệc tất niên với những người thân. Ông chủ Trần A Chiu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Húc Động cũng vậy. Đơn vị của anh đã nghỉ sản xuất từ 20 ngày trước, hàng cũng đã xuất xong từ 10 ngày trước. Việc của anh bây giờ chỉ là thong thả sang chơi nhà những hộ trồng dong cho gia đình, vận động họ mùa tới trồng nhiều dong lên để bán…
Từ bàn tay khéo léo và tình yêu ẩm thực của những người phụ nữ Sán Chỉ đã khiến cho những sợi miến dong Bình Liêu thêm ngọt mát, đi vào bữa ăn của mỗi gia đình. |
Húc Động là địa phương tập trung nhiều nhất các lò tráng miến dong thủ công của Bình Liêu, cũng được coi là “quê gốc” của sản phẩm này. Thời điểm này các cơ sở tráng miến Húc Động không còn tráng miến nữa, một phần bởi phải tập trung cho khâu tiêu thụ, phần còn lại do hết nguyên liệu. Theo đại diện chính quyền sở tại, năm nay miến dong Bình Liêu tiêu thụ tốt hơn mọi năm, cung không đủ cầu, giá miến tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Phần lớn các lò tráng miến đã xuất hết hàng từ đầu tháng chạp, khách đều là những doanh nghiệp lớn đặt hàng để làm quà tặng Tết cho công nhân; một số lò cố tình để dành lại hàng cho những khách quen lâu năm lấy bỏ mối tại các chợ bán lẻ dịp cận Tết này thì mới còn. Tổng hợp của xã Húc Động cho thấy, năm 2020 các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn sản xuất được trên 150 tấn miến dong, tất cả đều đã được tiêu thụ hết.
Không chỉ xã Húc Động, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, đơn vị có quy mô sản xuất miến dong lớn và hiện đại nhất của Bình Liêu cũng giảm nhịp độ sản xuất để dành thời gian trả các đơn hàng. Số lượng hàng đã xuất của Công ty năm nay ước khoảng 100 tấn, trong đó 60% xuất trong dịp Tết Nguyên đán này.
Thời điểm này chỉ ít cơ sở sản xuất miến dong còn hàng để đóng cho các khách quen. |
Tính lại bài toán vùng nguyên liệu
Trong niềm vui dong củ được mùa, miến dong được giá, thị trường tiêu thụ miến dong ổn định, xuất hiện nhiều khách hàng mới, thì các cơ sở sản xuất miến dong ở làng nghề Húc Động hay Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu cũng đối mặt với bài toán về thiếu nguyên liệu. Thống kê sơ bộ của huyện Bình Liêu, tổng sản lượng nguyên liệu củ dong cung ứng cho các cơ sở này năm 2020 chưa tới 4.000 tấn, trong khi đó chỉ tính 9 cơ sở lớn của Húc Động thì nhu cầu đã là 5.000 tấn củ, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu cần 3.000 tấn.
Từ tình hình thiếu nguyên liệu đầu vào này, dự kiến số cơ sở sản xuất miến dong ở Húc Động sẽ rơi vào tình trạng “tắt lò” kể từ sau Tết Nguyên đán cho đến khi mùa dong mới được thu hoạch (khoảng tháng 9/2021). Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu do có dự trữ bột dong từ những năm trước, nên vẫn duy trì sản xuất, tuy nhiên sản lượng đạt không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Vùng nguyên liệu dong củ là một trong những điều kiện sống còn để phát triển sản xuất miến dong Bình Liêu. |
Theo ông La Ngọc Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động, nguyên nhân của tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu củ dong như trên do dư âm “khủng hoảng thừa” củ dong riềng của các năm 2017, 2018 đã khiến người dân e ngại, hiện vẫn chưa dám quay trở lại nhân rộng loại cây trồng này. Còn nhớ thời điểm năm 2017, trong khi diện tích quy hoạch trồng dong riềng của Bình Liêu chỉ là 128ha thì người dân trồng lên 200ha. Năm 2018, phong trào trồng dong riềng phát triển xuống huyện Tiên Yên, nâng tổng diện tích dong riềng Bình Liêu - Tiên Yên lên 345ha, tổng sản lượng dong riềng năm 2018 lên đến gần 16.000 tấn, gấp đôi năng lực của các cơ sở sản xuất miến dong.
Bất cập trên có phần trách nhiệm chính của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý và thực hiện theo quy hoạch, song người dân lại chịu hậu quả. Củ dong rớt giá, nhiều cánh đồng dong riềng phải bỏ đi vì quá lứa thu hoạch. Sau đợt khủng hoảng này, người dân phá dong riềng để chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích dong riềng thực tế hiện nay của huyện Bình Liêu chỉ là gần 64ha, bằng một nửa so với năm 2016 và bằng 1/5 so với lúc cao điểm trồng dong riềng năm 2018. Trong khi tốc độ tăng trưởng về thị trường tiêu thụ của sản phẩm miến dong Bình Liêu theo tính toán là 5-10% mỗi năm. Điều này cho thấy bất cập đối với vùng nguyên liệu dong riềng không đáp ứng đủ nhu cầu dành để sản xuất sản phẩm miến dong.
Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu sử dụng bột dong dự trữ để sản xuất. |
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất miến dong, hiện Bình Liêu đã quy hoạch vùng sản xuất dong riềng lên 120ha. Đặc biệt, huyện đứng ra làm vai trò kết nối doanh nghiệp với người dân để liên kết sản xuất tạo vùng nguyên liệu. Cái thuận của việc liên kết sản xuất này là các doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nếu đáp ứng đủ điều kiện liên kết là có hỗ trợ về giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân trong 3 năm liên tiếp.
Như vậy, so với trước đây, chính sách 194 sẽ đảm bảo tính bền vững trong liên kết, liên kết sâu, có ràng buộc, việc hỗ trợ có đầu mối là doanh nghiệp thay vì hỗ trợ dàn trải trong dân. Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu kỳ vọng: Từ cách làm này, năm 2021, Bình Liêu sẽ hình thành nên vùng nguyên liệu đúng, đủ quy hoạch, bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất miến dong trên địa bàn.
Năm 2021 này, Bình Liêu cần phải phát triển vùng trồng cây dong riềng lên gấp đôi hiện tại. Ảnh người dân Húc Động chuẩn bị dong giống để trồng sau Tết. |
Bên cạnh đó, đối với bài toán vùng nguyên liệu, giới chuyên môn cho rằng đã đến lúc các cơ sở sản xuất miến dong của Bình Liêu phải nâng cao tính chủ động, từ khâu chuẩn bị vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất và thị trường tiêu thụ. Trong đó, xác định vùng nguyên liệu là một trong những điều kiện sống còn, bản thân doanh nghiệp phải coi đây là việc của mình, thay vì là việc của chính quyền và người dân như hiện nay. Các cơ sở cũng cần phải đầu tư trở lại cho sản xuất, đặt biệt là các hạng mục thiết bị lọc, sấy và kho trữ, chứa bột dong để phục vụ sản xuất thường xuyên, khắc phục tính mùa vụ, chỉ “đỏ lửa” vào thời điểm thu hoạch dong riềng. Hiện duy có Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Liêu đang sử dụng hệ thống máy sấy bột để dự trữ, còn toàn bộ các cơ sở sản xuất miến dong ở Húc Động chưa chú trọng đầu tư hạng mục này.
Miến dong Bình Liêu, từ cái ngon, mát của món ăn truyền thống nơi vùng cao Bình Liêu đã vươn xa đến mọi nhà, mọi miền, trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại lợi nhuận kinh tế, những cái tết ấm cho người dân. Hoạt động sản xuất này khi đảm bảo về vùng nguyên liệu thô, nguyên liệu tinh còn nâng cao hơn về tính chuyên nghiệp, thích ứng cao với guồng quay thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất miến dong Bình Liêu cũng cần phải cải tiến mẫu mã, hình thức sản phẩm, hạn chế đóng gói theo dạng miến bó, miến bao như hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()