Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:28 (GMT +7)
Miền Bắc đối mặt với bùng phát dịch sốt xuất huyết
Thứ 7, 02/07/2022 | 08:09:27 [GMT +7] A A
Miền Bắc vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển, kết hợp với người dân đi du lịch, nghỉ hè đến những vùng dịch đang lưu hành nên dự báo dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng mạnh vào tháng 8.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu tháng 6 đến nay tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo, đa số do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra.
Điều trị ở buồng bệnh tầng 2 là bà H.T.M. (66 tuổi, quê ở Hà Nam), đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai và khi về quê 5 ngày thì xuất hiện sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc Nam không rõ loại. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, do không khai thác yếu tố dịch tễ nên bệnh nhân được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, có hạ tiểu cầu.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng diễn biến theo chiều hướng xấu, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng nặng, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao. Bệnh nhân đã được điều trị kịp thời. Sau 5 ngày tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện.
Ở phòng bệnh bên cạnh là nam học sinh, 17 tuổi ở Hải Dương, đi du lịch ở Bình Chánh, TPHCM, sau 6 ngày khi quay lại Hải Dương thì xuất hiện sốt, đau đầu, đau người, da, mắt đỏ xung huyết và có biểu hiện điển hình của SXH. Bệnh nhân này được Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, Hải Dương xét nghiệm dương tính với Dengue. Tuy nhiên bệnh nhân cũng đến viện muộn với các dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu hạ chỉ còn 20G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đã được xuất viện về nhà.
Tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, trước tình hình trên, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH Dengue, phát hiện các ca SXH sớm và xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.
Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của SXH để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như COVID-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.
TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết SXH đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp, thậm chí nguy hiểm tính mạng. “SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh ở dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và tử vong”.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()