Hiện "xương sống" cho TikTok hoạt động tại Mỹ phần lớn đến từ mạng máy chủ do Oracle cung cấp. Theo các nguồn tin, Oracle sẽ "giám sát hiệu quả những gì đang diễn ra với TikTok", thêm rằng mục tiêu của thỏa thuận là "giảm thiểu quyền sở hữu của Trung Quốc".
Trong khi đó, sự tham gia của Microsoft hiện chưa rõ ràng, nguồn tin cũng không đề cập chi tiết vai trò của hãng phần mềm Mỹ. Năm 2020, công ty từng cùng Oracle và Walmart đề xuất mua TikTok - động thái được nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates gọi là "chén thuốc độc".
Tin tức về cuộc đàm phán xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh hành pháp cho TikTok thêm 75 ngày để đưa ra quyết định thoái vốn hoặc bị cấm tại Mỹ. Ông Trump trước đó đã đưa ra khả năng về một "liên doanh" trong đó Mỹ sở hữu 50% công ty.
Oracle, Microsoft, TikTok chưa đưa ra bình luận.
Người Mỹ "có cảm giác bị kiểm duyệt" với TikTok mới
Sau thời gian ngắn ngừng hoạt động, TikTok đã được vận hành trở lại tại Mỹ. Tuy nhiên, nói với Reuters, một số người dùng nhận thấy "ứng dụng có cảm giác khác biệt" với ít video phát trực tiếp hơn, một số hoạt động bị xóa hoặc gắn cờ vì vi phạm nguyên tắc cộng đồng, gồm cả hành vi trước đây được phép.
Những người khác nói nội dung trên TikTik "bị kiểm duyệt" nhiều hơn, kết quả tìm kiếm bị hạn chế, cũng như cảnh báo về thông tin sai lệch và nhắc nhở người dùng kiểm tra nguồn thông tin từ bên thứ ba. Những cụm từ liên quan đến chiến tranh, giới tính, chính trị hoặc các vấn đề "nhạy cảm" đều bị chặn.
"Tôi chưa từng thấy điều này. Việc chia sẻ giờ 'chỉ giới hạn ở một cuộc trò chuyện tại một thời điểm', theo thông báo của TikTok", Pat Loller, 36 tuổi, nhà sáng tạo nội dung có 1,3 triệu người theo dõi, cho biết vấn đề mình đang gặp phải sau khi đăng một video châm biếm Elon Musk.
"Tôi đã thử đăng bài này sáu lần lên TikTok nhưng không được vì kiểm duyệt", Lisa Cline, một nhà sáng tạo nội dung khác, kể về việc liên tục bị từ chối một video chỉ trích Trump lên TikTok.
Danisha Carter, 27 tuổi, cho biết tài khoản của cô, hiện có 2 triệu người theo dõi, bị đình chỉ vĩnh viễn ngay sau khi TikTok ngừng hoạt động ngày 19/1. Cô được thông báo nguyên nhân là "nhiều vi phạm chính sách" khi cố gắng đăng nhập sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Ada "Mila" Ortiz, nhà phân tích dữ liệu và người sáng tạo nội dung, cho biết đã bị nền tảng cảnh cáo sau khi để lại những bình luận "vô hại" trên các video của người dùng khác, kèm cảnh báo nếu vi phạm lần nữa sẽ không thể truy cập một số tính năng.
"Nó quá đột ngột và ngẫu nhiên, đến nỗi tôi nghĩ họ đang cố đưa tôi ra khỏi nền tảng", Ortiz nói, đồng thời cho biết đã xóa khoảng 15 video ủng hộ bà Kamala Harris.
Trong khi đó, TikTok phủ nhận: "Chính sách và thuật toán của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi đang nỗ lực khôi phục hoạt động tại Mỹ trở lại bình thường, do đó sẽ có một số bất ổn tạm thời. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tính năng của TikTok hoặc quyền truy cập của người dùng vào ứng dụng".
Về việc nội dung "nhạy cảm" bị chặn, đại diện này nói thêm rằng TikTok "không cho phép đăng tải nội dung khuyến khích cá nhân bạo lực hoặc thù hận trên nền tảng".
Ý kiến ()