Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:13 (GMT +7)
“Mềm hóa” tuyên truyền pháp luật cho người lao động
Thứ 4, 20/10/2021 | 13:41:04 [GMT +7] A A
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ), công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho NLĐ luôn được các cấp công đoàn tỉnh quan tâm thực hiện. Các cấp công đoàn, đặc biệt LĐLĐ tỉnh, đã có những cách làm mới nhằm đưa kiến thức pháp luật đến NLĐ một cách thiết thực, gần gũi nhất.
Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là "cầu nối" đưa pháp luật tới NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, đa dạng các hình thức PBGDPL. Cụ thể là “mềm hóa” các văn bản pháp luật nhằm giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận với văn bản pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội.
"Sân chơi sau giờ thứ 8" đã trở nên quen thuộc đối với CNVC-LĐ trong tỉnh nhiều năm nay. Thông qua 4 phần thi: Lời chào công nhân; kiến thức pháp luật; nhịp sống công nhân; nhịp điệu công nhân, NLĐ đã nắm bắt nhanh, hiệu quả hơn những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, từ đó tự bảo vệ mình và thực hiện tốt pháp luật nhà nước về lao động. Sân chơi cũng góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, với mục tiêu "hướng các hoạt động về cơ sở, vì NLĐ", tạo sân chơi lành mạnh cho CNVC-LĐ.
Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2021" do LĐLĐ tỉnh phát động, đã có hàng triệu lượt đoàn viên tham gia. Điển hình là: Công đoàn Viên chức tỉnh; Công đoàn ngành GD&ĐT; LĐLĐ TP Hạ Long là số đơn vị có đông đoàn viên và lượt đoàn viên tham gia.
Chị Khổng Thị Thu Trang (Công đoàn Trường THPT Chuyên Hạ Long) chia sẻ: Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2021 là cơ hội để NLĐ hiểu thêm rất nhiều điều về Luật Lao động. Từ đó, giúp mỗi cá nhân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình đối với đơn vị cũng như bảo vệ những quyền lợi chính đáng của cá nhân.
Tháng Công nhân năm 2021, LĐLĐ tỉnh tổ chức khai trương hàng loạt điểm tư vấn pháp luật và tiếp CNLĐ tại các KCN: Cái Lân, Việt Hưng (TP Hạ Long); Đông Mai (TX Quảng Yên); Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); Hải Yên (TP Móng Cái). Các điểm tư vấn pháp luật và tiếp CNLĐ hoạt động định kỳ 1 tháng/lần, do LĐLĐ tỉnh chủ trì, có sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan, như Ban Quản lý KKT tỉnh, ngành BHXH, ngành LĐ-TB&XH tham gia tư vấn, tiếp CNLĐ, người sử dụng lao động.
Anh Hà Tử Văn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dệt Wai tai (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long), chia sẻ: CNLĐ trong KCN làm việc theo ca kíp, thời gian tiếp cận chính sách pháp luật của Nhà nước không nhiều; trong khi cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, CNLĐ luôn có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế, điều này đòi hỏi CNLĐ phải nắm để thực hiện và tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, nhu cầu được tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trong đoàn viên, CNLĐ rất lớn. Vì vậy, việc thành lập điểm tư vấn pháp luật và tiếp CNLĐ trong KCN không chỉ giúp NLĐ nắm bắt tốt chính sách pháp luật, xây dựng ý thức chấp hành nghiêm pháp luật của NLĐ trong lao động sản xuất, mà còn được tư vấn, giải đáp, giải quyết các vướng mắc, bức xúc thông qua các chuyên gia.
Cũng trong hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hiểu biết pháp luật lao động - Giải pháp đảm bảo quyền lợi người lao động”; các công đoàn cấp trên cơ sở cũng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho CBCNVC-LĐ... Đây là những hình thức rất hiệu quả, được cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ và người sử dụng lao động đánh giá cao.
Nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL được tổ chức đã giúp cho NLĐ có điều kiện để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ lao động cũng như tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, việc tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho lao động trong một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; NLĐ chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu về pháp luật; một số đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các lớp tuyên truyền, PBGDPL...
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, hướng hoạt động về cơ sở, tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền am hiểu về pháp luật, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với NLĐ.
Trung Anh
- Đẩy nhanh hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
- TKV: Chăm lo, sẻ chia khó khăn với người lao động
- Hơn 370 tỷ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
- Gói 38.000 tỷ đồng - “Liều thuốc” tiếp sức người lao động, doanh nghiệp vượt đại dịch
- Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- Chủ động, phối hợp chặt chẽ
Liên kết website
Ý kiến ()