Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Mây hồng soi bóng Ka Long
Chủ nhật, 22/10/2023 | 09:15:00 [GMT +7] A A
Có một cặp tình nhân không cùng sinh một ngày, một tháng nhưng cùng chung một chiến hào, cùng hy sinh trong một ngày xuân bi tráng. Câu chuyện tình yêu của nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm và Thượng sĩ biên phòng Bùi Anh Lượng 44 năm về trước trên đỉnh Pò Hèn vẫn gây xúc động mạnh cho mỗi chúng ta hôm nay.
Nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm sinh năm 1954, quê ở thôn 4, xã Bình Ngọc, huyện Móng Cái (nay là TP Móng Cái). Hồng Chiêm là cô gái trắng trẻo, nhanh nhẹn, tháo vát, niềm nở, nói năng dễ nghe nên được mọi người rất yêu quý. Học hết lớp bảy, chị Chiêm khai tăng tuổi để được đi bộ đội và từng là chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3.
Sau đó, chị chuyển từ đơn vị ở Yên Hưng về Ba Chẽ tham gia làm đường. Năm 1975, chị Chiêm chuyển ngành về làm ở Hợp tác xã mua bán huyện Móng Cái. Chị xung phong lên làm mậu dịch viên của cụm thương nghiệp Pò Hèn gần Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) vắng vẻ, heo hút cách xa trung tâm Móng Cái. Chị thường xuyên xuống Móng Cái rồi vượt 30km đường rừng để chuyển hàng lên điểm cao biên giới.
Hồng Chiêm như bông hoa xinh đẹp của núi rừng. Ở Pò Hèn, chị đã gặp và đem lòng yêu Thượng sĩ Bùi Anh Lượng, cán bộ vận động quần chúng của Đồn Công an nhân dân vũ trang 209. Thượng sĩ Lượng quê ở xã Yên Hải, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Chị đã quen anh qua những buổi tập bóng chuyền, tập biểu diễn văn nghệ. Anh mê giọng hát của chị, còn chị thích xem anh đánh bóng chuyền. Tình yêu đã đến với họ một cách tự nhiên như hương quế lan tỏa trên núi rừng Pò Hèn.
Chiều 16/2/1979, nữ tự vệ ngành thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm đã nhận lệnh của cửa hàng trưởng tên Vượng lên dọn dẹp một số hàng ở kho. Nhân tiện, chị cũng qua thăm người yêu, cổ vũ cho anh Lượng đánh bóng chuyền buổi chiều. Chiến tranh nổ ra, chị đã kiên cường cùng các chiến sĩ bám trụ đánh địch khi trong tay mình chỉ có một khẩu CKC và hai quả lựu đạn. Chị dõng dạc khẳng định với đồng đội: “Các anh cứ đi trước để em yểm trợ. Trước ở trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ, em được huấn luyện để dùng súng và lựu đạn rồi”. Và chị Chiêm đã ném lựu đạn, bắn yểm trợ để đồng đội tránh được đạn pháo, còn chị sau đó một mình chạy về chốt chiến đấu của đồn.
Chị Chiêm, anh Lượng, Chủ tịch xã Pò Hèn Cao Lê Thắng, cửa hàng trưởng Vượng, y sĩ Định và nhiều đồng đội khác đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến lúc hy sinh. Ông Hoàng Như Lý, nguyên cán bộ trinh sát của Đồn Công an nhân dân vũ trang 209, một trong bốn chiến sĩ còn sống sót sau trận 17/2, bùi ngùi nhớ lại: “Ban đầu, chúng tôi khuyên chị lui về tuyến sau nhưng chị kiên quyết xin đồn phó Đỗ Sỹ Họa cho chị sát cánh bên bộ đội chiến đấu. Chị đã lao vào băng bó cho thương binh, tiếp đạn cho đồng đội và trực tiếp chiến đấu”.
Thế rồi chị Hồng Chiêm bị thương vào tay trái, máu nhuộm đỏ cánh áo nhưng vẫn tiếp tục cầm súng đánh chặn giặc. Khi đồn phó Họa hy sinh, chị đã phủ tấm chăn lên người anh. Lúc này, chị Chiêm gần như là người thủ lĩnh tinh thần của các chiến sĩ. Chị tiếp tục chiến đấu và bị thương lần thứ hai khi một viên đạn găm trúng chân làm chị lảo đảo ngã xuống hào. Đồng đội Khổng Tiến Dũng đưa chị vào hầm.
Một lúc sau, chị đã được hạ sĩ Nguyễn Bá Chuyên phụ trách tiểu đội bảo vệ cổng chính trao cho khẩu K54 của đồn phó Đỗ Sỹ Họa vẫn dùng. Có súng, chị ra ngoài công sự để trở lại vị trí chiến đấu. Lần này, một loạt đạn trung liên quét mặt đồi làm chị bị thương rất nặng ở cột sống. Chị ngã xuống trên mảnh đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc khi bước vào tuổi 25. Thượng sĩ Lượng cũng hy sinh lúc đó, khi mới 26 tuổi.
Cả 2 người đã hy sinh nhưng mối tình của họ thì vẫn sống mãi. Với những đồng đội của liệt sĩ Lượng, liệt sĩ Chiêm không bao giờ chết cả. Bởi vậy, nhiều năm sau, đám cưới của hai người vẫn được tổ chức. Chỉ có khác là lễ rước dâu thay vì rước cô gái Hoàng Thị Hồng Chiêm lại rước bức ảnh thờ. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng như thể trao rể và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về nhà trai tại Hạ Long.
Tình yêu của họ cũng đã đi vào cõi bất tử. Ông Hoàng Như Lý khẳng định: “Họ yêu nhau tha thiết. Tình yêu của họ gắn bó mật thiết với tình yêu quê hương đất nước. Do vậy, dù họ không còn nữa nhưng hình ảnh của họ, tình yêu của họ vẫn trường tồn cùng mảnh đất này”. Tôi tin vào điều ông Lý nói, như tin vào màu xanh của rừng quế, màu mây trắng trên đỉnh Pò Hèn kia. Mây vẫn quần tụ bên nhau. Và có thể ở một cõi xa xăm nào đó, anh chị cũng đang sát cánh bên nhau như 44 năm trước ở trên đỉnh Pò Hèn.
Trong cuộc chiến đấu mùa xuân năm 1979 ở Pò Hèn và dọc tuyến biên giới đã có những hầm pháo như hầm công sự nơi chị Hồng Chiêm và người yêu cùng đồng đội chiến đấu được dựng lên bằng những thân tre. Nhiều cây tre mất ngọn, cụt đầu nhưng không có khóm tre nào bị bật cả gốc. Tre kiên cường hiên ngang đứng vững trong bom đạn bão táp. Cũng giống như vậy, sự gắn bó của cô nhân viên ngành thương nghiệp và anh chiến sĩ tuy đã ngã xuống ở Pò Hèn nhưng họ đã mãi mãi đi vào bất tử. Màu xanh trên vai áo của họ dường như đã truyền sức sống thanh xuân cho những cánh rừng, cho những lũy tre biên giới thêm xanh. Và mỗi lũy tre ngà như những người lính canh gác biên cương, canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho linh hồn những anh hùng liệt sĩ. Tôi mường tượng dưới hàng tre kia có một bóng hồng đang tung tăng bước. Bóng dáng chị Hoàng Thị Hồng Chiêm tựa làn mây hồng in dưới dòng sông biên giới Ka Long êm đềm đang lặng lẽ xuôi về phía biển.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()