Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
Máy bay không người lái – Nỗi sợ chung của quân đội Nga, Ukraine và Hàn Quốc
Thứ 7, 31/12/2022 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Máy bay không người lái (UAV) là một loại vũ khí rẻ tiền nhưng gây sợ hãi cho quân đội các nước, từ Ukraine, Nga cho tới Hàn Quốc.
Hàn Quốc: Bắn 100 phát không hạ được UAV nghi của Triều Tiên
Theo kênh Al Jazeera, ngày 26/12, 5 máy bay không người lái nghi của Triều Tiên đã bay vào không phận Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã đuổi một trong 5 máy bay không người lái trên khu vực Seoul.
Họ đã bắn cảnh cáo và nã khoảng 100 viên đạn từ một trực thăng được trang bị súng máy nhưng không hạ được máy bay không người lái nào.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai để đối phó với UAV, một máy bay chiến đấu KA-1 của Hàn Quốc đã rơi.
Sau đó một hôm, quân đội Hàn Quốc đã mất công theo dõi một đàn chim suốt 3 tiếng vì nhầm là UAV.
Vụ việc đã khiến quân đội Hàn Quốc bị Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ trích.
Ông bày tỏ lo ngại về việc quân đội không có khả năng hạ gục UAV vào thời điểm nước này đang tìm cách chống các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên.
Ông Yoon nói trong một cuộc họp nội các: “Vụ việc cho thấy quân đội chúng ta thiếu chuẩn bị và huấn luyện nghiêm trọng trong vài năm qua và cho thấy rõ ràng là cần phải sẵn sàng, huấn luyện mạnh mẽ hơn”.
Quân đội Hàn Quốc đã phải xin lỗi vì không bắn hạ được UAV xâm phạm không phận.
Ông Cha Du-hyeogn, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết: “Vụ việc khiến quân đội Hàn Quốc mất cảnh giác, phơi bày sự non nớt trong các phản ứng. Họ sẽ cần kiểm tra khả năng gây nhiễu GPS và hệ thống phản ứng chung của mình”.
Tổng thống Yoon cho biết nước này sẽ thành lập một đơn vị quân đội chuyên về UAV để phản ứng với sự cố ngày 26/12.
Ông nói: “Chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập một đơn vị UAV để theo dõi và do thám các cơ sở quân sự lớn của Triều Tiên và giờ đây sẽ đẩy nhanh kế hoạch này hết mức có thể”. Ông cũng cam kết sẽ tăng cường khả năng giám sát và do thám bằng các UAV tàng hình tiên tiến.
Sau vụ việc, ngày 29/12, giới chức Hàn Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa tiềm tàng từ UAV.
Dự kiến quân đội Hàn Quốc sẽ tập trung huy động trực thăng vũ trang, máy bay chiến đấu và các thiết bị phát hiện để phục vụ hoạt động diễn tập hiệp đồng tác chiến dựa trên các kịch bản UAV xâm nhập biên giới.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố chi tiết kế hoạch quốc phòng trung hạn, theo đó dự chi tổng cộng 441 triệu USD trong 5 năm tới cho một loạt chương trình chống UAV.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cũng đã phác thảo kế hoạch chủ động sử dụng các phương tiện tấn công, tổ chức tập trận thường xuyên và kết hợp các nền tảng có khả năng bắn hạ UAV mà không gây thiệt hại cho dân thường.
Cở sở hạ tầng Ukraine thiệt hại nặng nề vì UAV Nga
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga đã sử dụng nhiều UAV để gây thiệt hại cho phía đối phương.
Theo trang washingtoninstitute.org, UAV đã trở thành vũ khí ngày càng quan trọng đối với Nga ở Ukraine. Việc sử dụng UAV cho thấy các thiết bị tấn công giá rẻ có thể nghiền nát các thiết bị tinh vi và đắt tiền.
Nga dùng UAV Shahed-131 và Shahed-136 lần đầu tiên ở Ukraine vào giữa tháng 8/2022. Ban đầu, quân đội Nga dường như chỉ sử dụng UAV chủ yếu để tấn công cảm tử nhằm vào pháo và các mục tiêu chiến thuật có giá trị trung bình của Ukraine.
Sau đó, Nga đã thay đổi: Kể từ giữa tháng 10, Shahed đã là một thành phần quan trọng trong chiến dịch phối hợp tấn công chiến lược nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại Ukraine.
Với tầm bắn hiệu quả vài trăm km, Shahed đã giúp quân đội Nga tấn công các mục tiêu sâu bên trong miền Tây và miền Trung Ukraine từ các điểm phóng ở Crimea và miền Nam Belarus. Vào tháng 10, Nga đã điều những chiếc Shahed-136 bay tầm thấp vào Kiev.
Làn sóng tấn công chiến lược đầu tiên nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine diễn ra vào ngày 10-11/10.
Kể từ đầu tháng 10, quân đội Nga đã phóng hàng trăm tên lửa hành trình và UAV vào các mục tiêu năng lượng, tập trung vào cụm các nhà máy điện lớn cung cấp điện cho các thành phố lớn của Ukraine cùng với hàng chục trung tâm phân phối điện địa phương.
Các đợt tấn công bổ sung sử dụng hàng chục UAV dòng Shahed và tên lửa hành trình diễn ra vào các ngày 16-17/10 và 30/10.
Mặc dù UAV Shahed chỉ có thể mang theo một đầu đạn nhỏ, nhưng chúng có độ chính xác đáng tin cậy và có thể nhằm vào các mục tiêu quan trọng.
Kết quả là, mặc dù các nhà máy điện của Ukraine vẫn đang tạo ra thừa điện nhưng việc phân phối điện trên toàn quốc đã bắt đầu bị gián đoạn.
Làn sóng tấn công ban đầu đã tạm thời đánh sập khoảng 30% nhà máy điện và trạm biến áp của Ukraine, buộc Kiev phải áp đặt tình trạng mất điện luân phiên trên toàn quốc.
Để đối phó với UAV Nga, Ukraine phải dùng những quả tên lửa đắt tiền chỉ để bắn hạ UAV rẻ tiền. Càng bắn hạ được nhiều UAV Nga, Ukraine càng tốn tiền.
Một UAV Shahed có giá trung bình 20.000 USD, còn một quả tên lửa IRIS-T dùng để bắn có giá lên tới 430.000 USD, đắt gấp hơn 20 lần chiếc UAV cảm tử của Nga.
Theo một ước tính, Ukraine đã chi khoảng 28,14 triệu USD từ ngày 13/9 đến 17/10 để bắn hạ các UAV cảm tử của Nga.
Thủ đô Kiev của Ukraine thường trở thành mục tiêu tấn công của UAV Nga. Một trong số các vụ tấn công bằng UAV diễn ra vào ngày 19/12.
Khi đó, khoảng 20 UAV đã được triển khai tới Kiev và khu vực lân cận, buộc Ukraine phải huy động các hệ thống phòng không.
Thống đốc vùng Kiev Oleksiy Kuleba cho biết cuộc tấn công bằng UAV của Nga đã gây ra thiệt hại khá nghiêm trọng ở Kiev và ba khu vực bị mất điện.
Nga đã tung ra 35 UAV cảm tử, tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng trong và xung quanh Kiev.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp Nga điều UAV tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Các lực lượng Nga sử dụng Shahed - UAV do Iran sản xuất.
Theo kênh CNN, Iran và Nga đã đạt được thỏa thuận bắt đầu sản UAV tấn công ở Nga. Theo đó, Iran đang bắt đầu chuyển giao các bản thiết kế và linh kiện UAV cho Nga sau khi thỏa thuận ban đầu được ký kết vào đầu tháng 11.
Mục tiêu là để Nga sản xuất hàng nghìn UAV tấn công sử dụng các bộ phận và bản thiết kế của Iran. Nếu hai nước thực hiện đúng kế hoạch, giai đoạn sản xuất có thể bắt đầu sau vài tháng nữa và có thể Nga sẽ sử dụng UAV mới ở Ukraine vào năm tới.
Trước đó, các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã nhận được hàng trăm UAV từ Iran, mặc dù Iran chỉ thừa nhận gửi loại thiết bị này cho Nga trước cuộc xung đột.
UAV tấn công sâu trong lãnh thổ Nga
Trong khi sử dụng hiệu quả UAV để gây thiệt hại cho Ukraine thì chính Nga cũng “điêu đứng” vì UAV.
Theo đài RT, ngày 5/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine nhằm vào hai căn cứ không quân của Nga ở vùng Ryazan và Saratov đã khiến 3 quân nhân thiệt mạng và hai máy bay bị hư hỏng nhẹ.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay một số UAV từ thời Liên Xô cũ đã bay ở tầm thấp và nhắm mục tiêu vào các phương tiện hàng không chiến lược tầm xa tại sân bay Dyagilevo ở Vùng Ryazan và sân bay Engels ở Vùng Saratov.
Mặc dù các UAV bị lực lượng phòng không Nga phát hiện và bắn hạ, nhưng các mảnh vỡ đã ảnh hưởng đến các sân bay, làm hư hỏng nhẹ hai máy bay.
Ba quân nhân bị trọng thương và tử vong trong khi bốn người được đưa đến bệnh viện quân đội để điều trị.
Trước đây, UAV của Ukraine đã tấn công sở chỉ huy Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol và nhằm vào hải quân Nga ở Crimea, nhưng cuộc tấn công ngày 5/12 đã xảy ra sâu bên trong nước Nga.
Sân bay Dyagilevo cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát hơn 500 km, còn sân bay Engels cách đó khoảng 700 km. Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là “hành động khủng bố”.
Cuộc tấn công hai sân bay Nga do UAV Tu-141 thực hiện. Máy bay này được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1970.
Có thể nói mặc dù quân đội Nga sở hữu kho vũ khí tốt nhất để chống các cuộc tấn công từ trên không, nhưng họ đang gặp khó khăn trong đánh chặn các UAV công nghệ thấp hoặc cảm tử từ phía Ukraine.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()