Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:55 (GMT +7)
“Mắt thần” nơi địa đầu Tổ quốc
Thứ 4, 05/10/2022 | 08:27:49 [GMT +7] A A
Đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) có vị trí chiến lược quan trọng về chủ quyền biển đảo cũng như an ninh, quốc phòng. Trên đảo, từ năm 1962 đã được đặt ngọn hải đăng trên đỉnh núi Đầu Tán ở phía Bắc đảo, được người dân nơi đây ví như “mắt thần” của biển đảo Đông Bắc.
Đây là ngọn hải đăng quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý, đặt ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc, làm nhiệm vụ “soi đường, định vị” đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Trong ký ức các chiến sĩ Đồn 6 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia), trước năm 1979, khi đó Đồn còn đóng tại Cửa Đài, thuộc xã Vĩnh Trung ở cuối đảo, các chiến sĩ của đồn ở Trạm Kiểm soát biên phòng Đầu Tán đã từng cùng ăn, ở, sinh hoạt với những người gác đèn của trạm hải đăng này.
Hải đăng Vĩnh Thực thuộc vùng biển Quảng Ninh, luồng Vạn Gia - Vĩnh Thực được đặt từ năm 1962, luôn tỏa sáng tạo thành một hành lang an toàn hàng hải, giúp tàu thuyền qua lại, định hướng và định vị, đồng thời thực thi các nghĩa vụ và chủ quyền của Tổ quốc. Đến năm 1986, hải đăng Vĩnh Thực được xây dựng lại nhà và cột đèn. Năm 2017, ngọn hải đăng này được xây dựng mới hiện đại theo phong cách kiến trúc của Pháp. Cùng thời gian đó, tuyến đường bê tông từ trung tâm đảo lên ngọn hải đăng được đầu tư để phục vụ xe đưa khách tham quan. Nay hải đăng Vĩnh Thực đang là công trình có kiến trúc hiện đại, đồ sộ nhất trên đảo Vĩnh Thực.
Hải đăng Vĩnh Thực có chiều cao tính từ chân móng lên đỉnh tháp đèn là 18m, còn chiều cao tháp đèn tính từ mặt nước biển lên đỉnh tháp là 86m. Với chiều cao tâm sáng là 84,5m, vào ban đêm, hải đăng Vĩnh Thực phát ra ánh sáng trắng chớp 3 chu kỳ 10s phạm vi chiếu sáng 360 độ với tầm hiệu lực ánh sáng là 7,1 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T=0,74. Đứng trên hải đăng Vĩnh Thực, phóng tầm mắt ra xa, ta có thể bao quát được cả đảo Trần, đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô và cả một vùng biển vịnh Bắc Bộ rộng lớn...
Trước kia, ở Vĩnh Thực thì đèn hải đăng phải đốt bằng đèn măng sông. Đó là loại đèn có lưới sợi đốt bằng vải sợi ni lông màu trắng, giống như vợt bắt cá nho nhỏ và nhiên liệu đốt bằng loại dầu hỏa đặc biệt. Trước khi đốt đèn, việc đầu tiên là phải bơm tay cho dầu thành các giọt sương, thành mây phun vào các sợi vải lưới hóa học và cháy ở đó và phải nhiều lần dùng tay bơm dầu lên. Ngày ấy, những người “lính gác đèn” đã phải dùng 2 chiếc đèn luân phiên thắp sáng hằng đêm. Sau này, có máy phát điện nhỏ để thắp sáng ngọn đèn. Từ ngày trên đảo được cấp điện lưới, hải đăng Vĩnh Thực đã sử dụng điện lưới quốc gia thắp sáng.
Chuyện kể của các chiến sĩ biên phòng ở Trạm Kiểm soát Biên phòng đảo Trần của Đồn 6 xưa, ngày ấy, ở đảo Trần người dân địa phương thường gọi là đảo Chằn hoặc Chằn Nhạn, là một thôn của xã Vĩnh Trung, sau khi những hộ dân người Việt gốc Hoa đang sinh sống trên đảo tự bỏ về Trung Quốc, hòn đảo không còn hộ dân nào, chỉ còn mấy anh em của trạm, ngư dân quanh vùng cũng không ra vùng biển quanh đảo Trần thả lưới đánh bắt tôm, cá nữa. Mỗi buổi chiều tối thì họ lại cùng ngóng về Đầu Tán, ánh sáng nhỏ của ngọn đèn măng sông trên đỉnh núi giữa trùng khơi mênh mông trở thành một tọa độ với sứ mệnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ở trên đảo Trần ngắm trăng, ngắm sao, ngắm bình minh và hoàng hôn, thời khắc chuyển giao ngày và đêm là quy luật tự nhiên rất bình thường. Nhưng có buổi tối, đặc biệt là những ngày ở Trạm hết cả dầu đốt đèn thắp sáng, có hôm nào mà chưa thấy ánh sáng của ngọn đèn biển Đầu Tán là lại thấp thỏm lo âu, chỉ khi đèn được thắp sáng thì họ mới yên lòng.
Đảo Trần có diện tích chỉ hơn 4km2, song là đảo tiền tiêu vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, nằm cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ chỉ 10 hải lý, đảo Trần có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/CP giao đảo Trần thuộc huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) về huyện Cô Tô quản lý. Thôn Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô. Cũng từ năm 1996, trên đỉnh núi cao 186m của đảo Trần cũng đã được đặt đèn hải đăng độc lập, báo vị trí và luồng vào bến đảo Trần, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh định hướng và xác định vị trí của mình. Hải đăng đảo Trần có chiều cao công trình 17,7m, ánh sáng trắng, chớp nhóm chu kỳ 30 giây, phạm vi chiếu sáng 360 độ có tầm hiệu lực ánh sáng 20,7 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T=0,74. Từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh triển khai chủ trương đưa dân ra đảo Trần sinh sống. Đúng ngày Quốc khánh 2/9 năm 2020, tỉnh đã chính thức đóng điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Đến nay, thôn Đảo Trần đã có 29 hộ dân bám đảo, sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản.
Ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào hoạt động. Hàng vạn du khách bốn phương nô nức trải nghiệm tuyến đường mới này đến Móng Cái và ra khám phá đảo Vĩnh Thực. Lên đảo, du khách không thể bỏ qua hải đăng Vĩnh Thực. Từ hải đăng Vĩnh Thực, du khách ước mong sớm có tuyến đường thủy đưa khách từ đất liền ra đảo Trần để cùng trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và kỳ vĩ, ngắm ngọn Hải đăng và cột cờ Tổ quốc trên hòn đảo tiền tiêu.
Nguyễn Xuân
Liên kết website
Ý kiến ()