Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 13:57 (GMT +7)
Mát, bổ canh hải sâm nấu rong biển
Chủ nhật, 31/05/2020 | 16:41:12 [GMT +7] A A
Đi du lịch biển trong những ngày hè oi nóng thì hải sản là sự lựa chọn số một vì những món ăn chế biến từ hải sản rất dễ ăn, luôn hấp dẫn thực khách. Đến Minh Châu du lịch hè này, theo ngư dân đi bắt hải sâm và thưởng thức món canh hải sâm truyền thống theo đúng cách ngư dân chế biến thật thú vị.
Canh hải sâm rong biển, tuy không ngon mắt nhưng rất bổ dưỡng và mát. |
Chuyến đi Minh Châu đầu hè của chúng tôi thật thuận lợi bởi trời nhiều mây trong mát thay vì ánh nắng chói chang khó chịu. Thay vì đi câu như lịch trình, cậu em dân biển Minh Châu quyết định dẫn chúng tôi tới khu rạn đá gần cảng Cồn Trụi đi bắt hải sâm.
"Trời mát, nước ròng thấp như này, cá ít vào, đi câu cũng không hợp. Anh em mình đi bắt hải sâm ở các rạn đá ven khu cảng Cồn Trụi hoặc rạn phía ngoài cửa Đối, vụng Đầu Cào là tuyệt nhất. Chứ thông thường, nước không cạn phải lặn bắt hải sâm rất vất vả, nguy hiểm" - anh Nguyễn Thanh Đình (thôn Nam Hải, Minh Châu), ngư dân "thứ thiệt" vừa dẫn chúng tôi đi vừa bảo.
Ở Minh Châu, hải sâm thường sống ở các khu rạn đá, ghềnh ngập sâu dưới mặt nước vì nơi đây, nguồn thức ăn của chúng là phù du và các chất hữu cơ đáy biển rất phong phú. Cách hải sâm bắt mồi cũng rất thú vị, chúng nằm trong sóng và bắt những loài trôi trong đó bằng các xúc tu mở ra để bắt, hút thức ăn. Chính vì thế, hải sâm không chỉ quý mà còn được coi như “chuyên gia vệ sinh” của biển cả.
Hải sâm thuộc nhóm động vật biển, lớp Holothuroidea với thân hình dài và da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, sống trong lòng biển. Hải sâm giàu protein, ít chất béo, ít cholesterol, bổ dưỡng không kém nhân sâm. Là hải sản quý nhưng sinh vật này có bề ngoài xù xì, màu đen... trông không khác gì con đỉa lớn, khiến không ít người lần đầu nhìn thấy có cảm giác sợ.
Hải sâm có ngoại hình không ưa nhìn nhưng là quà tặng quý giá của biển. |
Hải sâm được dân miền biển gọi là con đỉa biển hoặc rum biển. Nhiều nơi còn gọi hải sâm là dưa chuột biển có lẽ do thân hình loài vật này giống quả dưa chuột. Thế nhưng hải sâm là món ăn tuyệt ngon, quý và rất bổ dưỡng cho sức khỏe.
Hải sâm có thể đánh bắt quanh năm, nhưng hải sâm ngon nhất, nhiều dinh dưỡng nhất và "trúng" vụ nhất vẫn là dịp hè, có khi còn bắt được hải sâm “khủng”, 4-5 con đã được cả cân. Hải sâm đã ngon, bổ nhưng nấu với đồ biển và các loại thực phẩm khác thì càng ngon. Trong đó có nấu canh cùng thịt gà và rong biển.
Khâu cầu kì nhất trong chế biến món ăn từ hải sâm chính là sơ chế. Hải sâm sau khi đánh bắt được rửa sạch, để ráo nước. Tiếp đến cho vào luộc chín cùng lá đu đủ, ngâm khoảng 2-3 lần rồi vò kỹ với muối cho bớt màu đen, cho tủ lạnh hoặc cho vào bát nước lạnh để tăng độ giòn cho hải sâm rồi mới đem đi chế biến. Đây là cách sơ chế hải sâm truyền thống của người dân Minh Châu.
Trong số những nguyên liệu trên thì có lẽ kiếm rong biển là khó khăn không kém. Rong biển được người Minh Châu gọi là mầm đá, bởi đây là loại rong mọc trên đá, ở những vùng nước khá sâu. Mỗi lúc triều xuống, ngư dân ở đây lại đi “hái” mầm đá biển. Rong mầm đá sau đó được rửa sạch, chỉ lấy phần ngọn non phía trên, ngâm trong nước 24 tiếng để khử hết vị mặn mới đem đi chế biến.
Sau khi chế biến, hải sâm được cho vào ngăn mát tủ lạnh hay ngâm đá để tăng độ giòn cho món ăn. |
Hải sâm và rong biển đều có tính mát, để tăng thêm mùi vị cũng như giá trị dinh dưỡng và tính cân bằng cho món ăn thì người dân ở đây cho thêm gà để hầm cùng hải sâm và rong biển. Đây thực sự là món ăn mát, bổ dưỡng rất hợp trong những ngày hè oi nóng.
Cách chế biến món ăn này cũng không quá khó. “Trước hết, ướp hải sâm và gà chút gia vị từ 10-15 phút trước khi chế biến. Gừng, tỏi khô, hành khô băm nhỏ phi thơm rồi cho hải sâm, gà, rong biển đảo đều cho thấm gia vị rồi cho nước hầm trong nồi áp suất từ 15-20 phút. Nếu dùng nồi thông thường thì thời gian lâu hơn nhưng không nên hầm quá lâu vì rong biển, hải sâm sẽ nhừ, không có độ giòn, thành nước hết" - anh Nguyễn Thanh Đình cho biết thêm.
Tạ Quân
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()