Bài hát "Mang tiền về cho mẹ" được dùng làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, đề ôn tập trường THCS - THPT Trần Cao Vân (quận Tân Phú).
Đề ôn tập kiểm tra kỳ I với trích đoạn bài hátMang tiền về cho mẹdo thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Văn trường THCS - THPT Trần Cao Vân biên soạn cho học sinh làm trong buổi học chiều 5/1. Đề bài sau đó được chia sẻ trên các diễn đàn ôn thi của học sinh khối 12 và các nhóm hâm mộ Đen Vâu, nhận hàng nghìn lượt thích và bình luận.
Kết thúc giờ làm bài, học sinh khối 12 trường Trần Cao Vân thảo luận sôi nổi về đề thi. Các em bày tỏ sự bất ngờ, hứng thú với ngữ liệu. "Em và nhiều bạn rất thích chủ đề bài hát này, nên thấy đề bài rất thú vị, lôi cuốn", một nữ sinh cho biết.
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc ngữ liệu dưới đây và trả lời các câu hỏi phía dưới:
Mang tiền về cho mẹ Mang tiền về cho mẹ Mang tiền về cho mẹ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ...
Mẹ không dám ăn Không dám mặc Không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con Giờ con đeo túi tò te đi mua cho mẹ cái túi Dior Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan.
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong ngữ liệu.
Câu 2: Trong ngữ liệu trên, Đen Vâu khẳng định mẹ mình "không dám" làm những gì? Vì sao?
Câu 3: Xác định và nêu tác dụng các biện pháp tu từ trong đoạn sau:
Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng?
Câu 4: Em có đồng tình với quan điểm của Đen Vâu trong câu "Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè" không? Vì sao?
II. Làm văn
Câu 1 (2 điểm):
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình về câu hát:
Mang tiền về cho mẹ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ.
Câu 2 của phần Làm văn (5 điểm) yêu cầu học sinh phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích tác phẩmAi đã đặt tên cho dòng sôngcủa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thầy Hà Văn Vụ chia sẻ mình không phải là người hâm mộ Đen Vâu nhưng biết giọng ca này được học sinh trung học rất mến mộ. Thầy giáo 34 tuổi nhiều lần nghe bài hátMang tiền về cho mẹvà nhận thấy ca từ gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với lứa tuổi THPT. Thầy Vụ chọn một số đoạn phù hợp để ra đề với hy vọng học sinh sẽ hứng thú.
"Sau một học kỳ trực tuyến, cả thầy và trò đều mệt mỏi, nhiều em nản nên tôi mong đề bài này thu hút các em", thầy nói.
Theo thầy Vụ, bản chất bài hát cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, cảm thụ bài hát tức là học sinh đang tập cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật. Đề bài cũng đưa ra hướng suy nghĩ mở. Học sinh có thể đồng tình hay phản đối quan điểm "mang tiền cho mẹ" của Đen Vâu, thông qua đó nêu chính kiến về tình mẫu tử thiêng liêng.
Hiện các trường THCS, THPT đang tăng tốc ôn tập trực tiếp cho học sinh khối 7-12 để bước vào đợtkiểm tra học kỳ I, dự kiến từ ngày 10 đến 22/1.
Ý kiến ()