Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
Malaysia đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới, nhiều thành phố ở Trung Quốc đạt miễn dịch cộng đồng
Thứ 6, 28/05/2021 | 08:51:07 [GMT +7] A A
Đến sáng 28/5, thế giới có trên 169,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,52 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,9 triệu ca mắc và gần 606.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 18.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể có tên Sotrovimab do hai hãng dược phẩm Vir Biotechnology và GlaxoSmithKline phối hợp phát triển. Thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể Sotrovimab được chỉ định cho người từ 12 tuổi trở lên và mắc COVID-19 ở thể nhẹ đến trung bình. Thuốc không được chỉ định cho những bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện hoặc thở máy. Sotrovimab thuộc nhóm thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng, có khả năng bắt chước các kháng thể tự nhiên mà cơ thể tạo ra để chống nhiễm trùng.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/5, nước này ghi nhận gần 211.300 ca mắc mới COVID-19 và trên 3.800 trường hợp tử vong. Con số trên đã nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ lên lần lượt là trên 27,37 triệu trường hợp và hơn 315.200 bệnh nhân.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ấn Độ đã tăng trở lại trên ngưỡng 200.000 ca sau khi vào ngày 25/5, quốc gia Nam Á này ghi nhận 196.427 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 66.700 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 318.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Một số khu vực của Nga đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho động vật tại các cơ sở thú y. Theo Cơ quan Giám sát an toàn nông nghiệp Nga, những lô vaccine Cornivac-Cov đầu tiên đã được đưa tới nhiều thành phố tại Nga để tiêm cho vật nuôi trong nước. Tháng 3 vừa qua, Nga thông báo đã đăng ký vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới cho động vật sau khi các thử nghiệm cho thấy, vaccine này tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 ở chó, mèo, cáo và chồn.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây truyền virus giữa người và động vật. Cơ quan quản lý Nga cho biết, vaccine này sẽ có thể ngăn ngừa bệnh lây lan giữa các loài động vật cũng như ngăn chặn sự xuất hiện của các chủng virus mới ở người. Nga đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 6 trên thế giới với trên 5 triệu ca mắc và hơn 120.000 người thiệt mạng.
Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 12 ca mắc mới COVID-19, gồm 4 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Mặc dù số ca nhiễm trong cộng đồng trên cả nước chỉ ở mức 1 con số nhưng ở thủ đô Vientiane, hiện vẫn có 29 "vùng đỏ" tại 6 quận và vẫn chưa thể dự báo khi nào làn sóng dịch lần này sẽ kết thúc.
Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân cả nước nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch và không ra khỏi nhà nếu không có việc cấp thiết. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1,895 trường hợp, bao gồm 2 bệnh nhân tử vong.
Ngày 27/5, cơ quan y tế Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Bên cạnh đó, Thái Lan có thêm hơn 3.300 ca nhiễm mới, trong đó hơn 1.200 ca ở các nhà tù, nâng tổng số người mắc bệnh ở quốc gia này lên hơn 141.200 trường hợp, bao gồm 920 bệnh nhân không qua khỏi.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, Chính phủ nước này đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Chính phủ Thái Lan cũng sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất, nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất.
Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 649 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 633 ca lây nhiễm cộng đồng, và 4 người tử vong trong 24 giờ qua. Mặc dù không còn ở mức cao trên 900 ca mỗi ngày như cách đây vài tuần, số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao với trên 600 người/ngày. Số ca mắc mới trong ngày cao hơn số ca hồi phục đang chất thêm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Campuchia, vốn phải hoạt động không ngơi nghỉ kể từ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 3 tại nước này sau "sự cố cộng đồng ngày 20/2".
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng trên 27.600 trường hợp mắc COVID-19, trong đó gần 20.400 ca đã hồi phục và 194 người tử vong.
Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới, đáng chú ý là số ca mắc ở trẻ em và trẻ sơ sinh đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Hiện đã có hơn 48.000 trẻ em tại Malaysia bị nhiễm COVID-19, trong đó có trên 6.000 trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trước thực tế này, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Malaysia kêu gọi tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để bảo vệ trẻ em tại đây. Quỹ này cảnh báo, những hành động hoặc thiếu sót trong việc đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện đang gây hại cho trẻ em.
Ngày 27/5 là ngày thứ 3 liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 theo ngày ở mức kỷ lục với 7.857 trường hợp. Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này luôn ở mức trên 6.000 ca trong khoảng một tuần trở lại đây. Đến nay, tổng cộng trên 541.200 người đã mắc COVID-19 tại quốc gia này.
Từ ngày 27/5, những người trong độ tuổi từ 65 đến 74 tại Hàn Quốc sẽ bắt đầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại khoảng 13.000 trung tâm tiêm chủng và trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng địa phương. Mỗi trung tâm tiêm chủng có thể tiêm tối đa 100 người/ngày, do vậy, ước tính sẽ có khoảng hơn 1 triệu người được tiêm chủng hàng ngày. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, từ ngày 27/5, người dân Hàn Quốc có thể tra cứu các cơ sở y tế còn dư vaccine và đặt lịch tiêm phòng trên các ứng dụng điện thoại di động như Naver và Kakao.
Ủy ban Olympic Nhật Bản cho biết, kể từ ngày 1/6 tới sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 600 vận động viên và 1.000 huấn luyện viên, nhân viên hỗ trợ tham dự Olympic. Chương trình này được thực hiện theo một thỏa thuận được ký kết giữa Ủy ban Olympic quốc tế và tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ vào đầu tháng 5. Theo đó, vaccine sẽ được cung cấp cho tất cả những người tham gia Olympic.
Vaccine Pfizer yêu cầu 2 liều, thường cách nhau 3 tuần. Do đó, việc tiêm chủng sớm đồng loạt sẽ giúp các vận động viên Olympic của Nhật Bản có thời gian được tiêm phòng đầy đủ trước thời điểm khai mạc vào ngày 23/7. Hiện chỉ còn 2 tháng nữa là đến Thế vận hội Tokyo, trong khi Nhật Bản mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 2% dân số với các đối tượng là nhân viên y tế và người từ 65 tuổi trở lên.
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 8 tỉnh khác đến ngày 20/6, thay vì tới cuối tháng 5 như kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết, Chính phủ nước này sẽ tham vấn với các tổ chuyên gia về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp trong ngày 28/5. Trong ngày 27/7, nước này ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm mới và 105 người tử vong. Các chuyên gia cảnh báo, do biến thể virus đã gần như biến đổi hoàn toàn so với virus gốc nên tốc độ lây lan dịch bệnh có thể sẽ nhanh hơn.
Tại Trung Quốc, ít nhất 6 thành phố của nước này hoàn thành mũi tiêm đầu tiên cho hơn 80% dân số, chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Các thành phố này bao gồm Bắc Kinh, 4 thành phố ở tỉnh Hải Nam và thành phố Đại Liên. Trong đó, Bắc Kinh có hơn 84% người trưởng thành đã tiêm mũi thứ nhất và hơn 70% người trên 18 tuổi đã hoàn thành tiêm chủng. Hiện Trung Quốc đã tiêm được hơn 560 triệu liều. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào giữa năm nay.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()