Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:21 (GMT +7)
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2024) Mãi tỏa sáng tinh thần Cách mạng Tháng Tám
Thứ 2, 19/08/2024 | 05:45:14 [GMT +7] A A
Những ngày Tháng Tám lịch sử này, ở khắp mọi miền đất nước hòa chung niềm vui hân hoan, tự hào với tinh thần thi đua sôi nổi. Nhìn lại 79 năm về trước, khí thế cách mạng sục sôi, mạnh mẽ của đồng bào và chiến sĩ với quyết tâm giành lại chính quyền trong cả nước, Vùng mỏ Quảng Ninh là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Tháng 8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước đồng minh. Sự kiện này đã chính thức kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Thời cơ đã đến, từ Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, đồng bào cả nước đã một lòng, đồng loạt nổi dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14-18/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung và một phần miền Nam.
Trước đó, ngày 8/6/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra tại Đông Triều. Lực lượng vũ trang cách mạng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh… giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao, xã Tân Việt (Đông Triều), chính thức tuyên bố thành lập Đệ tứ Chiến khu (còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Đông Triều), lập Ủy ban Quân sự cách mạng, lập Đội vũ trang tuyên truyền.
Ngày 20/7/1945, quân cách mạng Chiến khu Đông Triều đã đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên, phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần kế tiếp các cuộc khởi nghĩa trước đây của du kích Chiến khu Đông Triều, chuẩn bị điều kiện tiến lên Tổng khởi nghĩa.
Ngày 19/8/1945, tin vui Hà Nội đã giành được chính quyền trọn vẹn như càng tiếp sức cho Vùng mỏ Quảng Ninh. Ngày 24/8/1945, tại Quảng Yên, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời đã ra mắt nhân dân. Đêm 25/8/1945, nhận được lệnh, một đơn vị vũ trang của Chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai. Chiều 26/8/1945, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn và sau đó là cuộc mít tinh của hàng nghìn quần chúng cách mạng. Ngày 27/8/1945, ta tiếp tục lập chính quyền cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô).
Tiếp sau đó, ở các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản. Chính quyền cách mạng tại các huyện lần lượt được thành lập. Huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) là địa phương lập chính quyền cuối cùng vào ngày 4/10/1946.
Với khí thế cách mạng của cả nước, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Vùng mỏ đã vùng lên giành chính quyền, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Từ đó góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Đã 79 năm trôi qua, nhưng dấu ấn của những ngày quật khởi Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn mãi. Ở tuổi 95, CCB Nguyễn Phúc Điện (phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) vẫn nhớ rõ những ngày đầu tháng 8/1945.
Ông kể: Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cả nước chịu cảnh sống trong nạn đói khi phát xít Nhật tàn bạo vơ vét hết thóc gạo, đánh đập hành hạ dã man người dân vô tội. Người bị thương, chết đói nằm la liệt đầy đường, tình hình xã hội vô cùng hỗn loạn. Lòng căm thù với phát xít Nhật, Pháp càng thêm sôi sục, biến thành làn sóng khởi nghĩa mạnh mẽ mà không một lực lượng phản động nào dám ngăn cản và chống lại. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra và giành thắng lợi, lúc đó ông mới có 15 tuổi. Thấy bộ đội Việt Minh cầm lá cờ đỏ sao vàng, vừa đi vừa hát “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới”, ông cùng các thanh niên trẻ ở địa phương cũng hò reo, kéo nhau đi theo đoàn quân của Việt Minh...
“Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Thắng lợi này đối với quân và dân ta lúc bấy giờ còn quý hơn cả nghìn vàng. Chính khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 đã cổ vũ tôi gia nhập quân đội năm 1948, tham gia nhiều trận đánh, góp một phần sức lực nhỏ bé vào các thắng lợi của quân và dân ta”, CCB Nguyễn Phúc Điện xúc động cho biết.
Nhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 hào hùng, nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta càng thêm biết ơn và trân trọng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Tự hào truyền thống ấy, nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương, đất nước vững bước trên mỗi chặng đường phát triển mới.
Trần Hà Linh Anh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cẩm Phả) cho biết: "Vinh dự được nghe các ông, các bác cựu chiến binh kể những câu chuyện về thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945, lịch sử như hiện ra trước mắt em vậy. Em cảm nhận rõ rệt được nỗi đau, những khó khăn, vất vả mà các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trải qua thời kỳ đó và càng tự hào hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Được may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thế hệ trẻ hôm nay nguyện tiếp bước ông cha, ra sức thi đua học tập, rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, để từ đó tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước".
Thu Chung
- TP Hạ Long: Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên
- Phát huy bản lĩnh cách mạng cho thanh niên thời đại mới
- Trên 48.600 - là số người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Yên chăm lo cho người có công với cách mạng
- Chặng đường hoạt động cách mạng làm nên tầm vóc quốc tế của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thăm, tặng quà người có công với cách mạng
- Tặng sổ tiết kiệm cho gia đình người có công với cách mạng tại TP Hạ Long
Liên kết website
Ý kiến ()