Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Lý Tử Thất muốn tiếp tục nghỉ ngơi, hé lộ mặt tối của nghề KOL
Thứ 2, 02/01/2023 | 22:09:13 [GMT +7] A A
Theo The Paper, Lý Tử Thất hiện bỏ ngỏ thời gian trở lại. "Tiên nữ đồng quê" nhận được sự quan tâm lớn sau khi hòa giải thành công với công ty quản lý, giành quyền quản lý thương hiệu mang tên mình.
Cuối năm 2022, làng giải trí Trung Quốc và châu Á xôn xao trước thông tin "tiên nữ đồng quê" giải quyết xong vụ kiện với công ty quản lý - Vô Niệm Hàng Châu. Theo đó, Vô Niệm Hàng Châu tự nguyện rút đơn kiện, tăng tỷ lệ cổ phần và trao quyền điều hành công ty Tử Thất Tứ Xuyên cho Lý Tử Thất.
Vì vụ kiện, nữ blogger đã dừng phát hành video từ tháng 7/2022. Nhiều ý kiến cho rằng, nữ blogger dự định phát hành clip mới, trở lại thị trường sáng tạo nội dung vào thời gian tới. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận, Lý Tử Thất chưa có ý định quay lại với công việc phát hành video.
Cô muốn cân bằng lại bản thân, xác định mục tiêu và hướng đi mới cho cuộc sống và sự nghiệp của mình. Người này cho biết: "Lý Tử Thất vừa giải quyết ổn thỏa một sự kiện lớn trong đời và đang trong giai đoạn tái tạo. Cô ấy đã rất khó khăn, mệt mỏi. Vì vậy, không dễ để Lý Tử Thất có thể trở lại ngay. Cô ấy sẽ nghỉ ngơi thêm một thời gian".
Theo The Paper, trong 500 ngày dừng hoạt động, Lý Tử Thất dành thời gian chăm sóc bản thân và bà nội. Cô gần như biến mất trên truyền thông, rời xa mạng xã hội. Nữ blogger tích cực tham gia hoạt động phát triển nông nghiệp ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Khi thông báo tạm giải nghệ vào tháng 7/2022, Lý Tử Thất tiết lộ, cô muốn dành thời gian học tập, sống "thật" sau nhiều năm làm việc vất vả. Dưới con mắt của các chuyên gia truyền thông, vụ kiện hơn một năm đã lấy đi của Lý Tử Thất khá nhiều. Cô thiệt hại về danh tiếng và kinh tế.
Lý Tử Thất mất tổng cộng 8 triệu người hâm mộ sau 500 ngày ngừng hoạt động. Vị thế và danh tiếng của cô trên Internet Trung Quốc cũng giảm sút. Trong hơn một năm tranh chấp với công ty quản lý, Lý Tử Thất không có thu nhập.
Mặt tối của những người làm nghề sáng tạo nội dung như Lý Tử Thất
Vụ kiện của Lý Tử Thất cũng phản ánh một thực tế trong ngành sáng tạo nội dung, một công việc ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng xã hội, sự ra đời của các KOL và influencer ngày càng phổ biến.
KOL là viết tắt của Key Opinion Leader được sử dụng để đề cập tới một người am hiểu về lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, thuật ngữ Influencer được sử dụng để nói về những người nổi tiếng trên mạng có tầm ảnh hưởng.
Lý Tử Thất là một hình mẫu thành công trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trước khi vướng vụ kiện với công ty quản lý, người đẹp thế hệ 9X từng là người khởi xướng xu hướng quay các video đồng quê ở Trung Quốc. Sau vài năm làm việc, cô lập một số kỷ lục, được xem là tỷ phú tự thân dưới 30 tuổi của Trung Quốc và tài sản lên tới hơn 7 triệu USD từ năm 2019.
Sự thành công của Lý Tử Thất thôi thúc nhiều bạn trẻ bước vào ngành sáng tạo nội dung tại Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2021, Lý Tử Thất từng bức xúc tố cáo công ty quản lý Vô Niệm Hàng Châu bóc lột sức lao động, xem cô là công cụ kiếm tiền và trả quyền lợi rẻ mạt. Cô đâm đơn kiện vì muốn tìm lại sự công bằng cho chính mình.
Trên thực tế, đa số influencer (người ảnh hưởng) chỉ là công cụ làm giàu cho những cá nhân, tổ chức khác. Emma Chamberlain, một trong những YouTuber nổi tiếng nhất tại Mỹ, thừa nhận thấy bản thân đôi lúc giống như "một con vật trong vườn thú, xung quanh là đầy ánh mắt soi xét". Cô đã tạm dừng công việc sáng tạo nội dung vào năm 2021 vì không thể cân bằng sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Jess Ann Kirby, một người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang, tạm dừng công việc kinh doanh trên Instagram vì các vấn đề sức khỏe tâm thần từ cuối năm 2021.
Nhiều cuộc khảo sát trong 5 năm trở lại đây cho thấy YouTuber, vlogger, blogger là công việc mơ ước của trẻ em tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tờ New York Times nhận định, một xu thế mới liên quan tới công việc này đang diễn ra trên thế giới.
Từ năm 2017, hàng loạt ngôi sao Instagram bắt đầu rời khỏi nền tảng này vì quá căng thẳng và chán nản. Cùng năm đó, nhiều người nổi tiếng trên YouTube bắt đầu rời khỏi nền tảng này với lý do liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần. "Nếu làm chậm lại, bạn sẽ biến mất", YouTuber nổi tiếng Olga Kay từng chia sẻ về những áp lực khi trở thành người ảnh hưởng.
TikTok, nền tảng chia sẻ video thu hút Gen Z cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, cũng chịu chung số phận với YouTube hay Instagram. Sau 2 năm đại dịch, hàng loạt ngôi sao TikTok lên tiếng về mặt tối khi trở thành người nổi tiếng trên nền tảng như bị quấy rối, bóc lột, lạm dụng, bắt nạt trực tuyến, sức khỏe tâm thần...
"Sự trỗi dậy của văn hóa influencer (người ảnh hưởng) mang lại những cơ hội mới cho người làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau bề mặt hào nhoáng của những gì bạn nhìn thấy trên màn hình là một thế giới hoàn toàn u ám, nơi cả những người có ảnh hưởng và những người theo dõi họ đều có nguy cơ bị lợi dụng và bóc lột", ông Julian Knight, chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (Anh), nhận định.
Theo Business Insider, những vụ kiện tụng, tranh chấp tài chính, lợi ích trong ngành KOL ngày càng phổ biến. Đến một giai đoạn phát triển nhất định, các influencer cảm thấy mình có tiếng nói, sức ảnh hưởng lớn hơn và không hài lòng với tỷ lệ phân chia lợi nhuận ban đầu.
Trong khi đó, phía quản lý cho rằng thành công của influencer đều nhờ vào công sức quảng bá, lăng xê của mình. Trừ một số ít trường hợp có hợp đồng rõ ràng, những cuộc chiến pháp lý này đều kéo dài trong bế tắc, gây thiệt hại cho cả hai phía.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()