Lý Hải nói không đặt mục tiêu thành "đạo diễn nghìn tỷ", chỉ muốn giữ chất nghệ sĩ, thoải mái sáng tạo làm phim.
Hôm 5/5, tác phẩm thu 270 tỷ đồng sau chín ngày, dự kiến vượt phần 6 (300 tỷ) để trở thành phim thành công nhất seriesLật mặt.
- Lật mặt 7 giúp anh trở thành đạo diễn trong nước đầu tiên có series phim vượt 1.000 tỷ đồng. Cảm xúc của anh thế nào?
- Khi làm phim, tôi đặt uy tín của một đạo diễn lên đầu tiên. Tôi không chọn mục tiêu dự án này kiếm vài trăm tỷ đồng, vượt phim trước, chỉ sợ nhất khán giả phải ra về trong thất vọng. Tôi chưa bao giờ ham danh hiệu "đạo diễn nghìn tỷ" vì muốn giữ được chất "feeling" nghệ sĩ trong mình. Ví dụ, với cảnh nhân vật bị cháy nhà kho hàng vạn cái chiếu, người khác có thể đắn đo mất bao nhiêu tiền, hoàn vốn được không. Còn tôi sẽ nói với vợ - nhà sản xuất Minh Hà: "Cứ đốt đi", vì như thế người xem mới cảm nhận được sự bế tắc, bị dồn tới đường cùng của anh ta.
Tôi may mắn vì giờ làm phim dễ thở hơn trước. 10 năm trước, quay phần đầu, tôi chỉ có một mình, mỗi bước tính sai phải bán nhà để trả nợ. Hiện, bên cạnh tôi là sự đồng hành của nhiều anh em thân thiết, do đó tôi được thỏa sức sáng tạo.
- Anh đón nhận ý kiến khen chê từ khán giả ra sao?
- Trong buổi công chiếu hoặc các cine-tour, tôi thường đứng một góc, quan sát thái độ khán giả, hết rạp này tới rạp khác. Về nhà, tôi đọc từng bình luận và chắt lọc những ý kiến hợp lý. Tôi quan niệm là một nhà làm phim sáng suốt, không phải ai nói gì cũng nghe, nếu không muốn tác phẩm trở thành một nồi lẩu thập cẩm.
Nhiều khán giả cũng thắc mắc vì sao phim có nhiều tình huống được giải quyết quá lý tưởng. Điều này nằm trong chủ đích của tôi khi muốn một kịch bản mang màu sắc chữa lành, hướng đến giá trị tích cực. Lúc viết câu chuyện, tôi chứng kiến nhiều thông tin giật gân, độc hại trên mạng xã hội, sơ hở là đâm chém, cướp giật. Tôi mong làm được một phim khi xem xong, mọi người đối xử ấm áp với nhau hơn. Ví dụ, va quẹt trên đường, thay vì cự cãi thì cười gật đầu xin lỗi, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng đi nhiều.
- Phim anh từng bị chê nhiều về "sạn" kịch bản lẫn dựng phim. Anh cải thiện bằng cách nào?
- Ngoài người tư vấn trực tiếp là bà xã, tôi may mắn có nhiều bạn là chuyên gia lâu năm trong ngành phim ở Hàn. Mỗi khi dựng xong, tôi gửi bản master cho các đạo diễn đó xem trước. Đa phần họ khen nhưng vẫn có nhiều góp ý chân thành, ví dụ cảnh này dựng chưa hợp lý, cần chuyển lên trước. Từ đó, tôi biết mình đang ở đâu. Mỗi dự án qua đi, tôi thường dành thời nghiền ngẫm để nhận ra những thiếu sót không đáng có. Với tôi, quan trọng nhất là sự tiến bộ về kể cách kể chuyện qua từng phim. Là đạo diễn tay ngang, tôi có thể không đi nhanh được như nhiều người khác, nhưng khán giả phải thấy được sự thay đổi ở tôi.
Tôi còn áp dựng hình thức dựng phim trực tiếp trên set, tức ban ngày ghi hình thì tối, tôi cùng một kỹ thuật viên ngồi chỉnh tại chỗ để rà xem còn thiếu phân đoạn nào, hôm sau quay bổ sung, nhờ đó hạn chế được các lỗi. Sau khi đóng máy, tôi cũng hoàn thành bản dựng cơ bản.
- Bài toán nào khó giải nhất với anh trong "Lật mặt 7"?
- Trong bảy phần, đây là phim ít giật gân nhất, nhưng cũng khó quay nhất. Làm đạo diễn đã lâu, tôi hiểu được một câu chuyện kém kịch tính sẽ rất kén người xem. Nhiều người nói vui trong phim mới, người "lật mặt" nhất là Lý Hải, bởi thay đổi hoàn toàn phong cách làm phim. Đó là cách tôi đánh đố chính mình.
Phim không có nhân vật phản diện nào, những người con phân công nhau chăm mẹ vì cuộc sống đẩy họ vào thế bắt buộc như vậy. Tác phẩm phải giữ nhịp để lôi cuốn khán giả tới phút cuối, song không được quá "nặng đô" để trẻ em xem được. Ra trường quay, tôi dặn diễn viên cố gắng nhập vai, song không quá cường điệu, làm sao vẫn phải ra chất phim gia đình.
Từ lâu, tôi ấp ủ làm một phim cho ba thế hệ một nhà cùng xem. Những phim trước, bốn con của tôi tôi dự thảm đỏ công chiếu phim xong phải ra về vì tác phẩm dán nhãn 16+. Các bé bùi ngùi nói: "Tụi con cũng muốn xem phim của ba mà".
- Cảnh nào thách thức nhất với anh khi quay phần phim mới?
- Hai cảnh khiến tôi mất nhiều tâm sức nhất là ngôi nhà của bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền) và đàn con thời thơ ấu tại Lạc Dương, Lâm Đồng. Chúng tôi phải dựng lên một ngọn núi giả, trồng vườn hoa bất tử - hình ảnh chủ đạo của phim - với hàng nghìn cây. Tôi xây loạt bối cảnh nhỏ xung quanh như nhà hàng xóm, khu bếp lửa vùng cao - nơi tượng trưng cho sự gắn kết của các thành viên trong gia đình bà Hai, xuất hiện ở cuối phim. Ở cảng cá Mỹ Tân (Ninh Thuận) - nhà vợ chồng Tư Hậu, chúng tôi thuê hơn 100 tàu bè chỉ cho vài phút hình ảnh bão biển tàn phá làng.
Tôi đầu tư không chỉ vì khâu hình ảnh. Tôi mong sau khi phim phát sóng, đông đảo khán giả biết đến các địa điểm quay chính - làng K'Long K'Lanh, từ đó phát triển du lịch địa phương, giúp người K'Ho nơi đây có kế sinh nhai. Hay có dịp đặt chân đến Ninh Thuận, tôi mới thấy biển nơi đây quá đẹp, vùng nước chia thành ba màu, nhịp sống làng chài sôi nổi, song du lịch nơi đây vẫn chưa được quảng bá mạnh.
Ý kiến ()