Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:28 (GMT +7)
Lý giải đà tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua
Chủ nhật, 30/07/2023 | 14:44:16 [GMT +7] A A
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản là tâm điểm thị trường; trong đó, các cổ phiếu tiêu biểu như NVL tăng 21,1%, DXG tăng 15,2% và NLG tăng 3%.
Thị trường chứng khoán vừa có tuần giao dịch sôi động và chỉ số VN-Index có tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp, chính thức vượt mốc 1.200 điểm - mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua.
Giới phân tích đã có những lý giải về đà tăng của thị trường chứng khoán tuần qua.
Đón nhận nhiều thông tin quan trọng
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận rất nhiều thông tin quan trọng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng thêm lãi suất lên 5,25%-5,5%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2001, trong bối cảnh GDP quý 2 của Mỹ tăng 2,4%, cao hơn dự báo trước đó (2%); Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất thêm 0,25% lên 3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2001; Chính phủ Trung Quốc công bố sẽ kích cầu đối với nhiều mặt hàng và sẽ điều chỉnh và tối ưu hoá chính sách bất động sản.
Cùng đó là các thông tin như Sở Giao địch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chú trọng đưa ra giải pháp tích cực, nỗ lực khắc phục các tiêu chí mà các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra và cuối tháng 8/2023 sẽ tổ chức tọa đàm tại Hong Kong (Trung Quốc) làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi.
SHS cho rằng, kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi.
Lãi suất tại Mỹ và châu Âu tiếp tục được điều chỉnh tăng tuy nhiên nền kinh tế Mỹ lại có sự tăng trưởng khá tốt vượt dự báo trong quý 2 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Chuyên gia từ SHS nhận định việc đưa sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào hoạt động là nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý trong việc tăng cường sự minh bạch, công khai và tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên sẽ cần thêm nhiều thời gian để thị trường này ổn định và phát triển trở lại.
Trong 6 tháng cuối năm 2023 tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn lên tới 158.500 tỷ đồng; trong đó 51% (80.952 tỷ đồng) thuộc nhóm bất động sản.
Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quý 2 của một số doanh nghiệp niêm yết và một vài thông tin tích cực liên quan tới cuộc họp của Fed.
Ở cuộc họp tháng Bảy, Fed đã tiếp tục nâng lãi suất sau 1 tháng tạm dừng đúng như kỳ vọng của thị trường. Họ cũng khẳng định vẫn đang quan tâm đến rủi ro lạm phát để ngỏ khả năng về lần tăng lãi suất tiếp theo.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cho biết các nhà kinh tế học tại Fed không còn dự báo về viễn cảnh suy thoái, tạo kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế.
Các yếu tố trên kết hợp với sự hưng phấn của nhà đầu tư sau những tuần tăng giá liên tiếp đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc mạnh.
Tuần qua, nhóm ngành bất động sản là tâm điểm thị trường; trong đó, các cổ phiếu tiêu biểu như NVL tăng 21,1%, DXG tăng 15,2% và NLG tăng 3%.
Xét theo cổ phiếu có đóng góp lớn cho đà tăng chỉ số VN-Index, VCB tăng 4,6%-tiếp tục làm động lực chính dẫn dắt chỉ số VN-Index khi đóng góp 4,9 điểm, theo sau là VNM tăng 5,3%, NVL tăng 1,1%, TCB tăng 4,6% và VPB tăng 3,3%.
Kết thúc tuần giao dịch từ 24-28/7, chỉ số VN-Index đóng cửa tích cực tại mốc 1.207,7 điểm, tăng 1,8% so với tuần trước; HNX-Index tăng 1,1% lên mức 237,5 điểm và chỉ số UPCOM-Index tăng 0,9% lên mức 88,9 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 23.508 tỷ đồng, tăng 15,5% so với tuần trước. Khối ngoại mua ròng 792 tỷ đồng trên HOSE, giảm 31,3% so với tuần trước.
VNDIRECT cho rằng thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua, do đó nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế "Fomo-hội chứng sợ bỏ lỡ" ở thời điểm này.
Hành động phù hợp với nhà đầu tư là hạn chế mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản; không cần thiết phải vội vàng bán ra nếu như thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng; khi phiên phân phối xảy ra với đặc điểm thanh khoản cao và giảm hơn 10 điểm khi đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận, VNDIRECT khuyến nghị.
Theo VNDIRECT, khi phiên phân phối xảy ra thị trường có thể không điều chỉnh sâu, nhưng sẽ cần thời gian tương đối để tích lũy trở lại để chinh phục các mốc cao hơn, vì vậy việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường trong ngắn hạn tiếp tục bứt phá, nhưng sẽ đối diện với các nhịp rung lắc, do đó nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng và chỉ giải ngân trong các nhịp điều chỉnh. Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend và mục tiệu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm.
Thực tế, tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tích cực.
Chứng khoán tích cực trước khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ khép lại tuần qua đều tăng điểm, sau loạt báo cáo lợi nhuận các tập đoàn công nghệ lớn, số liệu kinh tế và thông báo chính sách của ngân hàng trung ương đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư về khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ.
Trong cả tuần, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,02%. Bên cạnh đó, chỉ số tổng hợp S&P tăng 1,01% và chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,66%.
Chốt phiên cuối tuần (28/7), chỉ số Dow Jones tăng 0,5% lên 35.459,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,99% lên 4.582,17 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 266,55 1,9% lên 14.316,66 điểm.
Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng Sáu, điều có thể cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiến tới khả năng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong tháng 6/2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 3,8% trong tháng Năm.
Theo Giám đốc đầu tư tại công ty đầu tư Horizon Investments, Scott Ladner, nền kinh tế sẽ tiếp tục trong tình trạng tiếp tục tăng trưởng trong khi lạm phát đang trở lại tầm kiểm soát với lạm phát rõ ràng đang hạ nhiệt.
Theo Giám đốc nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản Diamond Hill, Win Murray, lạm phát có thể đang được kiểm soát và nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái.
Ngày 26/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed không dự báo nền kinh tế suy thoái và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất, với các quyết định sẽ tùy thuộc vào số liệu kinh tế.
Khép lại một tuần với các dấu hiệu đáng khích lệ, hơn một nửa các công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo lợi nhuận quý 2 tính đến ngày 28/7; trong đó, 78,7% đạt kết quả vượt dự báo.
Các thị trường chứng khoán châu Á phản ứng mạnh phiên 28/7, khi giới đầu tư đang xem xét tác động từ quyết định được xem là đánh dấu sự thay đổi trong lập trường chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Khép lại phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,84% lên 3.275,93 điểm, còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 1,41% lên 19.916,56 điểm.
Với diễn biến này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận tuần giao dịch khả quan nhất kể từ tháng 11, sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này cam kết đưa ra nhiều hỗ trợ chính sách hơn nữa để tiếp sức cho đà phục hồi kinh tế.
Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản dẫn đầu đà tăng trong phiên này sau khi Bộ trưởng Nhà ở và Kiến thiết thành thị-nông thôn Trung Quốc hối thúc những nỗ lực nhằm đẩy mạnh đà phục hồi của lĩnh vực này.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 32.759,23 điểm, do đồng yen mạnh lên ảnh hưởng đến các công ty xuất khẩu, trong khi giới đầu tư đang xem xét quyết định thay đổi lập trường chính sách của BoJ.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 27-28/7, BoJ đã tăng cường sự linh hoạt của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và nới lỏng mức trần lãi suất dài hạn, một động thái được các nhà đầu tư coi là "bước đầu" cho sự thay đổi cuối cùng khỏi chính sách kích thích tiền tệ "khổng lồ".
Thông báo này đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường; trong đó, đồng yen và lợi suất tăng mạnh và cổ phiếu sụt giảm trong bối cảnh một số nhà đầu tư coi quyết định của BoJ như là một sự dỡ bỏ mức trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và chuẩn bị cho việc thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()