Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Lý giải ba nguyên nhân việc hỗ trợ vay vốn trả lương chỉ đạt hơn 53%
Thứ 2, 14/03/2022 | 16:11:14 [GMT +7] A A
Mức độ giải ngân chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương chỉ đạt 53,2% so với dự kiến, trong đó việc cho vay trả lương phục hồi sản xuất trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng còn rất hạn chế.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất là một trong 12 chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-C, Nghị quyết số 126/NQ-CP.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 23/2, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 3.999 tỷ đồng với 3.160 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho hơn 1 triệu lượt người lao động. Số tiền đã giải ngân đạt 53,2% tổng kinh phí dự kiến cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ban đầu đặt ra là 7.500 tỷ đồng.
Vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người sử dụng lao động phải ngừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã giải ngân là 3.513 tỷ đồng, với 1.572 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 893.658 lượt người lao động, chiếm 46,8% tổng số tiền cho vay.
Đặc biệt, có những chính sách vay vốn việc giải ngân chỉ đạt 3-3,5% so với dự kiến ban đầu, như vay vốn để trả lương ngừng việc chỉ giải ngân được 259 tỷ đồng, với 1.255 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 72.906 lượt người lao động, chiếm 3,5% tổng số tiền cho vay.
Vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của 5 lĩnh vực (vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu lao động) đã giải ngân 227 tỷ đồng, với 227 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 57.357 lượt người lao động, chỉ chiếm 3% tổng số tiền cho vay.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mức độ giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra, số vốn cho vay mới chỉ đạt 53,2% so với dự kiến, trong đó việc cho vay trả lương phục hồi sản xuất trong 5 lĩnh vực (vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu lao động) bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 còn rất hạn chế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải một trong ba nguyên nhân chính là do phải triển khai nhanh trong bối cảnh đại dịch nên khi xây dựng chính sách chưa đánh giá sát được doanh nghiệp bị tác động, nhu cầu vay vốn của họ.
Bênh cạnh đó, mức cho vay còn thấp, chưa thực sự tác động lớn tới sự quan tâm của doanh nghiệp. Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên cho vay hiện chưa thực sự bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, phục hồi việc làm đầy đủ cho người lao động, do đó chưa phát sinh đầy đủ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Mặc dù thời gian thực hiện chính sách sắp kết thúc (vào ngày 31/3) và tỷ lệ giải ngân chưa đạt như mong muốn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn đánh giá đây là chính sách cần được nghiên cứu tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Từ thực tế 8 tháng triển khai thực hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP đã bước đầu hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh; các lĩnh vực lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thuộc nhóm được vay ưu đãi trả lương cũng bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi theo tiến độ mở cửa. Người lao động dần quay trở lại làm việc, thị trường lao động dần được phục hồi, theo đó nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát sinh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể để đề xuất các chính sách hỗ trợ tiếp theo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()