Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:27 (GMT +7)
Lý do Trung Quốc không thể bỏ chính sách ‘Không COVID’
Thứ 2, 25/04/2022 | 22:30:58 [GMT +7] A A
Trung Quốc phải duy trì chính sách “Không COVID linh hoạt” nếu không sẽ phải đứng trước thảm họa vì tỷ lệ tiêm chủng đối với nhóm người cao tuổi nước này còn thấp và tài nguyên y tế còn đang thiếu hụt.
Phát biểu trước các phóng viên tại Bắc Kinh ngày 22/4, ông Liang Wannian – người đứng đầu hội đồng chuyên gia phản ứng COVID-19 của Trung Quốc – cho biết chính sách này đóng vai trò là “sự đảm bảo cho 1,4 tỷ người” trước những nguy hiểm do biến thể Omicron mang lại.
Nhà chức trách chỉ ra những nguy cơ từ biến thể mới sẽ làm lãng phí những nỗ lực không ngừng nghỉ từ trước đến giờ của Trung Quốc, bao gồm vaccine, xét nghiệm diện rộng và xây dựng bệnh viện dã chiến.
Ông cho hay chính sách “Không COVID” đóng vai trò là một hướng dẫn chung, trong đó các biện pháp cụ thể có thể được chỉnh sửa theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, cốt lõi của chính sách là nhanh chóng xác định các ổ dịch và thực hiện loạt biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây lan và ngăn tình trạng lây lan trong cộng đồng xảy ra.
“Cái chính là nhận biết hiệu quả và kiểm soát các nguồn lây, cắt đứt chuỗi lây truyền và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thưởng để bệnh dịch không bùng phát trên quy mô lớn”, ông Liang giải thích.
Nhà chức trách nói thêm ông biết rõ cần phải cân bằng giữa các biện pháp phòng dịch và đời sống của người dân, bao gồm cả nhu cầu về y tế.
Ông Liang cho hay cần phải có một cơ chế khẩn cấp, các kênh thích hợp để cung cấp nhu yếu phẩm, dự trữ các mặt hàng y tế để phòng chống đại dịch, bao gồm khẩu trang và máy thở, các công cụ khác, bao gồm xét nghiệm axit nucleic, trung tâm kiểm dịch và phương tiện vận chuyển.
Trong đợt phong tỏa kéo dài nhiều tuần ở thành phố Thượng Hải, dư luận đã lên tiếng bức xúc và phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực, quản lý kém và những bất tiện do các biện pháp phòng dịch gây ra. Thậm chí còn xuất hiện thông tin có người tử vong khi bị từ chối chăm sóc y tế kịp thời do họ không thể đưa ra kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Một số khu dân cư phải chịu tình trạng “cách ly nghiêm ngặt” khi bị vây xung quanh là hàng rào thép và nhân viên y tế phải ra vào bằng cửa thoát hiểm.
Tuy nhiên, ông Liang nhấn mạnh mặc dù một phần lớn bệnh nhân mắc biến thể Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng sẽ là một thảm họa lớn nếu Trung Quốc nới lỏng các hạn chế.
Tính đến tuần trước, mới chỉ khoảng 81% người cao tuổi tiêm đủ hai mũi vaccine. “Một khi chúng ta nới lỏng hạn chế, virus sẽ lây lan nhanh và sẽ có nhiều ca mắc nặng, thậm chí tử vong trong nhóm người cao tuổi. Số ca mắc nghiêm trọng sẽ đè nặng lên hệ thống y tế, và nếu nhân viên y tế bị lây nhiễm, dịch vụ y tế sẽ không thể hoạt động và tạo ra vòng luẩn quẩn”, ông Liang cho biết.
Trước đây, ông Liang và các quan chức y tế khác đã nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc sẽ chỉ xem xét điều chỉnh chính sách phòng COVID-19 nghiêm ngặt khi các điều kiện tổng thể trong và ngoài nước có sự thay đổi.
Theo tờ Nhân dân Nhật Báo, chính sách “Không COVID linh hoạt” hiện là lựa chọn tốt nhất và đỡ tốn kém nhất cho Trung Quốc.
“Trong ngắn hạn, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một thành phố và cuộc sống của người dân. Nhưng về lâu dài, những sự bất tiện tạm thời này sẽ đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bền vững”, bài viết trên báo đăng ngày 23/4 đề cập.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()