Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:24 (GMT +7)
Lý do thực sự Nga vẫn chưa thể đẩy được lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk
Thứ 5, 29/08/2024 | 17:06:08 [GMT +7] A A
Mặc dù có sức mạnh quân sự áp đảo, Nga đã không thể đẩy quân đội Ukraine trở lại biên giới ở Kursk sau nhiều tuần. Lý do thực sự của điều này là gì?
Hàng loạt cuộc không kích mà Nga tiến hành chống lại Ukraine trong hai ngày qua, với hàng trăm thiết bị bay không người lái và tên lửa, đã cung cấp bằng chứng về sức mạnh quân sự bền bỉ của Moskva.
Tuy nhiên, với tất cả hỏa lực đó, Nga vẫn đang phải chật vật để giành lại một phần lãnh thổ nhỏ ở tỉnh Kursk mà Ukraine đã chiếm giữ vào đầu tháng này. Và vào ngày 28/8, quân đội của nước này còn phải đối mặt với các nỗ lực của lực lượng Kiev nhằm đột nhập vào tỉnh láng giềng Belgorod.
ƯU TIÊN CỦA TỔNG THỐNG PUTIN
Theo các quan chức phương Tây và các chuyên gia quân sự, lý do chính xác khiến Nga cho đến nay vẫn chưa đẩy lùi được cuộc xâm nhập nước ngoài lớn nhất vào đất nước mình kể từ Thế chiến II dường như không chỉ là vấn đề về nhân sự và thiếu thông tin tình báo chiến trường, mà còn là vấn đề về các ưu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Ông Putin tập trung vào Donbas”, Tướng Onno Eichelsheim, Tham mưu trưởng quốc phòng Hà Lan, cho biết, đồng thời nói thêm rằng Kursk ít quan trọng hơn đối với nhà lãnh đạo Nga vào lúc này. “Ông ấy không quan tâm nhiều đến khu vực này vào lúc này.”
Mặc dù bị bất ngờ bởi cuộc tấn công vào Kursk, Nga vẫn quyết tâm giành được quyền kiểm soát Pokrovsk, một thành phố đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng ở khu vực Donbas phía đông Ukraine, và các nhà lãnh đạo của nước này không có ý định nới lỏng tấn công tại mặt trận đó - theo các quan chức phương Tây và chuyên gia quân sự.
“Mục tiêu cuộc tấn công mùa hè của Nga ít nhất là chiếm được Pokrovsk”, Đại tá Markus Reisner, người giám sát việc phát triển lực lượng tại học viện đào tạo quân sự chính của Áo và theo dõi sát sao cuộc chiến ở Ukraine, cho biết.
Trong ba tuần kể từ khi Ukraine xâm nhập Kursk, các quan chức cho biết rằng những thành quả chậm nhưng ổn định của Nga gần Pokrovsk đã tăng lên.
Khi quân đội Nga tiếp tục tiến về Pokrovsk, "bất kỳ sự suy yếu nào của động lực bên phía Nga do bất kỳ sự tái triển khai nào (đến Kursk) đều không thể nhận thấy", Đại tá Reisner cho biết.
Mặc dù vậy, Moskva cũng đã bắt đầu phản ứng ở Kursk, gần đây đã điều động hàng nghìn binh sĩ và đe dọa sẽ trả đũa.
Cuộc xâm nhập của Ukraine đã "có tác động gây sốc đối với người Nga", Christopher G. Cavoli, một vị tướng của Quân đội Mỹ và là chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO, cho biết trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại mỸ vào ngày 15/8. Nhưng, ông Cavoli nói thêm: "Điều đó sẽ không kéo dài mãi mãi. Họ (Nga) sẽ tập hợp lại và phản ứng phù hợp".
NGA KHỞI ĐẦU CHẬM Ở KURSK
Các quan chức và chuyên gia cho biết lực lượng Nga ở Kursk không có đủ quân số cũng như kinh nghiệm để phòng thủ nhanh chóng khi quân đội Ukraine tấn công dữ dội qua biên giới vào ngày 6/8. Những người tham chiến không có đủ vũ khí hoặc thiết bị khác để chống lại quân đội Ukraine.
Tin tức tình báo do các đồng minh phương Tây cung cấp đã giúp Ukraine có bức tranh rõ ràng hơn về vị trí của quân đội Nga trong khu vực, giúp họ quyết định những nơi có thể chiếm được mà không gặp nhiều sự kháng cự - theo ông Nikolai Sokov, cựu nhà ngoại giao Nga và Liên Xô, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna ở Áo.
Và ban đầu không rõ ai là người chịu trách nhiệm về phản ứng của Nga. Cho đến nay, FSB - cơ quan an ninh của Nga - được giao nhiệm vụ chỉ đạo phản ứng, chứ không phải bộ tham mưu quân đội Nga, cơ quan phải chịu trách nhiệm ở miền đông Ukraine.
Cho đến nay, lực lượng Ukraine tuyên bố kiểm soát khoảng 100 khu định cư ở khu vực Kursk và đã bắt giữ gần 600 quân Nga, Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết ngày 27/8. Những con số đó không thể được xác minh độc lập.
KẾ HOẠCH ĐỐI ĐẦU DÀI HẠN VỚI UKRAINE
Nhưng hiện tại, Nga dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu biên giới dài hạn với Ukraine, theo một phân tích của công ty tình báo quốc phòng Janes. Phân tích kết luận rằng phản ứng của Moskva "hơi chậm, nhưng vẫn có phương pháp và toàn diện".
Nga đã triển khai trực thăng tấn công đến Kursk và gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo binh vào quân đội Ukraine tại đó, ông Sokov cho biết.
Hôm 28/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 400 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 30 thiết bị quân sự của Ukraine đã bị phá hủy tại Kursk trong 24 giờ trước đó. Khẳng định đó không thể được xác minh độc lập, nhưng Tướng Syrskyi đã thừa nhận riêng rằng cho đến nay Nga đã triển khai 30.000 quân đến khu vực này và đang gửi thêm quân mỗi ngày.
Nga đã triển khai chủ yếu các đơn vị dự bị và quân đội từ các khu vực ở phía nam và đông bắc Ukraine, vốn không phải là thành phần trong đợt tấn công chính của Moskva vào Pokrovsk. Các quan chức Mỹ đánh giá rằng Nga cần ít nhất 50.000 quân để đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk.
Nhưng Đại tá Reisner cho biết, quân tiếp viện của Nga đã "làm chậm đáng kể" đà tiến của Ukraine trong khu vực. Và có vẻ như Moskva đã tính toán rằng việc chuyển hướng đủ nguồn lực để đẩy lùi hoàn toàn cuộc xâm nhập khỏi một khu vực không quan trọng về mặt chiến thuật sẽ không phải là cách sử dụng tốt nhất sức mạnh quân sự của mình - đặc biệt là khi nó buộc Ukraine phải chi tiêu nguồn lực của mình để giữ lãnh thổ mà họ đã chiếm được.
"Nếu bạn ném mọi thứ bạn có vào Kursk, thì bạn đang chơi trò chơi của Ukraine", ông Sokov nói.
RỦI RO KHÁC MÀ NGA MUỐN TRÁNH
Với cuộc ném bom dữ dội vào Ukraine trong tuần này, Nga đã chứng minh rằng họ có quá đủ UAV tấn công và tên lửa để tàn phá quân đội Ukraine trên lãnh thổ của mình - với giả sử Moskva hiện có thông tin tình báo để xác định vị trí của đối phương.
Nhưng ông Sokov cho biết Moskva có thể lưu ý đến việc gây hại cho chính công dân của mình bằng phản ứng “thiêu rụi” ở Kursk. "Họ có thể muốn chọn lọc mục tiêu hơn một chút", ông nói.
Ngoài ra còn có bóng ma về một vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách nơi giao tranh khoảng 40km. Các hoạt động tại nhà máy vẫn đang diễn ra, nhưng công trình này không có mái vòm bảo vệ và do đó "cực kỳ dễ bị tổn thương và dễ bị tấn công" – ông Rafael Mariano Grossi, người đứng đầu cơ quan nguyên tử của Liên hợp quốc IAEA, cho biết sau chuyến thăm ngày 28/8.
Điện Kremlin đã nói rõ rằng với cuộc xâm nhập Kursk, Ukraine sẽ phải lĩnh hậu quả. “Những hành động thù địch như vậy không thể tiếp diễn mà không có phản ứng thích hợp”, phát ngôn viên của Điện Kremlin- Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào 27/8.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()