Độ sáng màn hình cao
Màn hình là bộ phận ngốn nhiều năng lượng nhất trên smartphone. Độ sáng càng cao, lượng điện sử dụng càng nhiều. Do đó, người dùng nên chỉnh độ sáng xuống mức vừa đủ dùng để tiết kiệm pin. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, có thể bật tính năng Độ sáng tương thích, cho phép thiết bị sử dụng cảm biến tiệm cận để đặt độ sáng phù hợp môi trường xung quanh.
Không bật Chế độ tối
Nhiều smartphone ngày nay có màn hình OLED. Ngoài việc giúp hình ảnh sống động và đầy màu sắc, loại màn hình này còn có khả năng hiển thị màu đen sâu tốt hơn.
Yếu tố này liên quan thế nào đến tiết kiệm pin? Theo các chuyên gia, khi hiển thị màu đen, các pixel trên màn hình OLED sẽ không kích hoạt, do đó tiết kiệm pin hơn. Trên hầu hết smartphone đều có Chế độ tối (Dark Mode). Nếu bật chế độ này, lượng điện năng tiêu thụ từ đó cũng ít đi.
Ứng dụng chạy ngầm
Một số ứng dụng cần phải chạy ở chế độ nền để giúp người dùng có trải nghiệm tối ưu, chẳng hạn mạng xã hội, VPN, ứng dụng lịch, sức khỏe, phần mềm chống virus. Tuy nhiên, khi chạy ngầm, chúng cũng khiến smartphone tiêu tốn tài nguyên, cũng như hết pin nhanh hơn.
Để điều chỉnh, người dùng có thể vào Cài đặt > Pin (hoặc Chăm sóc thiết bị) > Tối ưu hóa pin. Ngoài ra, có thể hình thành thói quen đóng các ứng dụng không cần thiết sau khi sử dụng. Điều này giúp pin và bộ nhớ máy được tối ưu.
Kết nối không dây luôn bật
Khi kết nối Wi-Fi, Bluetooth hoặc mạng di động, smartphone sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Do đó, trong các trường hợp nhất định, chỉ nên bật chức năng cần thiết. Chẳng hạn khi ở nhà, hãy tắt dữ liệu mạng di động, chỉ kết nối điện thoại với Wi-Fi và ngược lại khi ra ngoài. Với Bluetooth, chỉ nên bật khi thực sự sử dụng.
Ứng dụng theo dõi vị trí
Nhiều ứng dụng trên smartphone có tính năng theo dõi vị trí, như Google Maps, Facebook, Instagram, khiến điện thoại nóng và pin nhanh hết. Do đó, nên tắt tính năng Vị trí trong cài đặt nếu không sử dụng để tiết kiệm pin.
Pin quá cũ
Trong một số trường hợp, không phải ứng dụng hoặc cài đặt điện thoại khiến pin điện thoại nhanh hết. Thay vào đó, chúng "tuột" nhanh do quá cũ. Sau một thời gian nạp xả, các cell pin bị "lão hóa" và không còn giữ được mức năng lượng như ban đầu. Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng nên thay pin smartphone sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
Ý kiến ()