Ngô Mỗ Kiệt, nam thanh niên 25 tuổi, sáng 10/7 mang dao xông vào trường mẫu giáo ở huyện Liêm Giang, phía nam tỉnh Quảng Đông, đông nam Trung Quốc, đâm chém trong lúc phụ huynh đưa con em tới trường. 6 người, trong đó có ba em nhỏ, thiệt mạng trong vụ tấn công của Ngô, trước khi anh ta bị cảnh sát khống chế.
Cảnh sát mô tả đây là "vụ tấn công có chủ ý" nhưng chưa công bố thêm thông tin về động cơ gây án của Ngô. Có thông tin cho rằng đây là hành động trả thù, bởi một phụ huynh thiệt mạng được cho là từng gây tai nạn giao thông với con của Ngô. Nhưng điều này không giải thích được tại sao anh ta lại xuống tay với 6 người, trong đó có các em nhỏ và giáo viên của trường.
Vụ đâm dao làm dậy sóng dư luận Trung Quốc, bởi đây không phải vụ tấn công đầu tiên nhằm vào các trường mẫu giáo ở Trung Quốc.
Trước thập niên 1990, Trung Quốc gần như không ghi nhận bất cứ vụ bạo lực nào nhắm vào trẻ em ở trường học. Hồi tháng 3/2001, một ngôi trường ở tỉnh Giang Tô phát nổ, khiến 41 trẻ em thiệt mạng, nhưng các điều tra viên phát hiện đây không phải là vụ tấn công. Ngôi trường đó thực chất là một cơ sở sản xuất pháo hoa và trẻ em được đưa vào đây để làm lao động giá rẻ, không phải đi học.
Thảm kịch đó gây chấn động xã hội Trung Quốc, nhưng vẫn được coi là một vụ tai nạn. Nhưng từ năm 2010, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Năm đó, hàng loạt vụ đâm dao bất ngờ xảy ra liên tiếp ở trường học, cướp đi sinh mạng của 17 trẻ em.
Đây là tình cảnh mà Trung Quốc chưa từng đối mặt. Đám trẻ bị những kẻ tấn công nhắm mục tiêu nhằm gây ra đau đớn và phẫn nộ tối đa trong xã hội.
Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, đã đến thăm hiện trường một vụ tấn công và ngay lập tức yêu cầu tăng cường an ninh tại các trường học. Ông tuyên bố rằng "những căng thẳng xã hội" tiềm ẩn dẫn đến những tội ác như vậy cần phải được giải quyết. Đây được coi là sự thừa nhận của giới chức Trung Quốc rằng những tội ác tưởng chừng như bột phát này bắt nguồn từ vấn đề xã hội sâu xa hơn.
Trung Quốc đã chứng kiến xu hướng gia tăng đáng kể các vụ tấn công như vậy, hầu như luôn do nam giới thực hiện và được thực hiện nhằm đẩy phẫn nộ trong công chúng lên tới đỉnh điểm.
Năm 2018, kẻ tấn công bước vào một phòng học đông đúc ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, và bắt đầu xịt acid lên học sinh. Không ai thiệt mạng trong sự cố, nhưng 50 người bị thương, một số bị thương nặng.
Năm 2021, một kẻ cầm dao đã sát hại hai trẻ em và làm bị thương 16 trẻ tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Quảng Tây, tây nam đất nước.
Tháng 8 năm ngoái, ba người thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ đâm dao tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc.
Theo giới quan sát, những kẻ tấn công này có nhiều điểm chung. Họ đều ôm nỗi oán giận đối với cộng đồng và không cảm thấy là một phần của xã hội mà họ đang sống.
"Bằng cách thực hiện một tội ác giật gân, bạo lực, họ khiến bản thân trở nên nổi tiếng và gây ra đau đớn cho xã hội mà họ bất mãn", Rupert Wingfield-Hayes, bình luận viên kỳ cựu từ BBC, đánh giá.
Nhưng có thể còn có những yếu tố khác đã thúc đẩy các vụ tấn công nhà trẻ, trường học gần đây ở Trung Quốc.
Hai thập kỷ qua, nước này đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội phi thường, từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do siêu cạnh tranh, nơi một số người trở nên vô cùng giàu có, nhưng số khác lại không thể vươn lên cuộc sống sung túc.
Người Trung Quốc bây giờ nói đùa rằng muốn có người yêu thì phải có xe đẹp, muốn có vợ thì trước tiên phải có nhà. Nhưng đây thực sự không phải câu đùa vui. Những người đàn ông có địa vị xã hội thấp, thu nhập bèo bọt hoặc thất nghiệp có rất ít triển vọng tìm được bạn đời.
Trung Quốc hiện có một thuật ngữ để chỉ các vụ đâm dao gây thương vong lớn, đặc biệt là tại trường học. Chúng được gọi là hành vi "trả thù xã hội".
Cuộc tấn công nhà trẻ ở Quảng Đông cũng làm bùng lên các cuộc tranh luận gay gắt trên nền tảng mạng xã hội Weibo, với 290 triệu lượt xem về chủ đề này. Một số người dùng kêu gọi tử hình kẻ tấn công.
"Thật vô nhân tính khi làm điều này với những đứa trẻ không có chút sức kháng cự nào. Biết bao gia đình sẽ tan nát... Tôi ủng hộ án tử", một người dùng Weibo viết.
Một người khác đặt câu hỏi về tình trạng an ninh tại các trường học, nhất là khi những cuộc tấn công kiểu này giờ đây không còn hiếm ở Trung Quốc. "Vì sao những sự việc như vậy vẫn tiếp diễn?", người này viết.
Các cuộc tấn công nhằm vào trẻ em cũng làm dấy lên mối quan tâm về sức khỏe tâm thần, vốn thường ít được chú trọng tại nước này.
Năm 2017, một thanh niên 22 tuổi đã kích hoạt thiết bị nổ bên ngoài trường mẫu giáo ở tỉnh Giang Tô, khiến anh ta và 7 nạn nhân thiệt mạng, hàng chục người bị thương.
Theo truyền thông nhà nước, người này mắc chứng rối loạn thần kinh và đã viết nguệch ngoạc những dòng chữ về cái chết trên tường nhà mình.
Tháng trước, hàng loạt vụ tấn công bạo lực ở Hong Kong cũng làm nổi bật các cuộc tranh luận về vấn đề về sức khỏe tâm thần.
"Ở Trung Quốc, người ta ít chú trọng đến sức khỏe tâm thần, vì vậy ngày càng có nhiều kẻ phạm tội tiềm ẩn lọt qua mạng lưới giám sát", trang tin Quartz đưa tin hồi năm ngoái. "Ước tính có khoảng 100 triệu người Trung Quốc mắc bệnh tâm thần ở các mức độ khác nhau... nhưng số lượng chuyên gia sức khỏe tâm thần của họ chỉ bằng một phần nhỏ so với các nước phát triển".
Ý kiến ()