Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:48 (GMT +7)
Lý do gì khiến chênh lệch giá thịt lợn giữa chợ dân sinh và siêu thị?
Thứ 5, 21/10/2021 | 14:58:30 [GMT +7] A A
Trong khi giá thịt lợn chợ dân sinh chỉ trong khoảng 70.000 – 100.000 đồng/kg thì tại siêu thị, giá thịt lợn vẫn ở mức cao gấp đôi so với chợ truyền thống. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố trung gian, nhiều chi phí liên quan đến đóng gói, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch,... tạo sự chênh lệch này.
Chênh lệnh giá thịt lợn chợ dân sinh và siêu thị
Tại khu vực miền Bắc, giá thu mua lợn hơi hôm nay (21/10) đồng loạt lặng sóng trên diện rộng và dao động trong khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg. Trong đó, các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên,... đang thu mua với giá cao nhất khu vực là 33.000 đồng/kg. Riêng thương lái tại Bắc Giang, Yên Bái và Lào Cai đang giao dịch với giá 32.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam, giá lợn hơi tiếp tục ghi nhận mức giá giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và đang dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hiện đang ở mức thấp từ 32.000 - 38.000 đồng/kg |
Ông Nguyễn Kim Đoán- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai- nhận định, với mức giá lợn hơi hiện nay, người chăn nuôi thua lỗ. “Có 2 trường hợp lỗ, người mua giống giá dưới 3 triệu thì họ sẽ ra giá thành sản xuất trên 60.000 đồng/kg. Người không phải mua con giống thì giá thành sản xuất trên 50.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá giá trên 30.000 đồng/kg thì lỗ 2-3 triệu đồng/con”, ông Đoán cho biết.
Cùng với đà giảm giá của lợn hơi, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn cũng giữ ở mức thấp và dao động trong khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, chỉ các phần thịt ba rọi, thịt vai đầu giòn là đắt hàng. Các phần thịt còn lại khá ế ẩm và khó bán.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như: chợ Kim Liên, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Thành Công... hiện giá thịt ba rọi, nạc vai là 100.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với trước; mông sấn là 70.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg; sườn thăn trước là 130.000 đồng/kg, nay 100.000 đồng/kg;… Mặc dù giá thịt lợn giảm sâu nhưng các tiểu thương cho biết, hàng bán rất chậm. Nguyên nhân do các trường học, bếp ăn, đặc biệt hệ thống nhà hàng lớn… vẫn chưa được mở cửa nên kinh doanh gặp khó khăn. Nếu như trước kia bán được 2 con lợn thì nay các tiểu thương chỉ bán được 1 con.
Trong khi giá thịt lợn ở chợ dân sinh giảm nhiệt thì tại hệ thống siêu thị, giá thịt lợn vẫn cao. Theo đó, giá thịt lợn xay đặc biệt Meat Deli là 149.900/kg; ba rọi là 189.900 đồng/kg; sườn vai 139.900 đồng/kg. Giá thịt lợn vai, mông sấn, ba rọi ở siêu thị của hệ thống BRG Mart khoảng từ 90.000 - 197.000 đồng/kg. Tại Công ty Thực phẩm tươi sống Hà Hiền, thịt ba rọi vẫn ở mức 120.000 đồng/kg; sườn non là 150.000 đồng/kg…
Cũng theo ông Nguyễn Kim Đoán, một con lợn đến tay người tiêu dùng cuối cùng trải qua nhiều khâu trung gian. Giá thịt lợn ở chợ truyền thống cũng thấp hơn giá thịt lợn ở siêu thị bởi lẽ người bán lẻ không phải chịu thuế hoặc chi phí thuê mặt bằng tương đối thấp. Chợ truyền thống ít khâu trung gian, giá bán cho người tiêu dùng còn thấp so với giá siêu thị.
Liên quan đến chênh lệch giá thịt lợn trong siêu thị và giá tại chợ dân sinh, bà Vũ Thị Hậu- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam- cho biết, hiện diện trên quầy kệ hệ thống bán lẻ, thịt lợn cũng phải trải qua nhiều khâu. Mặt khác, nếu ở ngoài chợ dân sinh, thịt lợn sau khi giết mổ có thể đem ra sạp bán ngay thì ở trong siêu thị còn phải đóng khay, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch, đóng thuế... Do vậy, giá thịt lợn trong siêu thị chắc chắn phải cao hơn ngoài chợ truyền thống. “Mặt hàng thịt lợn mát của MeatDeli - sản xuất theo chuỗi khép kín, có công nghệ riêng, nên đưa ra một mức giá riêng cũng là điều dễ hiểu, bởi đó được xem là chi phí để doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ xử lý, nâng cao chất lượng của thịt lợn”, bà Vũ Thị Hậu cho hay.
Giá thức ăn tăng, người chăn nuôi gặp khó
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, hiện giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, các chi phí khác cũng đều tăng thêm tối thiểu khoảng 10%. Như vậy, với mức giá bán 30.000 đồng/kg lợn hơi thì cũng chỉ tương đương với mức giá 20.000 đồng/kg lợn hơi của năm 2017. Điều này gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), hiện lượng lợn hơi quá lứa dư tới 8 triệu con, ngành chăn nuôi đang trong cuộc khủng khoảng thừa.
Nói về các giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Kim Đoán nêu ra một thực tế buồn, bởi lẽ, khi giá lợn hơi lên cao, Chính phủ họp với 16 doanh nghiệp lớn yêu cầu hạ giá xuống. Tuy nhiên, khi giá xuống như thế này thì cũng chưa thấy có giải pháp gì. Vẫn biết rằng đã chăn nuôi thì phải chấp nhận quy luật cung - cầu thị trường, ảnh hưởng từ yếu tố khách quan như dịch Covid-19. Song, Nhà nước cũng cần phải hạn chế nhập khẩu thịt lợn để cứu ngành chăn nuôi trong nước.
Liên quan đến giải pháp xây dựng kho lạnh dự trữ, ông Đoán nhận định, các doanh nghiệp không mặn mà vì không hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra bao giờ giá thịt lợn tăng trở lại. Về vấn đề này, đại diện Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)- nhận định, giá lợn hơi từ nay đến cho Tết Nguyên đán sẽ không tăng mạnh vì cung vẫn lớn hơn cầu. Nếu có, giá lợn hơi vào dịp Tết sẽ chỉ nhích một chút nhưng không đáng kể vì hiện nay người dân không dự trữ thực phẩm như trước. Dự báo, đến tháng 6/2022, giá lợn mới có thể phục hồi.
Đại diện Viện Chăn nuôi cũng cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hai mũi cho người đủ 18 tuổi, cấp thẻ xanh Covid-19 để đưa mọi hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Như vậy, mới có thể kích cầu và đẩy giá lợn hơi tăng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần có biện pháp hạn chế nhập khẩu thịt lợn hỗ trợ tiêu thụ thịt trong nước. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo quý, năm mới sát thực tế, không để mất cân bằng cung - cầu, được mùa mất giá.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()