Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Lý do đạo diễn Việt lao vào điện ảnh 'như thiêu thân' dù dễ thua lỗ
Thứ 4, 29/05/2024 | 11:19:48 [GMT +7] A A
Nhiều đạo diễn bán nhà, đổ nợ vì doanh thu phim thấp khi ra rạp. Động lực nào khiến các nhà làm phim vẫn bước vào cuộc chơi đầy khốc liệt của điện ảnh?
Đó là câu hỏi của nhiều người quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh Việt sau bài viết Đạo diễn Việt đổ nợ, bán 3 căn nhà vì thị trường phim rất khốc liệt và Đạo diễn Minh Khang bán hủ tiếu trả nợ sau khi phim đầu tay lỗ nặng đăng tải trên Tri thức - Znews những ngày qua.
Giống như mọi ngành nghề khác, đầu tư vào phim ảnh khá rủi ro, nhất là tại thị trường điện ảnh non trẻ như ở Việt Nam. Thật khó để dự đoán thành công của một tác phẩm điện ảnh khi đã rời tay đạo diễn. Càng khó hơn để đưa ra tiên đoán về con số doanh thu cho bộ phim khi phát hành.
Không có một công thức chung để đảm bảo việc dự án thành công, mang lại hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, với những bộ phim thất bại doanh thu lại thường có chung những “từ khóa”.
Theo các chuyên gia, để tránh rủi ro từ các “từ khóa”, nhà làm phim, nhất là những đạo diễn trẻ ngoài chuyên môn, cần trang bị nhiều kiến thức về thị trường điện ảnh, thị hiếu khán giả, kỹ năng quản trị, marketing và tài chính.
Phần đông đạo diễn đều nếm mùi thất bại ngoài phòng vé
Theo thống kê sơ bộ, ngoài Lý Hải, Trấn Thành - hai đạo diễn chưa nếm mùi thất bại ngoài phòng vé, phần lớn đạo diễn Việt, kể cả những tên tuổi lớn đều ít nhất một lần hứng chịu cảnh phim thua lỗ hoặc bị chê về chất lượng.
Victor Vũ, bên cạnh Mắt biếc gần 200 tỷ đồng, anh cũng có Thiên mệnh anh hùng (2012) lỗ hàng chục tỷ đồng. Hay Charlie Nguyễn, từng mát tay với nhiều phim ăn khách như Để mai tính, Tèo em, Long Ruồi, cũng trải qua thất bại với Người cần quên phải nhớ (2020); Fan cuồng (2016)… Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có Tiệc trăng máu đại thắng vào năm 2020, nhưng đồng thời có Ước hẹn mùa thu bị thua lỗ nặng nề hồi 2019.
Kể ra để thấy, thắng - thua trong điện ảnh là thực tế hiện hữu. Điều quan trọng là sau mỗi dự án, các đạo diễn rút ra được bài học gì cho bản thân và thay đổi ra sao trong hành trình kế tiếp.
Tuy nhiên, cơ hội trong thị trường điện ảnh Việt không nhiều. Với đạo diễn trẻ, cánh cửa phim ảnh đôi khi khép lại sau dự án đầu tay. Một số đạo diễn lớn, nhà đầu tư có thể vẫn rót vốn cho dự án kế tiếp nếu thấy triển vọng. Song trường hợp một nhà làm phim liên tiếp có các dự án thất bại ngoài phòng vé, lúc này, vấn đề thuộc về đạo diễn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mai Thu Huyền là đạo diễn hiếm hoi có 4 bộ phim liên tiếp thua lỗ. Dự án gần nhất của cô là Đóa hoa mong manh chỉ thu hơn 400 triệu đồng tại rạp Việt. Trước đó, Lạc giới (2014), Giấc mơ Mỹ (2017) và Kiều (2021) đều có doanh thu thảm họa và chất lượng phim luôn nhận phản ứng tiêu cực.
Song nữ đạo diễn vẫn có các dự án phát hành khá đều đặn, thậm chí mức độ đầu tư còn tăng lên sau mỗi tác phẩm. Ở Đóa hoa mong manh, Mai Thu Huyền tiết lộ phim ngốn số tiền lớn, do quay ở Mỹ và cần hàng trăm tỷ đồng mới đạt điểm hòa vốn.
Phim thua lỗ song Mai Thu Huyền cho biết không dừng lại hành trình làm phim. “Tôi không vì ý kiến của vài người mà dừng lại. Nếu thế thì dễ dàng quá. Đâu có phải người khác nói gì, mình phải theo đâu. Khi vẫn còn khán giả yêu thương, tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường này”, cô nói.
Lý do các đạo diễn lao vào điện ảnh 'như thiêu thân'
Theo nhà sản xuất Cao Tùng, điện ảnh được ví như đỉnh núi cao nhất mà nhiều đạo diễn, nhà sản xuất hướng đến. Dẫu nhiều thử thách lẫn rủi ro, không ít nhà làm phim khao khát muốn chinh phục đỉnh núi đó. Vì thế, dù phim thua lỗ, nhiều đạo diễn vẫn cố gắng vực dậy, để tiếp tục hành trình.
“Ngoài ra với đạo diễn hay nhà sản xuất, từng làm một phim điện ảnh sẽ khiến cho thương hiệu cá nhân của họ được nâng lên tầm cao mới trong sự nghiệp. Từ đó, các nhà làm phim có thể nhận thêm những dự án khác mang giá trị thương mại cao hơn”, nhà sản xuất cho hay.
Chung quan điểm, đạo diễn Quốc Phong nhận định với những người hoạt động trong ngành phim ảnh, đạo diễn điện ảnh là nghề nghiệp, mục tiêu mà nhiều người muốn hướng tới. Không ít diễn viên, nghệ sĩ, biên kịch, nhà sản xuất… sau một thời gian bươn chải trong nghề đều cố gắng học lên hoặc tìm kiếm cơ hội trở thành đạo diễn.
Khi trở thành đạo diễn, việc phát hành một tác phẩm ngoài rạp giống như đang chinh phục thử thách khó nhất trong một trận game. Thử thách càng khó càng kích thích đam mê, dấn thân của nhà làm phim.
“Thị trường điện ảnh Việt khốc liệt nhưng cũng đầy sức hút, đặc biệt là đối với những nhà làm phim trẻ. Nhiều người lao vào cuộc chơi như thiêu thân. Số khác coi thất bại chỉ là chướng ngại vật trên hành trình làm phim. Cũng không ít đạo diễn mang tư tưởng thua keo này bày keo khác. Họ tiếp tục tìm nhà đầu tư, cố gắng làm ra những dự án mới, với hy vọng gỡ gạc tiền của, bù đắp thua lỗ”, nam đạo diễn nói.
Ngoài ra, theo Quốc Phong, trên thực tế, cũng có không ít đạo diễn Việt giàu lên nhờ làm phim. Thành công của Lý Hải, Trấn Thành và nhiều tên tuổi khác trong giới điện ảnh nội địa cũng thôi thúc khao khát chinh phục, khẳng định bản thân ở các nhà làm phim.
Nhà làm phim phải chuẩn bị gì?
Trở lại với vấn đề đặt ra ở đầu bài viết, với một đạo diễn, việc dự đoán thành công phòng vé của một tác phẩm điện ảnh khi ra rạp gần như bất khả. Nhất là trong bối cảnh thị trường điện ảnh biến động, ngành chiếu bóng gặp khó khăn và đối diện nhiều thách thức cùng thị hiếu khán giả thay đổi.
Song theo các chuyên gia, để tránh những thất bại ngoài phòng vé, gây thua lỗ nặng nề, các đạo diễn nên có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về cả chuyên môn và những yếu tố liên quan như thị hiếu khán giả, quản trị dòng vốn...
Đầu tiên, nếu trong kinh doanh có quy trình Quản trị rủi ro (Risk Management) nhằm xác định, đánh giá và kiểm soát rủi ro tài chính, pháp lý, chiến lược đối với vốn, thu nhập của một tổ chức, tương tự, trong điện ảnh, đạo diễn cũng cần hiểu kỹ về khả năng thắng thua, doanh thu của điện ảnh.
Từ đó, nhà làm phim chuẩn bị kỹ lưỡng, hoạch định dòng tiền đầu tư, kêu gọi vốn để giảm thiểu rủi ro tài chính, cách sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ vốn đi vay trên vốn tự có/vốn chủ sở hữu).
Theo nhà sản xuất Cao Tùng, phim điện ảnh giống một doanh nghiệp có số vốn vận hành từ 10 -100 tỷ đồng. Vì thế, kinh nghiệm và kiến thức quản trị tài chính của đạo diễn, nhà sản xuất phải đáp ứng một cách tương xứng. Đạo diễn cần nhà sản xuất giỏi về tài chính để lên dự toán ngân sách hợp lý, không cho phát sinh vỡ dự chi ban đầu, quản trị dòng tiền giải ngân đủ và đúng thời điểm, cũng như dẫn dắt dự án đảm bảo tiến độ, phát hành đúng cách.
Ngoài ra, đạo diễn cần hiểu cách làm phim ở góc độ làm tiếp thị cho một sản phẩm văn hoá, chọn chủ đề phù hợp đối tượng xem phim, cách kể phù hợp, truyền thông và phát hành phù hợp, mới có thể đạt được doanh thu kỳ vọng.
“Đạo diễn có biết khán giả xem phim trẻ giờ họ coi gì, ăn gì, chơi gì, thích tông màu gì? Đạo diễn thậm chí không chơi TikTok, Threads hay Instagram, làm sao hiểu được cách tiếp thị với giới trẻ. Hay một bộ phim điện ảnh hiện nay có ngân sách tiếp thị/phát hành tối thiểu là phải 3,7 tỷ đồng, may ra mới đạt được 20 tỷ đồng doanh thu, đạo diễn và ê-kíp đã chuẩn bị đủ số tiền này chưa. Quan trọng hơn, họ có biết cách dùng số tiền này cho những hoạt động truyền thông thế nào?", nhà sản xuất nêu quan điểm.
Cuối cùng, cốt lõi của một bộ phim điện ảnh là chất lượng tác phẩm. Doanh thu có thể nằm ngoài dự đoán nhưng nội dung, cách kể, từng khung hình… đều thuộc về tài năng của người đứng sau máy quay. Vì thế, đạo diễn nên tập trung đầu tư vào chất lượng dự án, tránh nóng vội đưa bộ phim lên màn ảnh rộng.
“Nếu chưa sẵn sàng cho điện ảnh, đạo diễn nên bắt tay vào làm trước các dự án nhỏ, phim ngắn, phim original series hay truyền hình.. để nâng cao tay nghề trước, và chuẩn bị đón gió đông khi thời cơ đến. Thay vì nóng vội lao vào cuộc chơi điện ảnh để rồi đón nhận thất bại doanh thu như cái chết được dự báo trước”, Cao Tùng kết luận.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()