Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:44 (GMT +7)
Lý do đằng sau chuyện Thùy Anh và loạt nữ chính gây tranh cãi trên giờ vàng
Thứ 5, 23/02/2023 | 17:05:22 [GMT +7] A A
Giữ vai trò quan trọng để dẫn dắt câu chuyện, Thùy Anh (Đừng nói khi yêu) và nhiều nữ chính trên màn ảnh Việt gây tranh cãi vì tính cách bất hợp lý, không giống ai.
Xây dựng nữ chính có tính cách khác thường
Thời gian gần đây, Thùy Anh và phim "Đừng nói khi yêu" trở thành chủ đề gây tranh cãi do nội dung thiếu thuyết phục. Trong đó, nhân vật Ly (Thùy Anh thủ vai) được nhận xét quá ngông cuồng, cảm tính và thảo mai.
Đặt trong mối quan hệ với nam chính Quy (Mạnh Trường), Ly là cô gái nóng nảy, sẵn sàng trả đũa, thách thức. Thế nhưng trước mặt bạn thân khác giới là Tú (Đình Tú), cô lại nhí nhảnh, có nhiều cử chỉ trẻ con, vô tư.
Khi thấy bạn thân hẹn hò, Ly lại khiến khán giả khó hiểu khi liên tục chen ngang, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm của Tú.
Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng, nhân vật Ly được xây dựng thiếu chiều sâu, bồng bột, thậm chí gây ức chế.
Trước đó, Diễm My 9x cũng từng vướng nhiều ý kiến trái chiều khi vào vai Linh trong "Tình yêu và tham vọng".
Ban đầu, Linh là cô gái mạnh mẽ, khôn ngoan. Thế nhưng sau khi bị Phong (Mạnh Trường) lừa gạt, cô nhanh chóng chuyển sang quỵ lụy Minh (Nhan Phúc Vinh) và sa lầy vào chuyện tình cảm.
Tranh cãi càng gay gắt hơn khi Linh bắt đầu xen vào chuyện tình của Minh với hôn thê của anh. Cách nữ chính bất chấp ở bên cạnh nam chính để quan tâm, lo lắng, thậm chí hôn Minh khi biết anh sắp làm đám cưới khiến người xem không đồng tình.
Không như tiêu đề, tình tiết phim sa đà vào khai thác chuyện tình tay ba của Linh mà lơ là vế “tham vọng”. Theo hướng xây dựng này, Linh ngày càng thiếu lý trí, mù quáng trong tình yêu.
Nhân vật càng gây tranh cãi càng hút khán giả
Vài năm trở lại đây, một số khán giả cho rằng, các nữ chính trên màn ảnh Việt ngày càng đa dạng và gây tranh cãi.
Không thể phủ nhận rằng những yếu tố gây tranh cãi luôn giúp phim được quan tâm, kích thích sự tò mò của khán giả.
Trong "Hành trình công lý", Phương (Hồng Diễm) được xây dựng hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, tự chủ. Thế nhưng đến tập 20, khi cao trào đã lắng xuống phần nào, biên kịch lại để Phương... tự tử.
Tiếp đến, nhân vật Phương nhận ý kiến trái chiều khi có tình cảm mập mờ với bạn khác giới nhưng vẫn không dứt khoát với chồng cũ. Vì vậy, hành động tự tử của Phương được cho là khó chấp nhận và vô lý.
Trước đó, Lã Thanh Huyền cũng từng bị phản ứng với vai Giang trong "Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ". Nữ diễn viên vào vai một người vợ, người mẹ kế bao dung, nhẫn nhịn, hoàn hảo tới mức phi thực tế.
Nếu tìm kiếm hình mẫu nữ chính bất hạnh hơn, đó là vai Vân Khánh (Lan Phương đóng) trong "Thương ngày nắng về". Ngoài việc phải sống chung với người chồng nhu nhược, thất bại, Khánh còn bị mẹ chồng khinh rẻ, bị chị chồng mạt sát vì có thai trước khi cưới.
Khánh còn bị chị chồng dàn cảnh cho nhân tình cưỡng bức và buộc phải ly hôn. Phân cảnh Khánh uất ức, đau đớn khiến người xem phẫn nộ, bất bình.
Nhiều khán giả bức xúc vì đạo diễn và biên kịch dồn lên nhân vật Khánh quá nhiều bi kịch.
Thành công của nhiều tác phẩm như "Về nhà đi con", “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”, "Sống chung với mẹ chồng" giúp phim truyền hình Việt có những bước ngoặt lịch sử, thoát khỏi lối mòn làm phim cường điệu hóa, lý tưởng hóa nhân vật chính.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật như Ly ở "Đừng nói khi yêu" đang bị xây dựng quá đà, khiến khán giả phản ứng.
Biên kịch Nguyễn Thủy nói, ê-kíp biên kịch muốn hướng đến hình ảnh những nhân vật đời thường, có cả ưu điểm, nhược điểm, có cả vấp ngã, sai lầm trên hành trình trưởng thành, để họ sống động nhất, gần gũi nhất.
Đó cũng là cách để phim Việt tránh lối mòn, để các nhân vật đa dạng, phong phú về tính cách và số phận.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()