Apple có thể sẽ thâm hụt một phần doanh thu, cũng như mất quyền kiểm soát vấn đề phụ kiện bên thứ ba nếu iPhone dùng cổng USB-C.
Ngày 6/6, Liên minh châu Âu (EU) thống nhấtquy định mới, trong đó yêu cầu thiết bị điện tử bán ở thị trường này phải dùng USB-C từ năm 2024. Quy định vẫn cần được nghị viện thông qua vào cuối năm, nhưng chỉ mang tính hình thức. Luật mới được đánh giá sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến iPhone với cổng Lightning, bởi những smartphone Android khác đã chuyển sang USB-C từ lâu.
Cổng Lightning được Apple giới thiệu lần đầu trên iPhone 5 vào năm 2012 để thay thế cổng 30-pin. TheoThe Verge, lý do lớn nhất khiến Apple giữ Lightning là quyền kiểm soát. Công ty Mỹ hiện sử dụng chứng chỉ MFi (made for iPhone/iPad/iPod) để kiểm soát các nhà sản xuất bên thứ ba. Phụ kiện đạt chuẩn phải có chứng nhận này từ Apple.
Nếu chuyển sang chuẩn phổ thông USB-C, Apple nhiều khả năng sẽ mất quyền kiểm soát chất lượng phụ kiện. Việc người dùng sử dụng phụ kiện khác nhau có thể khiến họ đối mặt với hàng kém chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến thiết bị và danh tiếng của Apple.
Apple nhiều lần nhấn mạnh việc bị ép chuyển sang USB-C sẽ kìm hãm sự đổi mới. "Chúng tôi lo ngại rằng, quy định chỉ sử dụng một loại cổng kết nối sẽ cản trở sự đổi mới, gây hại cho người tiêu dùng ở châu Âu và trên toàn thế giới", Apple nói vớiBloombergnăm ngoái.
TheoMakeuseof, động lực thúc đẩy Apple giữ cổng Lightning còn nằm ở lợi nhuận bán phụ kiện. Nếu chuyển sang USB-C, công ty không còn doanh thu từ cáp Lightning. Hiện hãng bán cáp chuyển đổi USB-A sang Lighning độ dài một mét cho iPhone với giá 19 USD.
Theo quan điểm của EU, việc dùng thống nhất USB-C giúp giảm rác thải điện tử, từ đó bảo vệ môi trường. Phía Apple lại cho rằng, việc thay thế cổng sạc trên iPhone rất lãng phí vì người dùng phải mua dây sạc mới, có nguy cơ tạo nhiều rác thải điện tử hơn thời gian tới.
Apple sẽ làm gì?
Châu Âu là một trong những thị trường quan trọng, đóng góp 1/4 lợi nhuận cho Apple năm 2021, nên hãng sẽ không từ bỏ thị trường này.Makeuseofnhận định, khả năng cao nhất là Apple sẽ phát triển hai biến thể iPhone: một mẫu sử dụng cổng USB-C cho thị trường châu Âu, phần còn lại dùng Lightning. Tuy nhiên, việc tách danh mục phần cứng như vậy có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Theo "chuyên gia tin đồn" Mark Gurman, Apple đang sản xuất thử nghiệm một mẫu iPhone với cổng USB-C và sớm ra mắt vào năm sau, trước khi quy định của EU có hiệu lực.
Giải pháp thứ hai là phát triển iPhone không cổng kết nối. Thực tế, luật của EU chỉ áp dụng cho sạc có dây, do đó Apple có thể lách luật bằng cách bán iPhone dùng công nghệ MagSafe. Dù vậy, cách này không tối ưu, khi hàng triệu người dùng buộc phải chuyển sang bộ sạc mới, khiến hàng tấn chất thải điện tử được tạo ra. Chưa kể, MagSafe khiến việc truyền dữ liệu chậm hơn, cũng như gây bất tiện khi sử dụng.
Ý kiến ()