Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:43 (GMT +7)
Lưu ý quan trọng khi dạy con cách tự bảo vệ
Thứ 2, 18/03/2024 | 15:41:15 [GMT +7] A A
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân chính là cách giúp trẻ tăng cường tư duy phản xạ, ứng biến trước những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi ở trường, trẻ có thể tự giải quyết được vấn đề của mình mà không cần đến sự can thiệp của cha mẹ. Do đó, kỹ năng tự vệ là việc các gia đình cần chú trọng trong dạy con.
Ứng phó tình huống nguy hiểm
Kỹ năng tự vệ không chỉ là biết cách tránh tổn hại bản thân bằng sức mạnh cơ bắp, mà còn là tư duy ứng biến linh hoạt con có thể tích lũy mỗi ngày. Trong giáo dục trẻ, dạy con tự vệ là một quá trình cha mẹ tìm cách hướng dẫn dễ tiếp thu và áp dụng cho bé qua những câu chuyện thực tế hay tình huống giả định. Đồng thời, đóng vai trò là một hình mẫu để trẻ noi gương và học hỏi.
Cha mẹ có thể tự hướng dẫn hoặc đăng ký các lớp học tự vệ, võ thuật để con có được những kỹ năng “mạnh dùng sức” như cách ngăn chặn một cú đấm. Từ đó, giúp con lý trí và chủ động hơn khi gặp trường hợp bị đe dọa hay bắt nạt, giải phóng cơ thể khi bị gò bó hay kỹ năng tự vệ trước một nhóm tấn công.
Ngoài ra, cũng có những cách thức tự vệ “yếu dùng chước” hữu ích để cha mẹ chỉ dạy và luyện tập cho con trẻ. Qua đó, nhằm phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết như sự tự tin, tự giác, tự trọng và cả tôn trọng người khác.
Tại Việt Nam, không phải cha mẹ nào cũng chú trọng tới việc dạy con tự vệ. Song, tại Nhật Bản, trẻ em được trang bị rất nhiều kỹ năng để ứng phó trong trường hợp gặp nguy hiểm.
Các phụ huynh Nhật Bản thường dặn dò con một cách cụ thể. Thay vì dặn chung chung, như: “Cẩn thận con nhé”, các phụ huynh Nhật thường nói chi tiết, như: “Cẩn thận người lạ bắt cóc con nhé”, hay “Băng qua đường nhớ cẩn thận xe cộ”.
Các cha mẹ Nhật cũng thẳng thắn với con về những vấn đề nhạy cảm. Bởi, không chỉ có bắt cóc, tai nạn giao thông, lạc đường… mà xã hội ngày nay còn tiềm tàng nhiều hiểm nguy đối với trẻ em. Một trong số đó là vấn nạn xâm hại tình dục. Khi những tin tức về vấn nạn này ngày càng gia tăng, đó cũng là lúc các phụ huynh cần ngồi lại với con để thẳng thắn bàn luận về chủ đề nhạy cảm này.
Bên cạnh đó, đa số những trường hợp trẻ em bị bắt cóc đều vào lúc chúng ở một mình. Tuy nhiên, trẻ em Việt ít được hướng dẫn về cách ứng phó khi gặp nguy hiểm. Vì vậy, phụ huynh chỉ dạy cho con những kiến thức cần thiết như: Quan sát và ghi nhớ những địa điểm có thể cầu cứu (đồn công an, chốt dân phòng). Nếu vô tình đi đến một nơi hoang vắng, nên quan sát xem nhà dân gần nhất ở đâu để biết đường chạy đến nếu gặp nguy hiểm. Biết hô hoán khi cần trợ giúp. Nếu ở nhà một mình, không nghe điện thoại hoặc mở cửa cho bất cứ ai khác ngoài ba/mẹ.
Có không ít người nước ngoài khi đến Nhật Bản đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi thường xuyên bắt gặp cảnh các nhóm trẻ tiểu học cùng nhau đi học. Thật ra, mặc dù trị an ở Nhật khá tốt nhưng trẻ em tại đây vẫn được nhà trường và gia đình trang bị rất nhiều kỹ năng sinh tồn và các dụng cụ hỗ trợ.
Cụ thể, ở bên hông cặp xách của trẻ em Nhật đều có treo một chiếc còi để các em sử dụng trong lúc cần tạo tiếng động cầu cứu. Ngoài ra còn có cả máy báo động tạo tiếng hú lớn chỉ với một nút bấm.
Ứng xử khi bị bạn đánh
Thực tế, theo các chuyên gia, việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong thời buổi hiện nay là điều hết sức quan trọng và cần thiết khi những tệ nạn xã hội, đối tượng có ý đồ xấu đang ngày một nhiều.
Đặc biệt là các bé còn quá nhỏ, chưa có đủ nhận thức về môi trường xung quanh nên rất dễ bị dụ dỗ, va vấp, làm hại. Nắm được kỹ năng bảo vệ bản thân giúp trẻ tránh được những mối nguy hiểm và có thêm tư duy nhận thức, phản xạ ứng biến cho mình trong quá trình phát triển mỗi ngày.
Chia sẻ về vấn đề dạy trẻ tự vệ, chị Trương Thùy Chi (mẹ Tee Bee) - blogger, tác giả sách cho bố mẹ và bé cho biết, không ít phụ huynh có những câu hỏi chung một nội dung như: “Con em chưa biết nói, cho đi học, nếu lỡ bị bạn đánh thì làm sao biết kể với mẹ?”. Thậm chí, một số phụ huynh còn đặt câu hỏi: “Liệu em có nên dặn con trước nếu bị đánh thì về phải mách mẹ không? Chị nghĩ bé có hiểu không?”.
Nữ blogger chia sẻ, trong tình huống đó, chắc chắn là bé sẽ hiểu. Bé hơn một tuổi đã có thể hiểu được hơn 90% những gì cha mẹ nói với con hằng ngày. Tuy nhiên, việc mẹ “rào trước” với bé như vậy đã vô tình phạm 2 lỗi cơ bản trong quá trình nuôi dạy những đứa trẻ thông minh và tự lập.
Khi dặn trẻ như vậy, phụ huynh đã vô tình đưa vào đầu bé ý nghĩ rằng, đi học có thể bị đánh. Lớp học trong bé sẽ không chỉ có đồ chơi, những bài học hay, cô giáo hiền, bạn vui vẻ mà sẽ còn có cả bạo lực. Đó là điều tối kị.
Ngoài ra, cách làm đó cũng sẽ làm giảm khả năng tự giải quyết vấn đề, mất tính tự tin, tự lập của bé. Do đó, phụ huynh nên để những đứa trẻ tự gỡ rối cho chính bản thân mình.
Cha mẹ cũng không nên tham gia nếu sự việc chưa đến mức cần thiết. Để giải đáp cho câu hỏi rằng, cha mẹ sẽ phải làm gì để đối mặt với cuộc chiến của những đứa trẻ, nữ blogger cho biết, ngay từ lúc có thể di chuyển (trườn, bò), trẻ sẽ có nguy cơ đối diện với những cuộc gây gổ.
“Nếu đặt vài đứa trẻ chung một môi trường, chắc chắn sẽ có lúc chúng bắt đầu giành giật đồ chơi, giật tóc, tát vào mặt đối phương. Tôi là một bà mẹ chứng kiến cảnh đó cả nghìn lần khi bắt đầu cho con đi tập gym từ hồi 6 tháng tuổi. Với những đứa trẻ dưới 1 tuổi, phần lớn các bố mẹ sẽ lao vào gỡ rối, một vài người cười xuề xin lỗi hoặc nói không sao vì coi đó là chuyện bình thường. Số ít còn lại tỏ ra tức giận, thậm chí còn tỏ vẻ trách mắng nếu con họ là nạn nhân. Đó là cách cư xử của mỗi người”, chị Thùy Chi chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nữ blogger, khi trẻ đã đến tuổi đi học (trung bình là 18 tháng), bé hoàn toàn có thể tự giải quyết được vấn đề của mình mà không cần đến sự can thiệp của bố mẹ. Hoặc, phụ huynh chỉ nên hỗ trợ trẻ rất ít. Nếu một ngày con đi học về với một vết cắn trên tay, phụ huynh hoàn toàn có thể hỏi trẻ nguyên nhân. Ở tuổi này, nếu đã biết bập bẹ, trẻ sẽ nói được tên bạn đã cắn mình. Việc cha mẹ nên làm không phải là đưa con tới lớp gặp mẹ của trẻ đã cắn con, hay hỏi bé những câu vô nghĩa như: Tại sao lại để bạn cắn? Sao không mách cô? Thay vào đó, phụ huynh cần dạy con làm gì nếu lần sau bị cắn.
Chị Thùy Chi cho biết đã dạy con theo 2 bước. Trước hết là đánh thức suy nghĩ của con. Đây là phương pháp giải quyết vấn đề đã được đề cập rõ trong cuốn “Cha mẹ giỏi, con thông minh” của tác giả Myrna B. Shure.
Phụ huynh sẽ hỏi con những câu nhằm gợi lên mong muốn và suy nghĩ tự giải quyết vấn đề của riêng trẻ. Với những em bé dưới 3 tuổi chưa thể nói rõ ràng suy nghĩ, cha mẹ sẽ hướng con bằng những câu hỏi để bé có thể trả lời bằng cách gật hoặc lắc.
Một số câu hỏi có thể là: Bạn cắn con có đau không? Con có muốn bị bạn cắn lần nữa không? Con có muốn mẹ dạy con cách để bạn không cắn không?… Từ đó, trẻ sẽ dần hình thành và ý thức lại suy nghĩ của mình về hành động bị bạn bắt nạt.
Bước tiếp theo là dạy con cách phản kháng. Cha mẹ hãy dạy con nói “Không” khi không muốn làm điều gì đó. Ví dụ, khi trẻ thấy bạn có hành động sắp cắn hoặc làm bé đau, hãy nhìn trực diện vào mắt đối phương, giơ thẳng tay về phía bạn và hét lớn “Không”. Đây là bước đầu tiên trong quá trình tự vệ. Nếu trẻ đã tỏ rõ hành động không đồng ý bằng lời nói, nhưng người bạn vẫn không hiểu, cố tình khiêu khích, gia đình chị Thùy Chi thường thống nhất đồng ý cho con phản kháng. Phản kháng ở đây có thể hiểu là hất tay bạn ra, đẩy miệng bạn ra (nếu bạn định cắn), đánh vào tay bạn nếu bạn định cấu…
Tuy nhiên, chị Thùy Chi cho rằng, cần dạy trẻ phân biệt rõ ràng giữa đánh bạn và phản kháng. Nữ phụ huynh này thường nhắc nhở con rằng: Con không được làm bạn đau/ không được đánh bạn. Song, nếu bạn đánh hoặc làm con đau, con hoàn toàn có quyền phản kháng, chống trả.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()