Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:27 (GMT +7)
Lưu ý khi dùng yến sào để bồi bổ cơ thể
Thứ 5, 02/05/2024 | 08:59:23 [GMT +7] A A
Yến sào có rất nhiều công dụng và rất tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng làm thức ăn hay thuốc bổ cũng cần lưu ý về thể trạng người bệnh, liều lượng và thời gian sử dụng...
Đặc điểm và công dụng của yến sào
Yến sào là tổ chim yến. Chim yến làm tổ bằng nước dãi (nước bọt), do cặp tuyến dưới lưỡi tiết ra, chứ không làm tổ bằng cỏ khô, rác, cành cây... như những loài chim khác.
Hàng năm, cứ tới tháng 12 dương lịch, chim yến bắt đầu xây tổ, tới tháng 3-5 năm sau mới xong. Chim yến có thể làm tổ tới 4 lần, nhưng càng về sau tổ càng nhỏ dần, tổ đầu tiên có thể nặng tới 18-20g, về sau chỉ nặng 5-10g.
Sợi yến lúc mới nhả có màu trắng, phơn phớt hồng, sau một thời gian biến thành màu trắng đục, do tác dụng của không khí. Mỗi sợi yến dài khoảng 35-45cm, dày khoảng 2,5mm, được chim yến quẹt đi quẹt lại trên vách đá, theo những vành tròn xoáy trôn ốc, thành tổ.
Yến sào được khai thác từ tổ của nhiều loài yến khác nhau. Khoảng tháng 4, khi yến làm xong tổ, có thể khai thác yến sào đợt đầu tiên.
Yến mất tổ, sẽ làm tổ mới. Tới tháng 7-8, sau khi chim đẻ, ấp trứng, chim non đã cứng cáp, có thể khai thác yến sào đợt thứ hai.
Theo y học hiện đại, yến sào là món ăn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Lượng protein trong yến sào chiếm tới khoảng 40%, với nhiều loại acid amin thiết yếu, ở dạng dễ hấp thụ. Hàm lượng chất đường cũng khá cao, nhưng hàm lượng mỡ lại rất thấp. Yến sào còn chứa nhiều nguyên tố đa lượng, vi lượng có hoạt tính sinh học cao. Đặc biệt trong yến sào có acid sialic - một loại acid có trong nước bọt, có tác dụng kích thích hoạt động thần kinh và xúc tiến quá trình sinh trưởng của tế bào.
Theo Đông y, yến sào có vị ngọt, tính bình, không độc, lợi vào 3 kinh Phế, Vị và Thận; có tác dụng tư âm nhuận phế, bổ tỳ ích khí; chủ trị các chứng hư tổn (cơ thể suy yếu), ho, ho ra máu, hen suyễn, nôn ra máu, đau dạ dày, lỵ lâu ngày... Thường được dùng làm thức ăn hay thuốc bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu, người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh bị băng huyết; hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.
Cách sử dụng yến sào
- Chữa chứng "phế hư táo nhiệt", dẫn tới tình trạng đờm nghẽn tắc, gây khó thở, hen suyễn ở người cao tuổi: Yến sào 6g, đường phèn 15g, trái lê 1 quả. Yến sào ngâm nước cho nở ra; trái lê cắt miếng, cho vào nồi, thêm nước, nấu chín nhừ; cho đường phèn vào hòa tan, đun sôi lại là được.
- Chữa vị khí hư nhược, vị âm bất túc, dẫn tới những chứng trạng như khó nuốt, nghẹn, ăn vào nôn ngược trở lại, đại tiện khó (táo bón): Yến sào 8-10g, hấp cách thủy; sữa tươi 200ml, đun sôi; 2 thứ trộn đều, ăn như canh.
- Bổ nguyên khí, chữa chứng vã mồ hôi (tự hãn), tăng cường sức đề kháng: Yến sào 6g, hoàng kỳ 20g, sắc uống, ngày 2 lần.
- Chữa chứng "âm hư phế táo" hoặc "phế lao khái thấu", dẫn tới các chứng trạng như khó thở, ho, đại tiện táo kết: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 6g, yến sào 3g, đường phèn 10g; mộc nhĩ và yến sào ngâm nước cho nở ra, sau cho vào nồi, thêm nước, nấu chín nhừ; cho đường phèn vào hòa tan, đun sôi lại là được; mỗi ngày ăn 1 lần vào buổi sáng.
- Bổ tỳ vị, cải thiện chức năng tiêu hóa: Yến sào 8g, nhân sâm 4g; cho vào bát gốm, thêm chút nước, hấp cách thủy, chia ra ăn dần.
Lưu ý khi dùng yến sào để bồi bổ
Khi dùng yến sào để bồi bổ, không dùng cho những người mắc các chứng "phế vị hư hàn" (phế, vị suy nhược thể hư hàn), "đàm thấp đình trệ" và đang có "biểu tà" (đang mắc các chứng bệnh ngoại cảm) ăn yến không những không thể hấp thu được chất dinh dưỡng mà còn làm bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Khi bồi bổ, cần sử dụng yến sào với liều nhỏ (từ 6-10g), trong thời gian dài (Đông y gọi đó là "hoãn bổ", bổ từ từ). Yến sào rất giàu giá trị dinh dưỡng. Khi cơ thể không thể hấp thụ hết dưỡng chất có trong yến sẽ dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy vì yến có tính hàn. Dùng tổ yến phải lâu dài mới thấy được hết công dụng của tổ yến.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()