Theo tài liệu Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp của Phân hội Tăng huyết áp, Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu (HATT) hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) tương ứng lớn hơn hoặc bằng 140 và 90 mmHg. Những người có huyết áp tâm thu (HATT) từ 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương(HATTr) từ 85-89 được coi là bình thường cao hoặc tiền tăng huyết áp.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh Dưỡng Nutrihome cho biết, các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp bao gồm những điều không thay đổi được như: tiền sử gia đình, độ tuổi, chủng tộc. Tuy nhiên, các yếu tố khác về lối sống như chế độ ăn nhiều muối, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, ít vận động thể lực, thường xuyên căng thẳng thần kinh có thể thay đổi được.
Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Cụ thể, theo bác sĩ Trà Phương, ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, giữ nước làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, tiết niệu. Do đó, ăn nhiều muối được xác định là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong bệnh lý tăng huyết áp.
Muối ăn còn được gọi tên khoa học là Natri clorua (NaCl). Natri và Clo là thành phần có vai trò thiết yếu cân bằng thể dịch, đảm bảo hoạt động bình thường của các tế bào, hoạt động chức năng của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Bác sĩ Phương cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 g muối mỗi ngày, tương đương với 2. 000 mg natri/ngày. Tuy nhiên, các thống kê gần đây cho thấy hiện nay người Việt Nam đang tiêu thụ trung bình khoảng 9,4g muối một ngày.
Nguồn muối mà một người hấp thu mỗi ngày đến từ các bữa ăn trong ngày. Ba nguồn cung cấp muối chính, thứ nhất là từ muối ăn, các loại gia vị chứa muối như hạt nêm, bột canh, xì dầu, nước mắm, mắm tôm... Nguồn muối này được cho vào trong quá trình sơ chế, tẩm ướp và chế biến thực phẩm. Đây là nguồn cung cấp muối chủ yếu chiếm 70-80% tổng lượng muối vào cơ thể hàng ngày.
Thứ hai là từ các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp sườn, thịt xông khói, mỳ ăn liền, bim bim, thực phẩm đóng hộp, cá khô, cà muối, dưa muối.... Đây là nguồn đóng góp khoảng 10-20% tổng lượng muối vào cơ thể hàng ngày. Thứ ba là nguồn muối từ một số thực phẩm tự nhiên có chứa sẵn một lượng natri nhất định, chiếm dưới 10% tổng lượng muối hàng ngày.
Để giảm ăn muối, bác sĩ Trà Phương đưa ra một số lời khuyên như sau: Giảm từ từ muối, gia vị từ sơ chế, tẩm ướp và nêm nếm thực phẩm; không cho muối hoặc gia vị vào nước luộc rau; sử dụng gia vị khác như tiêu, chanh, gừng, tỏi làm tăng hương vị thực phẩm, tăng cảm nhận vị giác khác thay cho vị mặn; tập thói quen chấm nhẹ tay và dần dần không sử dụng bát nước chấm, gia vị chấm trên bàn ăn; pha loãng nước chấm trước khi ăn, hoặc thêm các gia vị khác (tiêu, tỏi, chanh...) để tăng cảm giác ngon miệng khi giảm muối...
Ngoài ra, mỗi người tập thói quen hạn chế chan nước mắm, nước sốt kho thịt vào trong món ăn, không cố uống hết nước canh, nước bún, nước phở, hủ tiếu khi ăn ở hàng quán. Người bệnh tăng cường lựa chọn thực phẩm tươi, hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, tăng cường chế biến các món luộc, hấp thay thế các món rim, kho, rang... cũng là những cách giảm muốn bạn nên quan tâm.
Khi chọn mua thực phẩm, mỗi người cần đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm để tránh những thực phẩm có hàm lượng muối cao. Theo bác sĩ Trà Phương, 5 g muối có thể tương đương với số lượng các thực phẩm, gia vị gồm: một thìa cà phê muối đầy, 8 g bột canh (1,5 thìa cà phê đầy), 11g hạt nêm (2 thìa cà phê đầy), 25 g nước mắm (2,5 thìa phở), 35 g xì dầu - nước tương (3,5 thìa phở)...
Ngoài ra, dưới đây là lượng muối có trong một số thực phẩm hàng ngày mà bạn có thể tham khảo để cân nhắc sử dụng cho phù hợp: Bún mọc sườn ( một suất) chứa 4 g muối, bún ốc chứa 3,3 g muối, bún cá chứa 6,2 g muối, phở bò chứa 3,6 g muối, mỳ ăn liền chứa 4-5 g muối, 100 g cá khô chứa 8,2 g muối, 100 g giò thù, pate gan chứa hay cà muối, dưa muối, kiệu muối chứa 1,5 g muối, 100 g xúc xích chứa 1 g muối, 100 g cá hộp chứa 0,7 g muối...
Ý kiến ()