Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:16 (GMT +7)
Lưu giữ mạch nguồn văn hóa
Thứ 2, 07/03/2022 | 15:58:11 [GMT +7] A A
Được ví như Việt Nam thu nhỏ, Bình Phước hội tụ đủ các dân tộc khắp nơi về sinh sống. Trên quê hương mới, họ mang theo nhiều nét văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo. Những ngày cuối năm, tiết trời đầy nắng, gió và nếu bạn chợt nghe âm thanh của tiếng sáo được cất lên từ bầu trời, hãy đừng bất ngờ, bởi đó chính là âm thanh từ những cánh diều sáo - nét văn hóa độc đáo của các cư dân vùng Bắc Bộ đang hiện diện trên quê hương Bình Phước. Để rồi trong cuộc sống hiện đại, chơi diều sáo không chỉ là một thú vui thỏa niềm đam mê mà cũng là cách nhằm lưu giữ mạch nguồn văn hóa của dân tộc.
Vi vu tiếng sáo diều
Là bộ môn nghệ thuật lâu đời của ông cha, cánh diều luôn có sức hút mãnh liệt với bất kỳ ai và ở độ tuổi nào. Chỉ cần một bãi đất trống, đủ gió, cánh diều sáo vút lên và mang theo một dàn hòa âm tuyệt vời trên bầu trời. Đó cũng là lý do để nhiều người cùng có mặt và góp vui cùng dàn nhạc xướng này, dù bộ môn được người dân nói vui là bộ môn “trời đày”.
Anh Phạm Thanh Nguyên, thành viên Câu lạc bộ diều sáo Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài cho biết: Trong chúng ta chắc chắn ai cũng từng một lần được cầm cánh diều và thả tung bay trên bầu trời. Ngửa mặt lên trời, nhìn từng cánh diều chao liệng thực không khác gì “trời đày”, nhưng chỉ có ai đam mê rồi mới hiểu, vì sao lại thích “trời đày” đến như vậy.
Theo quan niệm của người chơi diều xưa, diều là thú chơi thuộc phạm trù văn hóa nên khâu chọn nguyên liệu, đặc biệt là tre rất quan trọng. Tre được chọn làm khung diều phải mới, trồng ở vị trí sạch đẹp và phơi trên cao. Ngày nay, cuộc sống hiện đại, ít thời gian nên không còn nhiều người chọn làm khung diều từ tre và giấy như xưa. Thay vào đó, diều sáo được người chơi lựa chọn các nguyên liệu có sẵn như khung vải carbon, dây kéo diều amiang… Tùy sở thích, trên bầu trời sẽ có vô vàn cánh diều với kích thước, hình ảnh lớn, nhỏ khác nhau và mang “chất” riêng của mỗi người. Anh Hoàng Trung Thành, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: Chơi diều giấy sẽ phụ thuộc vào thời tiết nhiều, gió lớn hay chỉ cần mưa một chút là đã ướt hết. Ngày nay, người chơi diều thường nắm được thế chủ động hơn, một phần trong đó nhờ sự thay đổi của các nguyên vật liệu. Áo diều carbon không bị ướt dưới mưa, cuộc chơi của chúng tôi vì thế cũng được trọn vẹn hơn.
Ngày nay, bằng sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử, người chơi diều có thể đoán được hướng gió, độ thấp, cao khác nhau để có những buổi hẹn và cùng nhau đưa lên bầu trời những cánh diều đủ màu sắc, âm thanh. Có ít nhất 2 hay 3 người, thậm chí là 4-5 người để “đâm” một cánh diều sáo lên bầu trời. Khi cánh diều no gió bay lượn trên bầu trời với những bản nhạc nhiều sắc thái, không chỉ người chơi mà người nghe cũng cảm thấy được thư giãn.
Người làm nhạc cho diều
Cánh diều lớn hay nhỏ, hình con gì hay họa tiết ra sao là do sức sáng tạo của người làm diều nhưng tiếng sáo lại là nơi thể hiện tiếng lòng của người chơi và cũng được ví như linh hồn của cánh diều sáo. Với cánh diều đơn giản từ ngàn năm của cha ông, sáo được làm từ vỏ chai bia, vỏ lon sữa, tuy nhiên trong thú vui chơi diều sáo ngày nay, để sáo hay, âm vang thì cần được làm tinh xảo hơn từ các loại nguyên liệu khác. Mỗi loại diều sẽ kèm theo một bộ sáo, có thể sáo đôi, sáo ba, sáo bảy, sáo chín hay sáo mười.
Anh Nguyễn Văn Nhất, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo xã Tiến Hưng, là người chơi đồng thời cũng là người làm sáo diều ở TP. Đồng Xoài. Anh Nhất cho biết: Sáo được ví như là bộ âm thanh trên không, bộ âm thanh này sẽ có rất nhiều dòng. Sáo chuông là dòng truyền thống từ ngày xưa đến nay. Ngoài ra, còn sáo hòa âm, sáo hòa còi, hòa đàn, đàn bò… tùy vào cách cảm âm của mỗi người chơi mà mình theo. Nguyên liệu làm bộ sáo ngày nay cũng đa dạng hơn, chủ yếu người chơi sẽ chọn sáo từ gỗ mít vì nó hay và bền hơn. Một số người chơi có điều kiện thì lại chọn sáo từ gỗ lim để nâng “chất” cho bộ sáo của mình.
Cánh diều no gió bay trên không trung sẽ đẹp hơn nếu bộ sáo ngân du dương, trầm bổng. Để những “dàn hòa âm” ấy thỏa sức trên bầu trời thì bàn tay khéo léo của người thợ đóng góp một phần không nhỏ. Những bộ sáo nhỏ thì chế tác đơn giản, nhưng có những bộ sáo nặng từ 3-4kg, có từ 9-11 ống thì đòi hỏi người thợ mất nhiều thời gian hơn, nghiên cứu cũng kỹ hơn, vì chỉ cần sai một điệu lý, điệu nhạc là coi như thất bại.
Với những người yêu bộ môn diều sáo ở xã Tân Thành, khi có thời gian rảnh họ lại cùng nhau đi chọn tre và làm những bộ diều theo đúng chuẩn “truyền thống” để giới thiệu cho các thế hệ trẻ. Họ tỉ mỉ trong từng đường vuốt tre, khung diều đến áo giấy với mong muốn được gìn giữ bộ môn này cho các thế hệ sau. Trong không gian đó, khi những đứa nhỏ tập tành “đâm” diều, thì các anh, các chú lại cần mẫn nghiên cứu bộ sáo, bộ còng để tạo ra những âm thanh đặc sắc khác nhau, để nét văn hóa này không bị lu mờ trong cuộc sống hiện đại.
Từ bao đời nay, hình ảnh cánh diều căng gió giữa bầu trời xanh thẳm đã đi vào văn hóa, là mơ ước và cũng là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Trong bộn bề cuộc sống hiện đại ngày nay, chắc chắn nét văn hóa này khó bị mai một, thậm chí còn được lan tỏa nhiều hơn. Những hội thi diều sáo được tổ chức ở phạm vi tỉnh, thành, khu vực luôn là minh chứng cho sự hấp dẫn của bộ môn này với người chơi, dù ở độ tuổi thiếu nhi hay đã ngoài 60, 70. Chẳng có lý do để giải thích cho đam mê đó, bởi đơn giản đã là trò chơi dân gian thì không giới hạn bởi độ tuổi nhưng chắc chắn rằng: vượt lên trên một trò chơi, đây còn là cách để nhân rộng và bảo tồn ý nghĩa của cánh diều, để tiếng sáo còn ngân xa và ngân dài mãi.
Theo Thanh Nga/ Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()