Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Lượng chất nổ Israel trút xuống Gaza có sức hủy diệt gần bằng 2 quả bom hạt nhân
Thứ 6, 10/11/2023 | 17:19:33 [GMT +7] A A
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Euro-Med, Israel đã thả hơn 25.000 tấn chất nổ xuống Dải Gaza từ ngày 7/10, gần bằng sức hủy diệt của hai quả bom hạt nhân.
Theo kênh Al Jazeera, để hình dung sức hủy diệt của lượng chất nổ này, có thể so sánh với quả bom hạt nhân Little Boy do Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ hai. Little Boy có sức công phá tương đương 15.000 tấn chất nổ TNT và phá hủy mọi thứ trong bán kính 1,6 km.
Ảnh chụp và ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khu vực ở Gaza đã bị san bằng. Nhiều bệnh viện, trường học, nhà cửa, công trình tôn giáo bị hư hỏng hoặc phá hủy trong các cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không của Israel. Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc và nhà máy xử lý nước cũng bị vô hiệu hóa.
Theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Điều phối Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và chính quyền Palestine, tính đến ngày 7/11, các cuộc tấn công của Israel đã gây thiệt hại cho ít nhất một nửa số nhà ở Gaza, trong đó 222.000 căn hộ chung cư bị hư hỏng và hơn 40.000 căn bị phá hủy hoàn toàn. 278 cơ sở giáo dục bị thiệt hại. 270 cơ sở y tế bị tấn công. 69 nhà thờ bị hư hỏng.
Ông Elijah Magnier, một nhà phân tích quân sự chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột ở Trung Đông, nhận định: “Việc Israel sử dụng bom thông minh ở Gaza là một phần trong chiến lược quân sự rộng hơn nhằm tấn công chính xác vào cơ sở hạ tầng của các tay súng Hồi giáo để đạt được các mục tiêu quân sự, nhưng không hề cố gắng hạn chế thương vong dân sự và thiệt hại về cơ sở hạ tầng”.
Theo ông Magnier, với loại vũ khí này, không thể đạt mục tiêu chiến lược mà không gây thiệt hại lớn.
Ở phía Bắc Gaza, Jabalia là một trong những trại tị nạn lớn nhất, là nơi ở của khoảng 116.000 người. Quân đội Israel đã tấn công vào trại tị nạn này ít nhất 8 lần vào các ngày 9, 12, 19, 22 và 31/10; ngày 1, 2 và 4/11, gây thương vong lớn. Trại có ba trường học do Liên hợp quốc điều hành, đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn cho hàng trăm gia đình phải di dời.
Theo phân tích trực quan của The New York Times, The Guardian và các chuyên gia, lực lượng Israel đã sử dụng quả bom nặng 900kg để không kích trại tị nạn Jabalia vào ngày 31/10. Hai hố mà bom để lại ước tính rộng 12 mét.
Quân đội Israel tuyên bố rằng các cuộc tấn công vào Jabalia vào ngày 1/11 đã giết chết chỉ huy Hamas là Ibrahim Biari - người mà họ tin rằng đóng vai trò then chốt trong việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10.
Cánh vũ trang của Hamas là Lữ đoàn Qassam cho biết 7 con tin dân thường đã thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó có 3 người mang hộ chiếu nước ngoài.
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh dựa trên dữ liệu radar Sentinel-1 của các nhà nghiên cứu Corey Scher thuộc Trung tâm sau đại học CUNY và Jamon Van Den Hoek tại Đại học bang Oregon, có tới 18% tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hỏng từ ngày 7/10 đến ngày 5/11.
Việc Israel triển khai tên lửa dẫn đường chính xác (PGM) ở Gaza làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố rằng những quả bom thông minh này làm giảm thiệt hại.
Theo Dự án Giải pháp Thay thế Quốc phòng (PDA), một vụ nổ dùng bom nặng 226kg sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, làm bị thương hoặc giết chết bất kỳ ai trong phạm vi 20 mét. Vụ nổ dùng bom 900kg sẽ tăng bán kính hủy diệt lên 35 mét.
Tính trung bình trên các loại bề mặt khác nhau, một quả bom nặng 226kg có thể tạo ra một miệng hố có chiều ngang 7,6 mét và sâu 2,6 mét, trong khi một quả bom nặng 900kg sẽ tạo ra một miệng hố có chiều ngang 15 mét, sâu 5 mét.
Liên quan thương vong dân thường, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Charles Q. Brown ngày 10/11 cho rằng Israel nên sớm có điểm dừng trong cuộc chiến ở Dải Gaza để giảm thương vong cho dân thường và cần tập trung vào giới lãnh đạo cấp cao của Hamas.
Tuy nhiên, hiện cả tình báo Mỹ và Israel vẫn chưa biết rõ vị trí chính xác của thủ lĩnh hàng đầu Hamas là Yahya Sinwar
Trong khi đó, ngày 9/11, chính quyền Israel đã công bố số liệu về cuộc chiến với Hamas. Theo đó, đã có khoảng 9.500 quả tên lửa, rocket và hàng chục máy bay không người lái được phóng về phía Israel từ Dải Gaza, Liban, Syria và Yemen. Hệ thống phòng không của Israel đã thực hiện hàng nghìn vụ đánh chặn thành công ở mọi cấp độ phòng thủ, từ khu vực núi Dov ở miền Bắc tới Biển Đỏ ở miền Nam. Cùng thời gian này, quân đội cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản cực đoan hơn như khả năng mở thêm chiến trường hoặc khu vực xung đột mới. Lần đầu tiên, các hệ thống phòng không đa tầng của Israel như Iron Dome, David Sling, Diamond và Arrow-3 đã phải hoạt động liên tục.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()