Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:05 (GMT +7)
“Lực đẩy” tiêu thụ nông sản
Thứ 7, 13/05/2023 | 07:50:59 [GMT +7] A A
Liên kết tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP là một trong những định hướng được Quảng Ninh tập trung phát triển mạnh mẽ. Tới nay, nhiều hoạt động liên kết vùng, kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại... đã được các cấp, ngành, chức năng của tỉnh triển khai với nhiều hình thức phong phú, đổi mới. Qua đó, giúp tăng cường hiệu quả kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và thiết lập được mối giao thương triển vọng, bền vững.
Lực đẩy từ liên kết vùng
Để tạo được sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện. Nổi bật là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, giao thương, buôn bán.
Điển hình, Quảng Ninh đã cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết; đẩy mạnh phối hợp với Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh trong việc cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng; hoàn thành xây dựng cầu Triều kết nối TX Đông Triều với huyện Kinh Môn (Hải Dương); cải tạo nâng cấp đoạn nối đường tỉnh 345 (Quảng Ninh) với đường tỉnh 398 (Hải Dương); đang đầu tư xây dựng đường nối đường ven sông (kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều) tới QL37 và kết nối với đường vành đai 5; đầu tư xây dựng cầu bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối với TP Hải Phòng...
Đặc biệt, ngày 15/4, chuyến bay thẳng Quảng Ninh - Cần Thơ đã chính thức đi vào hoạt động. Đây không chỉ là hoạt động thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần quan trọng giúp đẩy mạnh việc giao thương giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Cần Thơ. Đây cũng là cơ hội tốt để 2 bên trao đổi, giao thương hàng hóa thuận lợi, tiết kiệm được thời gian vận chuyển, bảo quản các mặt hàng, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, các đơn vị phân phối tại TP Cần Thơ đã tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ, giới thiệu quảng bá nhiều sản phẩm OCOP, nông sản của Quảng Ninh tại Cần Thơ, như: Gạo nếp cái hoa vàng, nấm trà tân, nấm sò tím, cao lạc tiên an thần, mật ong rừng Yên Tử, rượu mơ Yên Tử...
Ông Phạm Quang Nhuệ, Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (phường Kim Sơn, TX Đông Triều) cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy giao thương, doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhiều và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Mới đây, chúng tôi đã có 2 sản phẩm là nấm trà tân và nấm sò tím được mở rộng kết nối tiêu thụ vào thị trường Cần Thơ. Đây là cơ hội rất tốt để công ty chúng tôi nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nông sản, sản phẩm OCOP nói chung mở rộng thị trường tiêu thụ. Tin tưởng rằng tỉnh sẽ có thêm nhiều hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm hơn nữa, để giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm... cũng được tỉnh đẩy mạnh trên cơ sở đổi mới, hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý, từ năm 2021, Hội chợ OCOP của Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Hiện có 267/334 sản phẩm OCOP tỉnh đạt 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Ngoài ra, những sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như: Tiki, Lazada, Sendo... cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, HTX cách thức đưa sản phẩm lên sàn.
Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với xúc tiến trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh thực hiện triệt để, với nhiều hoạt động, như: Chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt - Trung... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đáng chú ý, sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được đơn hàng, đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường lớn.
Các hoạt động đẩy mạnh phát triển, mở rộng tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, nông sản; công tác liên kết, hỗ trợ kết nối, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh cũng được thường xuyên triển khai. Hiện đã có hơn 100 sản phẩm nông, thủy sản của Quảng Ninh được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trên địa bàn. Một số sản phẩm tiêu thụ tốt trong các chuỗi như: Rau, củ quả các loại của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long; rượu Song lộc (rượu mơ), rượu Ba kích của Công ty TNHH Thăng Long; nước mắm của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng...
Ngoài ra, các sản phẩm như ruốc hàu, ruốc trai, hàu sữa chưng thịt, dầu ăn Hải Yến, rượu ba kích Quảng Ninh... đã ký kết được các hợp đồng phân phối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung.
Đưa nông sản lên sàn thương mại
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 334 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, cùng nhiều nông sản, thủy sản phong phú, đa dạng. Mặc dù công tác tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản đã được chú trọng, nhưng thực tế còn có một số sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến; tỷ lệ vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ của một số sản phẩm OCOP chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhiều sản phẩm còn nhỏ...
Theo nhận định, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các loại hình thương mại, giao thương, hoạt động kết nối, tạo liên kết để tiêu thụ sản phẩm là khâu cực kỳ quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt, giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.
Phát biểu tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhận định: Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng cho doanh nghiệp và HTX đó là sự “chuyển mình” về mặt liên kết vùng. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, Quảng Ninh cần tăng cường nguồn lực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Xác định liên kết vùng là một trong những định hướng hết sức quan trọng trong việc hợp tác tiêu thụ, mở rộng thị trường, tỉnh có định hướng tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, dán tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể sản phẩm OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, tạo liên kết bền vững và nâng tầm giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP, nông sản.
Theo chia sẻ từ Sở Công Thương, để tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, sở tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Với vai trò quản lý thương mại, sở tập trung phát triển hạ tầng thương mại có trọng tâm, tạo đột phá, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại cả khu vực thành thị và nông thôn; phát triển đa dạng các loại hình thương mại và quy mô, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng - xuất khẩu, kết nối các địa phương và các khu du lịch đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thương hiệu và các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Xây dựng thương hiệu trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, để phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tham mưu hoàn thiện chính sách của tỉnh về phát triển chợ, hợp tác, liên kết vùng, ngành, phát triển thị trường nông thôn, áp dụng KHCN và phát triển kinh tế đêm. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản bền vững.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()