Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:45 (GMT +7)
"Lực đẩy" thoát nghèo bền vững
Thứ 3, 16/04/2024 | 10:47:27 [GMT +7] A A
Nhằm cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thay đổi tư duy sản xuất, loại bỏ tư tưởng trông chờ, thôi thúc tinh thần làm giàu của người dân trên mảnh đất quê hương.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, làm nền tảng quan trọng để triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu. Điển hình là: Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh...
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Với quy định này, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo trong tỉnh cao hơn so với Trung ương khoảng 1,4 lần. Trên cơ sở đó, tỉnh đã bổ sung kinh phí từ ngân sách triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 13, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Theo đó, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương (cấp tỉnh và huyện) ủy thác qua Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh là 26,6 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho 105 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 257 hộ còn dư nợ (20 hộ nghèo, 237 hộ cận nghèo) với tổng số tiền 19,27 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: Là hộ cận nghèo, gia đình tôi được xã và Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu tạo điều kiện giải ngân 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 13. Bằng số tiền này, gia đình tôi đã mua cây giống để trồng thêm 1ha quế, nâng diện tích rừng trồng của gia đình lên 15ha. Rừng quế này không chỉ mang lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, mà gia đình còn có của cải tích lũy.
Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tỉnh đã phân bổ 300 tỷ đồng để triển khai cho vay vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo. Đến nay, toàn tỉnh có 4.157 lượt hộ dân khu vực này được vay vốn, với tổng dư nợ 299,5 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn vay, người dân đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Trồng rừng, trồng trà hoa vàng, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản… Từ đó, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động địa phương, thu nhập của người dân đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Xác định nguồn vốn là động lực quan trọng để thúc đẩy người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp đã tham mưu triển khai tốt chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, gám sát tại cơ sở; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách đặc thù…
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh ưu tiên nguồn vốn cho khu vực vùng DTTS, miền núi, hải đảo; kịp thời giải ngân nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương tín dụng CSXH, cũng như rà soát, xác nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn… Qua đó, tạo động lực quan trọng để mỗi người chủ động phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống của chính mình, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo và giảm 50% số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()