Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:41 (GMT +7)
Uông Bí: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông: Lực đẩy để phát triển nền kinh tế
Thứ 7, 01/10/2022 | 09:32:56 [GMT +7] A A
Trước những thời cơ và thách thức mới, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của Uông Bí đã lộ rõ những điểm bất cập, đòi hỏi phải có sự đổi mới. Do đó, thành phố đã và đang chủ động vào cuộc, chuẩn bị những dư địa về hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện và hiện đại.
Thực tế nhiều bất cập
Hạ tầng giao thông chính, kết nối các khu vực dân cư, các vùng kinh tế trên địa bàn TP Uông Bí hiện bao gồm tuyến QL18A, QL10, đường tỉnh 338, đường từ Dốc Đỏ (phường Phương Đông) vào Yên Tử, đường Trần Hưng Đạo kéo dài (giai đoạn 1), đường ngã tư Nam Mẫu (Uông Bí) - Ngọa Vân (Đông Triều)... cùng một số tuyến đường nội thị. Tuy nhiên do quá trình sử dụng đã lâu, cũng như việc hình thành các vùng dân cư, vùng kinh tế mới, đã khiến một số tuyến đường mãn tải và xuống cấp, không đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.
Khảo sát thực tế của TP Uông Bí cho thấy các tuyến đường trong khu dân cư nhỏ hẹp, chậm được đầu tư mới, hoặc nâng cấp. Ví như tuyến đường từ trụ sở phường Phương Đông nối với các khu dân cư; tuyến đường xung quanh khu vực cảng Bạch Thái Bưởi; tuyến đường từ nhà văn hoá Tân Lập đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông). Tuyến đường vào Yên Tử có thể coi là tuyến đường đẹp và đa tác dụng của TP Uông Bí, tuy nhiên chưa thực sự đồng bộ, vẫn thiếu cây xanh hai bên đường, làm giảm đi giá trị cảnh quan của công trình này.
Một số trục đường giao thông đã đầu tư, nhưng thực tế hiệu quả phát huy chưa cao. Như tuyến đường Vàng Danh (Uông Bí) qua đèo San đến Bằng Cả (TP Hạ Long). Tuyến đường hành hương kết nối 2 miền di sản nhà Trần từ ngã tư Nam Mẫu (Uông Bí) - đi Ngọa Vân (Đông Triều). Cả 2 tuyến đường này hiện mật độ giao thông thấp. Riêng tuyến đường ngã tư Nam Mẫu - Ngọa Vân hiện thiếu hạng mục cây xanh, đèn đường, biển chỉ dẫn... ít được người biết đến và sử dụng, người dân lân cận tuyến đường thường chăn thả gia súc, ảnh hưởng đến giao thông toàn tuyến.
Cùng với đó, một số trục đường trên địa bàn Uông Bí được đánh giá là tốt, mở ra dư địa phát triển, nhất là về nguồn lực đất đai, nhưng lại chậm được đầu tư như trục Thanh Sơn - Phương Đông. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Bùi Văn Thành, việc này do nguồn lực của thành phố có hạn và ngày càng khó khăn do những điều chỉnh về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như tỷ lệ điều tiết của cấp trên, trong khi đó nhu cầu phát triển của thành phố rất lớn...
Kỳ vọng từ những công trình giao thông trọng điểm
Từ nhiều nguồn lực, gần đây, TP Uông Bí đang đẩy mạnh triển khai tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài (giai đoạn 2); chuẩn bị triển khai tuyến đường Yên Tử kéo dài và tuyến đường tỉnh 338 - đường hành hương cầu Vành Lược; phối hợp cùng tỉnh triển khai tuyến đường ven sông 10 làn xe. Trong đó, tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài hiện công tác GPMB chỉ còn 1 hộ trong lòng đường và 3 hộ tại nút giao; công tác thi công đã đạt trên 70%.
Các tuyến đường nói trên đều là công trình động lực, sau hoàn thành tạo dư địa phát triển lớn cho Uông Bí, thay đổi, nâng cao vị thế của thành phố. Riêng tuyến đường 338 đi qua 3 phường Trung Vương, Bắc Sơn, Vàng Danh, nối với trục đường hành hương Yên Tử còn có thể đón bắt cơ hội từ dự án cầu Rừng đang được triển khai kết nối TX Quảng Yên với huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng); đón bắt cơ hội kết nối với khu Đầm Nhà Mạc, khu vực kinh tế trọng lực của KKT ven biển Quảng Yên. Về xa hơn, tuyến đường 338 có thể kết nối với đường 279, tuyến đường huyết mạch nối 10 tỉnh miền núi phía Bắc với nhau.
Nói về 3 công trình này, Bí thư Thành uỷ Uông Bí Nghiêm Xuân Cường khẳng định: Uông Bí đã chủ động đón bắt cơ hội, bám sát các quy hoạch, dự án giao thông chiến lược của tỉnh. Đây là cơ sở để thành phố có thể sớm hình thành các tuyến đường kết nối như kể trên, sau này sẽ phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển KT-XH toàn vùng.
Thực tế, tuyến đường Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) đã được hoàn thành từ rất sớm, Uông Bí cũng tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của công trình này, để khi dự án đường ven sông của tỉnh hoàn thành cũng là lúc Uông Bí sẵn sàng để kết nối. Đối với tuyến đường Yên Tử kéo dài, TP Uông Bí đã chủ động, tích cực đề xuất và đã được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, có thể sớm triển khai đồng thời với tuyến đường ven sông. Tuyến đường 338 - đường hành hương cầu Vành Lược cũng đã được tỉnh chấp thuận chủ trương, hiện đang thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất của thành phố. Đây là những tiền đề cơ bản để có thể hình thành và triển khai dự án này...
Theo Bí thư Thành uỷ Uông Bí Nghiêm Xuân Cường, mục tiêu đề ra đến hết năm 2025 TP Uông Bí phấn đấu nâng cấp đô thị lên loại I, trong đó yêu cầu về hạ tầng giao thông kết nối là rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt Uông Bí xây dựng đề án về tăng cường lãnh đạo trong công tác phát triển đô thị trong tình hình mới, đồng thời tạo nguồn để đầu tư. Cùng với đó, thực hiện xây dựng thứ tự công trình ưu tiên đầu tư; phát huy cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động sức dân, sức doanh nghiệp cùng làm; đề xuất những cơ chế theo hướng giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, nguồn vốn thành phố trực tiếp đến với khu dân cư...
Việt Hoa
- Phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai nhanh các công trình, dự án giao thông trọng điểm
- Quảng Ninh đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, an toàn
- 7 - là số dự án hạ tầng giao thông mà tỉnh đã thực hiện theo hình thức đầu tư PPP
- TP Uông Bí: Để không có tai nạn giao thông học đường
- Xã Đầm Hà: Xây dựng văn hóa giao thông
- Uông Bí: Nâng cao hiệu quả công tác GPMB từ Chỉ thị 06
- TP Uông Bí: Đảm bảo trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh khoáng sản
Liên kết website
Ý kiến ()