Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:24 (GMT +7)
Luật tục của người Sán Chỉ Quảng Ninh
Chủ nhật, 03/07/2022 | 22:19:51 [GMT +7] A A
Luật tục được hiểu là tập tục, phong tục tập quán của một cộng đồng hình thành tự phát và được các thành viên trong cộng đồng chấp thuận tuân theo trong mối quan hệ với nhau. Luật tục của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh đa dạng, phong phú, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người.
Người Sán Chỉ ở Quảng Ninh sống tập trung thành bản làng ở các huyện Tiên Yên và Bình Liêu. Họ cùng với người Cao Lan là 2 nhánh của dân tộc Sán Chay. Người Sán Chỉ còn giữ lại nhiều luật tục có giá trị lớn về đạo đức và văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại.
Cộng đồng làng bản của người Sán Chỉ được kết cấu bởi các gia đình, dòng họ. Nhà cửa của họ thường là nhà sàn, sàn gỗ thấp, chung quanh bưng ván gỗ. Trang phục của người Sán Chỉ đơn giản, hầu như không cần trang trí, trừ một số đường viền nhỏ quanh cổ áo bằng chỉ màu. Đồ trang sức chủ yếu là vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và nhẫn bằng bạc.
Mỗi làng bản của người Sán Chỉ xưa kia đều thành lập các hội tương trợ để giúp đỡ nhau trong việc cưới, việc tang, việc làm nhà, lúc mùa vụ và thực hiện nhiều công việc trọng đại khác. Hội trưởng là người được bầu và mỗi năm bầu một người. Người trong hội sẽ làm đổi công tương trợ cho nhau thay vì phải thuê mướn nhân công.
Người Sán Chỉ xưa kia ít dùng tiền, thường giao dịch với nhau bằng hình thức hàng đổi hàng với giá trị ngang bằng kiểu như 10 cân sắn đổi 1 cân gạo. Nếu có tranh chấp gì với nhau trong bản thì tự thỏa thuận miệng, nếu thỏa thuận không được thì mời trưởng bản giải quyết. Con cái dưới 16 tuổi nếu gây thiệt hại cho người trong bản thì cha mẹ phải bồi thường thay.
Trong gia đình, con trai mới được quyền hưởng thừa kế tài sản. Con gái đi lấy chồng hưởng phúc phận nhà chồng. Người Sán Chỉ cấm kết hôn với những người có họ hàng trong vòng 5 đời. Hôn nhân quy định 1 vợ 1 chồng. Nghi lễ hôn nhân gồm: Lễ dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới, lễ đón dâu và lễ lại mặt. Đặc biệt, người chọn làm mối được gọi là ông bố mối gia đình phải đầy đủ gái trai, khỏe mạnh, có uy tín và am hiểu phong tục. Đôi vợ chồng trẻ phải đối xử với bố mối như đối xử với bố mẹ mình suốt đời. Ngoài cha mẹ đẻ và ông bố mối, cặp đôi còn có thể có cha mẹ nhận từ trước khi lấy nhau.
Luật tục Sán Chỉ cấm ngoại tình. Nếu bắt quả tang ngoại tình thì sẽ lấy quần áo của những kẻ ngoại tình về nộp cho trưởng bản để có bằng chứng phạt vạ rồi đuổi ra khỏi cộng đồng. Người Sán Chỉ hiếm khi ly hôn. Nếu bắt buộc phải ly hôn thì bút viết đơn ly hôn phải đem vứt xa ra suối hoặc ngã ba đường. Tài sản chung được chia theo thỏa thuận. Con trai được ở với bố, con gái phải theo mẹ.
Quy định về việc có con ngoài giá thú cũng rất khắt khe. Gia đình nào có con gái chửa hoang phải nộp vạ 1 con lợn để bản cúng tẩy uế. Trai gái yêu nhau quan hệ tình dục trước hôn nhân sẽ bị chê cười, dân bản bắt người trai chui vào lồng khiêng đi bêu riếu khắp bản. Gái góa muốn tái giá phải chờ 3 năm. Đàn ông góa vợ cũng phải đợi 1 năm mới được tục huyền.
Trong ngôi nhà của mình, đồng bào Sán Chỉ lập bàn thờ tổ tiên của người chồng, đồng thời cũng có bàn thờ bố mẹ vợ hoặc ông bà ngoại của chủ nhà. Tuy nhiên, họ chỉ thờ bên ngoại tối đa đến đời thứ hai. Rộng hơn là dòng họ, trưởng họ đảm nhiệm việc cúng giỗ tổ tiên, có quyền triệu tập cuộc họp dòng họ, quyết định những công việc có liên quan đến dòng họ, làng bản và những mối quan hệ khác.
Người Sán Chỉ còn nhiều tập tục cấm kỵ khác như: Cấm giết thịt và ăn thịt chó, cấm làm tổn thương rùa, cấm thịt trâu ở đầu nguồn nước, cấm người có tang đi đến chỗ vui tươi, buộc phải ăn chay khi đang có tang, trong 3 năm chịu tang không được tổ chức những việc đại hỷ, cấm trộm cắp, cấm loạn luân, khi săn bắn hái lượm không được tận diệt, tận thu v.v..
Nhìn chung, luật tục thể hiện những quy tắc ứng xử của người Sán Chỉ với tự nhiên, xã hội và cộng đồng. Theo bà Ân Thị Thìn, chủ biên công trình “Văn hóa, luật tục của người Sán Chỉ Quảng Ninh”, luật tục có vai trò to lớn trong việc tự quản cộng đồng của người Sán Chỉ. Đó cũng là những công cụ hỗ trợ pháp luật quản lý xã hội ở cơ sở, là công cụ thực hiện quyền tự quản trực tiếp của nhân dân trong cộng đồng thôn bản, khơi dậy tinh thần làm chủ của nhân dân.
Đồng thời, góp phần duy trì thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có truyền thống văn hóa quản lý thôn bản. Vì thế, những gì lạc hậu cần được loại bỏ, những phong tục tốt đẹp cần được chắt lọc và phát huy đưa vào hương ước của làng bản.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()