Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo
Thứ 4, 27/10/2021 | 11:13:07 [GMT +7] A A
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Đây là một trong những dự án luật nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhân dân. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận một số ý kiến liên quan xung quanh dự thảo luật này.
Ông Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN: “Tạo điều kiện thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp hội nhập quốc tế”
Luật SHTT được Quốc hội ban hành năm 2005, từ đó đến nay đã 2 lần bổ sung sửa đổi vào năm 2009 và 2019. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán để tham gia các hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn trên thế giới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Vì vậy việc bổ sung, điều chỉnh Luật SHTT lần này là thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, Luật SHTT đã sửa đổi, bổ sung 2 lần, nên đề nghị lần này Quốc hội ban hành Luật SHTT sửa đổi mà không phải là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Nếu Luật SHTT sửa đổi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện các quy định của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, đồng thời nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Đinh Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn): "Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập"
Đây là dự án luật được đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và người dân quan tâm, bởi nó liên quan đến quyền sáng chế, tính phát minh, trí tuệ của con người.
Thông qua các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như những ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, tôi nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT được thực hiện theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tôi mong muốn các ĐBQH tập trung trí tuệ, phân tích, đánh giá thật sâu sắc nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Thông qua đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất là trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.
Ông Bùi Thanh Dương, Giám đốc Nhà máy sản xuất bột mì Vimaflour (KCN Cái Lân, TP Hạ Long): “Là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển KT-XH của Việt Nam”
Tôi hoàn toàn đồng tình với việc Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Đây là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển KT-XH của Việt Nam trong bối cảnh cả nước đang trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Tôi tin chắc rằng, với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự đóng góp trí tuệ của các ĐBQH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được Quốc hội thông qua. Qua đó góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể (người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng); bảo đảm quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.
Chị Nguyễn Hạnh Hoa, phường Hồng Hải, TP Hạ Long: “Sẽ xử lý được các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành"
Thời gian qua, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...
Tuy nhiên, sau 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật SHTT đã có phần lạc hậu do bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động SHTT của Việt Nam; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()