Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:34 (GMT +7)
TP Hạ Long: Luân chuyển giáo viên lên vùng cao
Thứ 6, 30/09/2022 | 06:45:35 [GMT +7] A A
Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long có thêm các xã thuộc vùng núi cao, cách trung tâm thành phố 70-80km. Nhiều trường học ở những nơi này còn gặp không ít khó khăn, nhất là về đội ngũ. 2 năm qua, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, thành phố rất quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, năng lực lên công tác tại các xã vùng cao.
Năm học 2022-2023 là năm học thứ 2 cô giáo Bùi Thị Lệ (SN 1988, nhà ở phường Việt Hưng, TP Hạ Long) tình nguyện lên dạy học ở Trường TH&THCS Đồng Sơn, thuộc một trong những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất của TP Hạ Long. Mặc dù điều kiện đi lại, sinh hoạt còn nhiều vất vả, 2 con còn nhỏ, song với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, cô giáo Lệ nhanh chóng vượt qua khó khăn, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học trò vùng cao hào hứng, đam mê với môn học. Cô giáo Lệ chia sẻ: "Trước đây, tôi dạy ở Trường Tiểu học Việt Hưng gần nhà, tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình. Nay đi dạy xa, cuối tuần tôi mới có thể về nhà. Tôi may mắn được chồng, bố mẹ hỗ trợ dạy dỗ, chăm sóc con cái, nên yên tâm bám bản, bám trường".
Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô giáo Lệ được phân công làm Tổ trưởng Tổ chuyên môn 4-5 của Trường TH&THCS Đồng Sơn. Nhà trường có phòng nghỉ cho giáo viên để các cô giáo nhà xa ở lại trong tuần giảng dạy. Lớp cô giáo Lệ dạy đã có máy chiếu nên cũng khá thuận lợi để cô ứng dụng CNTT vào các bài giảng, để các tiết học nơi đây thêm sinh động, cuốn hút. Bàn Thị Tâm Nhi (lớp 4A1, Trường TH&THCS Đồng Sơn) chia sẻ: "Em rất yêu quý cô Lệ. Các tiết dạy của cô chúng em rất hiểu bài. Cô Lệ còn cho chúng em chơi nhiều trò chơi và các hoạt động trải nghiệm nên tiết học của cô rất sôi nổi".
Nhằm từng bước kéo gần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa miền núi với miền xuôi, từ năm 2021 đến nay, TP Hạ Long đã thực hiện 2 đợt luân chuyển tổng số 82 giáo viên từ vùng thuận lợi lên công tác tại các trường thuộc 4 xã vùng sâu, vùng xa của thành phố là Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng. Đáng chú ý, trong số này có nhiều giáo viên viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học, với quyết tâm mang lại làn gió mới trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở những địa bàn vùng khó.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, tình nguyện lên dạy tại Trường Mầm non Đồng Sơn, cho biết: "Tôi chỉ mong những người trong gia đình tôi có sức khỏe và thông cảm cho tôi để bản thân được an tâm công tác. Gần gũi, ngắm nhìn những khuôn mặt trẻ thơ nơi đây, chứng kiến sự đổi thay, lớn khôn của các em, tôi dường như quên hết nhọc nhằn, vất vả".
Để động viên, hỗ trợ các giáo viên, TP Hạ Long đã vận động các nhà hảo tâm tặng xe máy cho các thầy, cô. Đến thời điểm này, thành phố đã vận động được 17 xe máy; riêng trong tháng 9/2022 được 7 xe máy, trao tặng cho các giáo viên ở các xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng. Thành phố đề nghị các trường học sắp xếp các giáo viên từ các điểm trường lẻ về tập trung tại các điểm trường chính để thuận tiện cho sinh hoạt; quản lý, giữ gìn xe máy tốt để các giáo viên di chuyển giữa các điểm trường.
Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Thời hạn luân chuyển giáo viên lên công tác tại vùng cao là 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Sau thời gian này, những giáo viên có nguyện vọng sẽ được bố trí về công tác tại vùng thuận lợi. Luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi lên vùng cao dạy học đã tạo những chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, từng bước kéo gần khoảng cách giáo dục giữa miền núi với miền xuôi.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()