Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:33 (GMT +7)
Lừa đảo qua giao dịch tiền giả tràn lan trên mạng xã hội
Thứ 2, 26/04/2021 | 12:22:42 [GMT +7] A A
Công an tỉnh Gia Lai ra khuyến cáo, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền giả. Thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người dân trên địa bàn nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng sập bẫy.
Theo đó, khoảng thời gian giữa tháng 4/2021, Phòng An ninh kinh tế đã điều tra, xác minh và đấu tranh với 7 đối tượng tại TP Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Prông, huyện Chư Pah và huyện Ia Grai có hành vi trao đổi, mua và nhận tiền giả qua các trang mạng xã hội.
Qua đấu tranh, các đối tượng đều khai nhận nội dung như sau. Khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 2/2021, các đối tượng trên đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân và liên lạc với tài khoản facebook có tên “Chị Ánh Shop” để giao dịch, thỏa thuận và mua bán tiền giả.
Để thu hút người theo dõi và mua, chủ tài khoản facebook này công khai quảng cáo việc rao bán tiền giả, mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, phạm vi giao hàng toàn quốc, tỷ lệ quy đổi tiền giả là 1:10 (nghĩa là 1 triệu tiền thật mua được 10 triệu tiền giả), không cần đặt cọc, hàng gửi qua đường bưu điện và được kiểm tra trước khi nhận hàng, tiền hàng trả cho nhân viên bưu điện…
Các đối tượng khẳng định, lượng tiền giả được quảng cáo giống tiền thật đến 99%, chỉ máy soi mới phát hiện được. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền giả trên, các đối tượng nhận thấy các tờ tiền thiết kế không tinh xảo, chất liệu thô sơ, trên các tờ tiền giả có in hình chữ nhật kèm dòng quảng cáo xem bói online, hoặc chữ chúc mừng năm mới… Do vậy, chưa có đối tượng nào đưa ra sử dụng ngoài thị trường mà giữ lại hoặc đem tiêu hủy.
Số lượng tiền giả thu hồi từ các đối tượng. |
Theo cơ quan Công an, thực chất đây là các chiêu trò của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi của một số người. Để qua mắt nhân viên bưu điện khi kiểm hàng, tên đơn hàng các đối tượng thỏa thuận khi giao dịch là “Vòng Phong Thủy”, số tiền giả trên được đối tượng gấp đôi lại và cho vào hộp vì khi gấp đôi lại sẽ che đi được dòng chữ in hình quảng cáo trên tờ tiền và kèm theo 1 chiếc vòng tay chất liệu hạt gỗ màu nâu.
Khi các nạn nhân nhận hàng và kiểm tra thường có tâm lý sợ nhân viên giao hàng phát hiện nên chỉ kiểm tra kiện hàng qua loa, đến khi mang về nhà mới thấy số tiền giả trên không phải làm bằng chất polime, bằng mắt thường có thể nhận thấy là tiền giả nên không sử dụng được để lưu hành.
Cũng theo Cơ quan Công an, đa số nạn nhân bị lừa mua đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch trên môi trường mạng xã hội; một số thanh thiếu niên mong muốn có nhiều tiền để tiêu xài, lười biếng lao động, cờ bạc, nợ nần; 2 trường hợp là người đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa nhận thức chưa đầy đủ về hành vi mua bán tiền giả trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật…
Qua vụ việc trên, Phòng An ninh kinh tế khuyến cáo người dân trong việc sử dụng các trang mạng xã hội facebook, Zalo cần cảnh giác, tránh tiếp tay cho bọn tội phạm và tốt nhất tránh xa những mặt hàng quốc cấm nguy hiểm như tiền giả. Bởi, các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.
Theo Uyên Thu (PLVN)
Liên kết website
Ý kiến ()