Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:38 (GMT +7)
"Nâng cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch trực tuyến"
Thứ 2, 26/12/2022 | 14:44:47 [GMT +7] A A
Thời đại 4.0, đi kèm với sự tiện lợi là những rủi ro của người dùng khi phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, nhất là dịp cuối năm. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh (ảnh), về nội dung này.
- Đồng chí cho biết một số thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao?
+ Thực tế đấu tranh với các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng của công an cả nước nói chung, Công an tỉnh Quảng Ninh nói riêng, thủ đoạn của các đối tượng luôn biến hóa không ngừng. Để đạt được mục đích, chúng sẵn sàng thực hiện các hành vi lừa đảo, bất kể ai cũng có thể là đối tượng mà chúng nhắm đến, nếu không đủ cảnh giác sẽ vô tình trở thành nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao mà không hề hay biết.
Dưới đây là một số thủ đoạn mà chúng hay sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo của mình: Giả mạo hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo bạn bè của họ; qua dịch vụ VoIP, mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan nhà nước, tổ chức chính phủ; chiếm đoạt tài sản qua hình thức kinh doanh đa cấp, tiền ảo qua các sàn giao dịch ảo; chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội kết bạn, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị; chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử; chiếm đoạt tài sản thông qua dịch vụ OTT thông báo trúng thưởng; thông qua hình thức tuyển dụng lao động; thông qua hình thức cho vay tiền nóng; đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo qua thư điện tử...
- Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, kiếm tiền của người dân tăng cao. Điều này đồng nghĩa với tội phạm lừa đảo có nhiều cơ hội hành động. Theo đồng chí, người dân sẽ phải đối mặt với những hình thức lừa đảo như thế nào?
+ Gần đây, cùng với sự phát triển từng bước của kinh tế số, giao dịch không dùng tiền mặt được khuyến khích dần thay thế cho giao dịch truyền thống. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Việc sử dụng thẻ tín dụng trong giao dịch mua bán đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện ích ấy là kéo theo lượng tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng mạnh, đặc biệt là qua giao dịch điện tử và giao dịch thẻ.
Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được một số phản ánh của người dân trong tỉnh về việc bị các đối tượng lừa đảo gọi điện, nhắn tin giới thiệu các chương trình hỗ trợ hoàn phí thường niên, hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng…, từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Cụ thể, giữa tháng 7/2022, anh L.T.A (TP Hạ Long) mở thẻ tín dụng của một ngân hàng với hạn mức hơn 50 triệu đồng. Vài tuần sau khi mở thẻ, anh L.T.A nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng, giới thiệu chương trình hỗ trợ hoàn phí thường niên năm đầu cho khách hàng mới và hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với lãi suất thấp. Anh L.T.A đã cung cấp các thông tin như số thẻ, mã thẻ, OTP... khi được người này yêu cầu. Ngay sau đó, điện thoại của anh L.T.A liên tục nhận được thông báo trừ tiền từ tài khoản thẻ tín dụng trong khi anh không thực hiện bất cứ giao dịch nào.
Những chủ thẻ tín dụng có lẽ đều thường xuyên nhận được những cuộc gọi tương tự. Thủ đoạn chung của các đối tượng là sử dụng SIM “rác” giả danh nhân viên ngân hàng, thông báo chương trình hỗ trợ hoàn phí thường niên thẻ tín dụng và rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Chúng thường nhấn mạnh về thủ tục nhanh gọn, dễ dàng khi rút tiền, đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp (1,2%/tháng) để lôi kéo, dụ dỗ. Sau khi chủ thẻ đồng ý, đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút. Ngay sau khi có các thông tin trên, chúng sẽ thực hiện các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử... nhằm chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng.
- Đồng chí có những khuyến cáo gì để người dân tránh rơi vào bẫy lừa đảo công nghệ, nhất là dịp cuối năm?
+ Công an Quảng Ninh nói chung, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng, đã thường xuyên khuyến cáo người dân (thông qua các phương tiện truyền thông) tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, nhân viên chuyển phát nhanh... Đặc biệt là các thông tin bao gồm số CMND/CCCD, số thẻ, mã thẻ, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP), thông tin về tài khoản ví liên kết… để tránh bị các đối tượng lấy cắp thông tin, trục lợi; hạn chế và cảnh giác khi truy cập vào các website lạ để tránh lộ lọt thông tin.
Mọi sự trao đổi của các cơ quan, lực lượng chức năng đều thực hiện trực tiếp, không qua điện thoại. Các giao dịch tài chính nên được thực hiện trực tiếp tại các phòng giao dịch, tổ chức tín dụng, cây ATM, nâng cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Đối với thẻ tín dụng, người dùng nên tạm thời khóa chức năng thanh toán online của thẻ, chỉ mở khi chi tiêu; đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày).
Nếu phát hiện có bất thường trong các giao dịch ngân hàng, cần lập tức liên hệ tổng đài ngân hàng để khóa tài khoản, đồng thời báo tới cơ quan công an về các trường hợp nghi vấn lừa đảo để được hỗ trợ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()