Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:48 (GMT +7)
Lựa chọn thực phẩm nào để giảm nguy cơ ung thư vú?
Thứ 5, 19/10/2023 | 23:00:44 [GMT +7] A A
Mặc dù không có chế độ ăn uống lý tưởng giúp phòng ngừa ung thư vú. Nhưng nếu biết cách lựa chọn thực phẩm bạn có thể giảm nguy cơ phát triển căn bệnh ác tính này.
1. Chế độ ăn uống có liên quan đến ung thư vú không?
Chế độ ăn uống được cho là có ảnh hưởng đến nhiều bệnh ung thư. Đối với ung thư vú, không có chế độ ăn uống lý tưởng để phòng ngừa nhưng một số thực phẩm lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường hệ thống miễn dịch cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố liên quan đến lối sống như sinh hoạt, vận động, chế độ ăn uống… Tuy nhiên, vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư. Các hormone dường như cũng đóng một vai trò trong nhiều trường hợp ung thư vú, nhưng điều này xảy ra như thế nào thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Những điều phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú đó là: duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên hoạt động thể chất, cho con bú bằng sữa mẹ... Thực hiện chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh cũng góp phần hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh này.
Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa giàu canxi, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú.
2. Cách lựa chọn thực phẩm trong chế độ ăn giúp phòng ngừa ung thư vú
Theo Tổ chức Ung thư Vú Vương quốc Anh, bằng cách lựa chọn thực phẩm tốt hơn trong chế độ ăn uống bạn có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư vú. Mọi người nên lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các thực phẩm đa dạng và cân bằng với nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Thực phẩm càng tự nhiên càng tốt. Thực phẩm hữu cơ thường chứa ít dư lượng thuốc trừ sâu hơn và do đó ít có khả năng chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết có thể liên quan đến ung thư vú.
Đối với chất béo
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chất béo với ung thư vú, nhưng chúng ta biết rằng việc tiêu thụ nhiều chất béo có thể dẫn đến béo phì và có mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì và ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.
Tuy nhiên, chất béo có nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể và giúp hấp thụ các vitamin thiết yếu như vitamin A, D, E và K. Tiêu thụ chất béo vừa phải là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và ăn đúng loại chất béo là rất quan trọng. Bạn có thể tìm thấy chất béo lành mạnh trong dầu thực vật (ví dụ như dầu ô liu), các loại hạt, quả bơ, quả hạch và cá. Cố gắng tránh chất béo bão hòa và hạn chế ăn các loại chất béo chuyển hóa.
Thịt đỏ và thịt chế biến
Thịt chế biến là thịt đã được biến đổi thông qua muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quá trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản. Ví dụ như: giăm bông, xúc xích, thịt xông khói, thịt bò khô và thịt đóng hộp. Có bằng chứng cho thấy thịt chế biến sẵn làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú.
Tổ chức Y tế thế giới đã phân loại thịt chế biến sẵn là chất gây ung thư Nhóm 1 (được biết là gây ung thư). Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc tăng tiêu thụ thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú nhưng bằng chứng vẫn chưa thuyết phục.
Nếu bạn ăn thịt đỏ, Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới khuyến nghị hạn chế tiêu thụ không quá ba phần (khoảng 350-500g) trọng lượng nấu chín mỗi tuần. Bạn cũng có thể thay thế thịt bằng các nguồn protein khác như các loại đậu, quả hạch, trứng, cá, đậu phụ…
Trái cây và rau quả
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả giúp bảo vệ chống lại ung thư vú. Trái cây và rau quả cung cấp hỗn hợp các thành phần tăng cường sức khỏe như chất xơ, chất phytochemical, vitamin và khoáng chất.
Không có loại trái cây hoặc rau quả nào cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng chúng ta cần để khỏe mạnh, vì vậy chúng ta nên ăn nhiều loại khác nhau mỗi ngày. Đặc biệt chú trọng tăng cường các loại rau có nhiều Carotenoid như rau lá xanh, rau quả có màu vàng và cam…
Carbohydrate (tinh bột, đường và chất xơ)
Mặc dù không có mối liên hệ cụ thể nào giữa ung thư vú và chế độ ăn nhiều đường hoặc carbohydrate khác, nhưng chúng ta biết rằng tiêu thụ quá nhiều đường có thể thúc đẩy tăng cân và thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh. Vì vậy, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú bằng cách đưa ra những lựa chọn lành mạnh và giảm lượng đường bổ sung trong bữa ăn hàng ngày để duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Tốt nhất bạn nên tiêu thụ lượng carbohydrate phức hợp thay vì carbohydrate đơn giản. Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau thay cho carbohydrate đơn giản có trong các loại bánh ngọt, nước ngọt, ngũ cốc tinh chế…
Sản phẩm sữa
Có một số bằng chứng cho thấy các sản phẩm từ sữa chứa hàm lượng canxi cao có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ ung thư vú tiền mãn kinh. Probiotic (vi sinh vật sống) và các sản phẩm lên men có trong sữa chua cũng có thể có lợi trong việc giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm tự nhiên không thêm đường như sữa chua nguyên chất, phô mai tươi và sữa ít béo.
Rượu bia
Tất cả đồ uống có cồn đều làm tăng nguy cơ ung thư vú. Uống rượu là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng gây ung thư vú. Nó được cho là góp phần gây ra khoảng 4.400 trường hợp ung thư vú mỗi năm chỉ riêng ở Anh. Rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen, ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nó bị phân hủy thành các sản phẩm phụ có thể gây tổn hại tế bào và gây đột biến ADN có thể dẫn đến ung thư vú.
Vitamin D
Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy lượng vitamin D thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú . Các nghiên cứu chưa chứng minh được rằng việc bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ ung thư vú, mặc dù việc dùng những chất này có thể khôi phục mức vitamin D trong huyết thanh.
Chế độ ăn uống và thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giúp cung cấp cho cơ thể lượng vitamin D lành mạnh. Bạn nên tận dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin D như: ngũ cốc, lòng đỏ trứng, cá béo, hải sản…
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()