Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:58 (GMT +7)
"Lớp thợ mỏ hôm nay luôn nêu cao tinh thần, truyền thống của cha anh đi trước"
Chủ nhật, 10/11/2024 | 13:18:59 [GMT +7] A A
Là cán bộ trưởng thành từ thợ mỏ, ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh, dành nhiều tâm sức sưu tầm tư liệu, viết sách về quê hương thứ hai của ông là Vùng mỏ, về những người thợ mỏ là đồng nghiệp của ông. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2024), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông về truyền thống văn hóa thợ mỏ.
- Thưa ông, về sự kiện diễn ra 88 năm trước, được biết ông đã xuất bản cuốn bút ký "Đi tìm nhân chứng năm 36"?
+ Gần 30 năm trước, tôi đã bắt đầu lặn lội tìm kiếm các nhân chứng tham gia cuộc đình công năm 1936. Sau đó, tôi đã tập hợp được cả thảy 47 cụ. Tôi không nhớ nổi rằng mình đã đi bao nhiêu lần tìm kiếm và đi bao nhiêu cây số nữa. Xe ôm cũng có, cuốc bộ trèo đèo, lội suối cũng nhiều. Tìm cả vào những nơi xưa các cụ từng sơ tán.
Số là tình cờ tôi gặp cụ Phạm Ngọc Hóa, từng làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh và đã được cụ gợi ý cho rằng cần ghi lại ký ức của các cụ từng tham gia sự kiện năm 1936. Sau đó, tôi bắt đầu đi tìm và tìm ra các cụ: Ngô Hữu Tình, Nguyễn Đình Lương, Phạm Văn Khang, Nguyễn Văn Tý, Phạm Thị Mộc, Lê Văn Dần, Nguyễn Văn Ban, Hà Quang Ý, Phạm Văn Thịnh, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thị Thất. Đặc biệt, cụ Xuân và cụ Thất là một cặp vợ chồng. Họ là những nhân chứng bằng xương bằng thịt từng hiện diện ở vùng than anh hùng này.
- Nhớ về lớp người tham gia cuộc tổng bãi công năm 1936, ông có những cảm xúc như thế nào?
+ Tôi nhớ có cụ còn trí nhớ rất tốt đã vẽ mô phỏng những sự kiện xảy ra ở Vùng mỏ năm 1936 rồi cụ còn nhắn nhủ tôi rằng, hãy kể lại để thế hệ các anh và sau các anh đừng quên sự kiện này. Tất cả là xương máu của thợ mỏ đấy. Đến nay, các cụ đã về cả với tổ tiên rồi. Nhớ về các cụ tôi vẫn thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi xin được một lần thắp nén tâm nhang trên nấm mộ các cụ. Theo gương các cụ, lớp thợ mỏ hôm nay không bao giờ quên những gì mà các cụ đã đấu tranh, đã hy sinh để giành lại. Và lớp thợ mỏ hôm nay đang ra sức làm tiếp những việc mà năm xưa các cụ chưa kịp làm. Từ thẳm sâu trái tim mình, tôi mong hương hồn các cụ yên nghỉ và siêu thoát nơi vĩnh hằng.
- Phải chăng, xuất phát từ việc cần kể lại cho thế hệ sau mà ông dành tâm sức viết bộ 2 tập Lịch sử công nhân than Việt Nam?
+ Đúng là từ lời nhắn nhủ của bà cụ. Cũng chính là xuất phát từ truyền thống quật cường của Quảng Ninh, cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam. Tôi có cái thuận lợi nhờ 20 năm làm cán bộ tuyên giáo ngành Than đi sưu tầm tư liệu, tối ưu hóa các sự kiện sưu tầm được, chắt lọc để viết về sự phát triển không ngừng lớn mạnh của phong trào công nhân mỏ. Và hơn hết, tôi là người mê mỏ, mê than.Tôi trưởng thành từ một công nhân mỏ Lộ Trí nay là Công ty Than Thống Nhất, trải qua nhiều cương vị khác nhau tôi vẫn xin ở lại với ngành Than. Đã 3 lần được điều đi làm công việc khác, nhưng cả 3 lần tôi đều xin được ở lại với ngành than. Cơ duyên ấy cho tôi gắn bó với ngành Than từ thanh xuân cho đến khi nghỉ hưu. Tôi ấp ủ một cuốn sách về công nhân mỏ từ rất sớm. Ý tưởng ấy đã manh nha từ những ngày đầu tiên làm mỏ cho đến mãi sau này.
- Ông muốn gửi gắm đến bạn đọc những thông điệp gì qua các cuốn sách mà mình từng viết?
+ Cả cuộc đời làm việc, công tác, tôi tiếp xúc nhiều tài liệu, may mắn gặp nhiều nhân chứng lịch sử. Họ là một phần của lịch sử Vùng mỏ, góp phần làm nên những trang sử oai hùng nhưng cũng có trang sử thấm máu và nước mắt của phu mỏ trước Cách mạng Tháng Tám. Rồi thì có cả những tháng năm kiên cường chiến đấu, nỗ lực kiến thiết dựng xây làm chủ khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển mạnh mẽ những năm sau này. Người thợ mỏ luôn giương cao ngọn cờ kỷ luật và đồng tâm từ cuộc đình công năm 1936. Tôi viết sách với tâm huyết cá nhân tôi và với tâm niệm cống hiến một phần nhỏ bé tâm sức của mình cho ngành Than. Hy vọng, những cuốn sách của tôi sẽ phần nào cung cấp những thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa công nhân mỏ.
- Thưa ông, nếu so với thời ông ở mỏ Lộ Trí thì ngành Than bây giờ đã phát triển như thế nào?
+ Khi ta vào tiếp quản, việc khai thác than chủ yếu là thủ công. Sản lượng than khai thác chỉ được 3-4 triệu tấn. Công nhân đi làm quần áo có gì mặc nấy, trời rét buốt, ra lò than dính đầy người mà tắm cũng chỉ có nước lạnh. Cấp dưỡng chỉ làm 2 nồi cơm và nước uống, cơm ăn chung, thức ăn của ai người ấy mang đi… Dần dần thì lò bễ, nhà máy, bến cảng, đường đi lối lại được cải tiến, mở mang dần, trang thiết bị khai thác than được đầu tư hiện đại…
So với trước đây, thợ mỏ bây giờ sướng lắm, nhiều cái hơn hẳn. Trang thiết bị máy móc hiện đại. Công nhân được tắm nước nóng, đi xe có điều hòa, ăn theo món. Lương tháng đạt trên 10 triệu đồng trở lên. Tết đến có tiền thưởng, ô tô chở về nhà, hết Tết lại chở ra. Tham quan du lịch năm nào cũng có. Thợ mỏ ngày nay so với xưa không thể nào so sánh được, nhiều thứ vượt trội hơn hẳn, rất đáng vui mừng, phấn khởi. Quả thực từng là người làm mỏ nhưng chính tôi cũng có lúc hơi bất ngờ về sự tăng trưởng, phát triển vượt bậc của chính ngành mình đã từng công tác.
- Những người thợ mỏ không chỉ làm giàu mà còn làm đẹp cho nơi mình sống. Ông cảm nhận thế nào về câu chuyện này?
+ Tôi nhận ra rằng, vấn đề môi trường thời của chúng tôi ít được coi trọng như bây giờ. Hiện nay, hàng vạn thợ mỏ luôn nhận thức đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường bởi họ sống và làm việc hằng ngày phải đối diện với nắng nóng, với bụi bặm, với tiếng ồn, ô nhiễm không khí và nước bẩn. Trong đó nói thực là có nhiều thứ do con người gây ra và đã tồn tại nhiều năm nay cho nên thợ mỏ nhận thấy phải có trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay, trong ngành Than, mỗi một luận chứng kinh tế kỹ thuật đều bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường. Nhìn chung, những người thợ mỏ đang ra sức làm cho môi trường vùng than mình đang sống được tốt hơn, trong lành hơn, làm cho quê hương Quảng Ninh thêm giàu đẹp.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Ông Hoàng Tuấn Dương, sinh năm 1941, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh, vốn là thợ mỏ Công ty Than Thống Nhất, Bí thư Đoàn Thanh niên, Trưởng Ban Thi đua Liên hiệp Than Hòn Gai, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh. Ông có nhiều đóng góp cho ngành Than ở cả lĩnh vực làm tuyên giáo lẫn sáng tác văn chương. Ông đã xuất bản một số tập sách như: Hoa dâu da trắng, Hiền Đen, Dấu ấn thời gian, Mối tình đầu, Hai người đứng giữa thinh không, Nhành lan bên cánh võng, Tuyển tập truyện và thơ, Đi tìm nhân chứng năm 36, Lịch sử ngành Than Việt Nam (2 tập)...
|
Phạm Học (Thực hiện)
- TKV: Kỷ luật - Đồng tâm - Trách nhiệm - Nghĩa tình
- Bài 1: "Kỷ luật và Đồng tâm" - sợi chỉ đỏ xuyên suốt
- Phát huy giá trị tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh
- Cẩm Phả cần phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” trong xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị
- Phát huy truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật – Đồng tâm” để xây dựng văn hóa ngành Than giàu bản sắc
- Sáng mãi ngọn lửa truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm"
Liên kết website
Ý kiến ()