Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:00 (GMT +7)
Lớp học xóa mù chữ ở vùng cao
Thứ 2, 05/06/2023 | 11:07:31 [GMT +7] A A
Quảng Ninh vừa được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ 2, năm 2022. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực, cách làm sáng tạo, giải pháp cụ thể của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo cho đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; sự cố gắng của người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số.
“Thắp sáng” bản làng vùng cao
Đều đặn các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, lớp học XMC tại Nhà văn hóa thôn Ngàn Vàng Giữa (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), vang lên những tiếng đọc: “Suối chảy rì rào. Gió reo lao xao. Bé ngồi thổi sáo”… Giống như các lớp học XMC khác, lớp học ở thôn Ngàn Vàng Giữa đa dạng về độ tuổi học viên. Người cao tuổi nhất gần 65, thấp nhất gần 20. Đa phần trong số họ là trụ cột chính của gia đình, luôn bận bịu với ruộng, vườn, nương, rẫy… Có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ. Họ đều mong được biết đọc, biết viết, biết tính toán. Dù khuôn mặt ngượng nghịu, đôi tay vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, hằn những vất vả của cuộc sống mưu sinh, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.
Anh La Văn Thống, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Vàng Giữa, chia sẻ: Năm nay thôn có 20 người tham gia lớp học XMC. Sau khi hoàn thành lớp học này, thôn sẽ không còn người không biết chữ. Những năm gần đây, đời sống người dân được nâng lên, nhà nào cũng có điện thoại thông minh, ti vi… Từ đó nhận thức của người dân về việc học chữ cũng thay đổi, mong muốn được biết chữ để tiếp cận thông tin.
Ở cái tuổi đã lên chức bà, chị Nịnh Thị Chắn (thôn Ngàn Vàng Giữa) không quản ngại nhà xa, đều đặn ngày ngày tới lớp học. Vừa cầm bút viết chữ, chị Chắn vừa chia sẻ với chúng tôi: "Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, viết, tính toán, mình không biết thì lạc hậu lắm. Sau một thời gian theo học lớp XMC, tôi có thể viết tên và đọc, viết một số từ đơn giản khi làm các TTHC mà không cần điểm chỉ như trước nữa. Tôi vui lắm. Hy vọng sau lớp học tôi sẽ biết đọc, viết, tính toán thành thạo".
Giống chị Chắn, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, trường ở xa nên cho tới khi lên chức ông ngoại, anh La Tiến Dích (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) mới được đi học. Bao năm mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ giống như nhiều người, nhưng vì những lo toan của cuộc sống nên ước muốn của anh cứ thế trôi đi. Được cán bộ xã tuyên truyền, đầu tháng 4/2023 khi lớp học XMC được mở tại Nhà văn hóa thôn Bản Pạt, anh Dích đã đăng ký theo học. Tối tối anh say sưa cầm sách tới lớp để có được con chữ, cái số, thỏa mong ước bấy lâu và cũng là để không còn lạc hậu nữa. Trong những giờ lên lớp của anh luôn có sự đồng hành, sát cánh, động viên của người vợ. Anh Dích chia sẻ: "Bây giờ có cháu rồi. Cháu hỏi, ông bà mà không biết chữ, thấy ngượng lắm".
Những lớp học XMC ở huyện Bình Liêu có đông đủ học viên đi học là nhờ sự vận động kiên trì, bền bỉ, không quản ngại khó khăn và sự giảng dạy tận tình của nhiều giáo viên. Dù đường xa phải đi xe máy, dù phải dạy tối, nhưng những thầy, cô giáo vẫn cần mẫn ngày ngày đến lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao.
Thầy giáo Hoàng Văn Mười, Trường Tiểu học Hoành Mô, đã 3 năm liền là giáo viên đứng lớp học XMC tại xã Đồng Tâm. Con đường dài hơn 10km, đồi núi quanh co, tối đen chưa bao giờ khiến thầy giáo trẻ nản lòng. Anh cho biết: Học viên người dân tộc thiểu số sử dụng nhiều ngôn ngữ, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn. Dù vậy phần lớn học viên đều ham học, đi học đầy đủ, lên lớp đều đặn. Như bà Lân Thị Sín, 65 tuổi, dù đã biết đọc, viết, tính toán, song năm nay bà vẫn tiếp tục tham gia lớp học để nâng cao. Sau một thời gian học tập, bà con tiến bộ thấy rõ, có thể đọc, viết được. Bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn xung phong lên bảng.
Cô giáo Phan Thị Hiền, Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu, chia sẻ: "Tôi tham gia giảng dạy lớp học XMC đến nay được 4 năm. Năm nay, lớp học tại Nhà văn hóa thôn Bản Pạt (xã Lục Hồn) có 24 học viên là người dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày. Học viên nhiều độ tuổi, công việc, trình độ khác nhau, nên bên cạnh việc thường xuyên phối hợp cùng thôn, xã tới nhà vận động, tôi cũng linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy ngoài giờ. Chắc chắn rằng, ánh sáng từ con chữ sẽ góp phần tiếp tục thay đổi cuộc sống của người dân quê tôi".
“Luồng gió” thay đổi từ tư duy
Những năm qua, ở các huyện trong tỉnh như Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà… đã tổ chức rất nhiều lớp học XMC cho người dân. Nhờ đó người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin mới, nâng cao hiểu biết, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.
Đến nay 13/13 địa phương cấp huyện, 176/177 địa phương cấp xã của tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 2. Người từ 15-35 tuổi: 443.740 người biết chữ mức độ 1 (99,85%), 443.356 người biết chữ mức độ 2 (99,76 %); người từ 15-60 tuổi: 929.842 người biết chữ mức độ 1 (99,68%), 925.530 người biết chữ mức độ 2 (99,25%). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học cơ bản đáp ứng công tác phổ cập giáo dục XMC. Mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 646 cơ sở giáo dục; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa 92,1%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 89,19% (561/629 trường).
Kết quả có được là từ sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao, đồng hành của địa phương, từ cán bộ, người dân đến đội ngũ giáo viên trong hành trình phổ cập giáo dục XMC. UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, phổ cập giáo dục XMC nói riêng, như: Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 24/3/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục XMC tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh… Những quyết sách đúng, trúng và kịp thời đã thổi "luồng gió" làm thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của mọi tầng lớp nhân dân về phổ cập giáo dục XMC.
Ngành Giáo dục tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất, ưu tiên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 23/5/2022 "Phê duyệt Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025”. Qua đó bố trí đầu tư nguồn lực để các địa phương thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học (kinh phí năm 2022 là 238,624 tỷ đồng, năm 2023 là 440 tỷ đồng).
Thầy giáo Hoàng Văn Ngư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Trường nằm cách thị trấn Ba Chẽ 30 cây số, hiện có trên 200 học sinh với 4 điểm trường; trong đó điểm trường trung tâm có khoảng 100 em. Nằm ở xã vùng cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trên 98% là học sinh dân tộc thiểu số, nhưng được sự quan tâm của huyện, Trường đã được đầu tư sửa chữa, xây mới nhiều hạng mục công trình, đưa vào sử dụng năm 2022. Đến nay, trường đã trở nên khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều so với trước, đáp ứng tất cả các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
XMC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Hành trình đạt chuẩn XMC mức độ 2 là không dễ dàng, đó là kết quả của sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự cố gắng của người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số.
Lan Anh - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()