Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:01 (GMT +7)
Lớp học nhạc miễn phí cho trẻ tự kỷ
Chủ nhật, 12/01/2025 | 10:31:34 [GMT +7] A A
Đó là một lớp học đặc biệt, nơi âm nhạc kết nối yêu thương, dành cho những bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ. Vượt qua những rào cản, khó khăn trong giao tiếp, âm nhạc là nơi để các em bày tỏ cảm xúc, kết nối mọi người, bù lấp cho những khiếm khuyết và thắp lên những niềm vui, hi vọng.
Lớp học do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Minh mở miễn phí 6 năm nay tại tổ 18, khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, hiện đang dạy cho khoảng chục em nhỏ tự kỷ. Đến với lớp học, các em được tiếp cận với đa dạng nhạc cụ, từ trống, guitar, piano đến trống cajon, qua đó định hình và phát huy được năng khiếu của từng em. Một số em đã theo học được 5-6 năm và có thể biểu diễn cùng nhau thành một ban nhạc trong những sự kiện quy mô nhỏ.
Nói về lý do nhận dạy nhạc miễn phí cho những bạn nhỏ tự kỷ, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Minh kể: Lớp học nhạc của mình ban đầu chỉ dạy cho những bạn nhỏ bình thường, có năng khiếu âm nhạc. Nhưng do ngay sát vách nhà mình có một cơ sở dạy trẻ tự kỷ nên thỉnh thoảng các cô thường dẫn các con sang lớp học bên này nghe đàn. Dần dần thấy các con cũng yêu thích, một số con bộc lộ đam mê và cũng vui vẻ hơn khi tiếp xúc với âm nhạc nên mình nảy ra ý tưởng thử dạy nhạc cho các con và kết quả là lớp học nhạc cho những bạn nhỏ đặc biệt này đã duy trì được 6 năm nay.
Dạy nhạc cho trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ tự kỷ càng thách thức hơn gấp bội. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong các lĩnh vực giao tiếp, tương tác xã hội, và xử lý cảm xúc, điều này ảnh hưởng đến việc tiếp thu và tham gia vào các hoạt động âm nhạc. Vì vậy, quá trình dạy các em đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì cũng như những phương pháp giáo dục đặc biệt. Hơn hết là phải có tình yêu thương với các em, gần gũi như một người bạn, đưa âm nhạc trở thành cầu nối để các em dễ dàng hơn trong việc bày tỏ bản thân mình.
6 năm qua, lớp học còn góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng vào trẻ tự kỷ, đặt niềm tin vào các em nhiều hơn khi nghe các em ca hát và chơi đàn, bởi điều này cho thấy trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể trở thành những em nhỏ tài năng trong âm nhạc nếu thầy cô đủ sự kiên trì, bền bỉ đồng hành cùng các em. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Minh chia sẻ thêm: Dạy các bạn nhỏ tự kỷ phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn, hiểu cá tính của từng bạn. Trong suốt buổi học luôn có giáo viên của trung tâm dạy trẻ tự kỷ giám sát cùng mình để chỉ dẫn và kịp thời kiểm soát hành vi nếu các con lên cơn tăng động hoặc có những hành vi mất tập trung, thiếu kiểm soát. Chúng mình phải tạo cho các con một không gian mà ở đó các con cảm thấy an toàn và thân thuộc thì khi đó các bạn ấy mới tập trung vào chơi nhạc được.
Một bản nhạc được chơi bởi những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ mang lại những cảm xúc thật đặc biệt cho người nghe. Bởi những thanh âm trong trẻo, vui tươi mà các bạn ấy tạo ra trong mỗi bài nhạc là thành quả của biết bao nỗ lực mà cả thầy và trò đã cùng nhau trải qua. Sự tiến bộ của các con từng ngày còn là niềm vui, là phần thưởng lớn đối với các bậc phụ huynh và mở ra những hi vọng, những nền tảng cho nghề nghiệp tương lai của các em. Một số bạn hiện nay đã có thể cùng theo thầy chơi nhạc tại những phòng trà hay những minishow âm nhạc và có một khoản thu nhập nhỏ. Đó cũng là mục tiêu lớn hơn của lớp học khi không chỉ truyền cho các em tình yêu âm nhạc mà còn có thể tạo cho các em một nghề nghiệp sau này, bù đắp cho những thiệt thòi các em đang mang.
Âm nhạc mang đến một phương thức giao tiếp không lời, dễ tiếp cận và hiệu quả. Những giai điệu còn giúp kích thích các giác quan, khơi gợi cảm xúc và giảm căng thẳng cho trẻ tự kỷ, đồng thời tạo cơ hội để trẻ học cách tương tác với người khác. Khi tiếp xúc với âm nhạc, các em đã có sự tiến bộ rõ rệt về mặt cảm xúc, biết bày tỏ và hòa điệu cùng âm nhạc. Đối với các bậc phụ huynh, lớp học này không chỉ là một hoạt động bổ ích mà còn là niềm động viên lớn lao, giúp họ nhận thấy được những tiến bộ vượt bậc của con mình.
Chị Lê Thị Hải Yến, mẹ của Hải Sơn, một bạn nhỏ học chơi trống tại lớp học, chia sẻ: "Con mình mới tiếp xúc với âm nhạc khoảng 1 năm nay nhưng đã tiến bộ nhiều. Trước kia con rất tăng động, mình nói chuyện con cũng không hiểu được nhiều. Nhưng sau một năm học nhạc cùng với những phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ thì con bây giờ đã nói chuyện, tâm sự với bố mẹ nhiều hơn, cũng đã nhớ và biết dặn lại bố mẹ những điều thầy cô dặn con trên lớp. Đó là một hạnh phúc lớn với gia đình mình".
Mỗi buổi học nhạc thường bao gồm các hoạt động tập trung vào việc phát triển khả năng nghe, phối hợp tay, mắt, chơi từng đoạn nhạc ngắn để các con dễ thuộc và không có cảm giác bị quá tải. Nếu như những bạn nhỏ bình thường mất 1-2 ngày để học một đoạn nhạc thì với trẻ tự kỷ có thể phải mất cả tuần. Bằng cách sử dụng âm nhạc như một công cụ hỗ trợ, lớp học nhạc đã giúp trẻ tự kỷ điều chỉnh cảm xúc, và cải thiện sự chú ý, đồng thời tạo ra môi trường học tập vui nhộn và tích cực, mang đến những thay đổi trong cuộc sống của những trẻ em đặc biệt. Đây không chỉ là nơi trẻ có thể tận hưởng niềm vui âm nhạc, mà còn là một phương tiện mạnh mẽ giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, kết nối cảm xúc và xây dựng các kỹ năng xã hội. Với sự hỗ trợ của lớp học này, trẻ tự kỷ có thể tìm thấy một thế giới mới, nơi mà âm nhạc là cầu nối giữa các em với thế giới xung quanh. Hi vọng rằng, những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng, giúp ngày càng nhiều trẻ em tự kỷ có cơ hội được phát triển và hòa nhập vào cộng đồng.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()