Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tổng hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm, phục hồi sản xuất sau đại dịch. Dự thảo xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200-300 giờ mỗi năm cho tất cả ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù. Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định kéo dài đến 31/12/2024.
Đồng tình tăng giờ làm thêm sau đại dịch, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, phân tích bốn tháng chống dịch, sản xuất cầm chừng. Nay dịch được kiểm soát, doanh nghiệp cần tăng tốc để đảm bảo đơn hàng giao đúng hạn, lấy lại uy tín với đối tác. Một bộ phận người lao động có thể sẵn sàng tăng ca để tăng thu nhập bù đắp cho phần thâm hụt vừa qua, đặc biệt là Tết sắp đến.
Một số nhà máy vì dịch bệnh nên chưa sử dụng hết quỹ thời gian tăng ca trong năm. Từ đây đến hết năm 2021, gỡ mức trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng là phù hợp với yêu cầu chống dịch và phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp không bị rào cản pháp luật, chi phí trả cho thời gian tăng ca được hạch toán và tính vào chi phí hợp lý, cũng là một cách thúc đẩy phục hồi sản xuất.
Song theo ông Bình, cần đánh giá tác động toàn diện nếu điều chỉnh quy định làm thêm giờ, nhất là bỏ trần 40 giờ mỗi tháng. Khi lấy ý kiến xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi), nhiều hiệp hội, doanh nghiệp không muốn giới hạn 40 giờ mỗi tháng mà chỉ nên quy định tổng thời gian làm thêm cả năm. Bởi có những ngành nghề chỉ bận vào những dịp lễ Giáng sinh, mùa hè..., song các nhà làm luật vẫn giữ quy định trên.
Nếu gỡ trần trong tháng và không phân biệt ngành nghề, nhiều doanh nghiệp sẽ áp ngay cho người lao động, buộc họ phải tuân theo, đặc biệt những ngành nặng nhọc, độc hại, với công nhân trẻ, có gia đình. Về mặt kinh tế, sẽ có doanh nghiệp được lợi nhưng một số nhóm khác sẽ bất lợi. Bất kỳ người sử dụng lao động nào cũng muốn tối ưu hóa máy móc với số lao động thấp nhất.
"Nếu tăng giờ làm thêm, doanh nghiệp sẽ không tuyển thêm lao động để giảm đóng bảo hiểm y tế, xã hội, tiết kiệm chi phí. Về lâu dài, người thất nghiệp sẽ tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động", TS Bình phân tích.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, đề xuất chỉ nên tăng tối đa 30%, từ 40 giờ lên khoảng 52 giờ mỗi tháng. Bởi trong điều kiện bình thường hiện nay, người lao động làm việc bình quân 26 ngày mỗi tháng và phần lớn đều làm thêm giờ. Công nhân tăng ca chủ yếu đứng máy, lao động chân tay trong các nhà xưởng, không phải ngồi văn phòng có máy lạnh. Quy định vẫn cần khống chế giờ làm thêm trong tháng để người lao động tái tạo sức lực, dành thời gian chăm con cái lẫn cuộc sống gia đình. "Thực tế cho thấy làm việc 10 giờ trở lên mỗi ngày thì năng suất giảm và tai nạn lao động gia tăng", ông nói.
Nếu nâng thời gian làm thêm giờ, theo ông Tiến, tiền lương không nên dừng ở 150-200% như hiện nay. Chủ doanh nghiệp cần thêm các phúc lợi khác, như dinh dưỡng, phụ cấp... giúp lao động có thêm chi phí chăm lo gia đình sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch và giữ chân công nhân. Làm thêm giờ cả hai bên cùng có lợi, song công nhân sẽ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài dù có thêm thu nhập. Trong khi đó, giới chủ không phải mở rộng nhà xưởng, thêm nhân công.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, cho rằng bỏ trần làm thêm tối đa 40 giờ song vẫn nên quy định mức cụ thể trong tháng. Thời gian làm thêm phải giãn ra để người lao động tái tạo sức sản xuất, không thể làm triền miên hoặc dồn sức tăng ca vào cuối năm.
Ông Tùng không đồng tình với đề xuất áp dụng cho tất cả ngành nghề mà nên quy định cụ thể cho từng nghề, từng nhóm lao động cụ thể. Việc điều chỉnh chỉ nên ở ngành nghề ảnh hưởng lớn, cần làm gấp cho kịp đơn hàng như dệt may, da giầy, xây dựng cần đẩy nhanh thi công cho kịp tiến độ. Nhà quản lý cũng nên quy định với từng nhóm lao động, không thể áp dụng với tất cả công nhân. Đặc biệt cần cân nhắc tới nhóm lao động nữ mới sinh con trên 6 tháng tuổi, công nhân có con nhỏ, lao động nữ mang thai...
Ông Tùng nhấn mạnh cơ quan quản lý nên quy định các điều khoản cụ thể, không nên để cho hai bên tự thỏa thuận. Theo luật, người lao động có thể từ chối nếu không muốn làm thêm, song thực tế "người lao động bao giờ cũng ở thế yếu trong đàm phán với giới chủ".
Các chuyên gia cũng cho rằng không nên kéo dài quy định điều chỉnh làm thêm giờ đến cuối năm 2024. "Ba năm là quá dài, tác động đến toàn bộ xã hội và thay đổi một điều khoản rất quan trọng trong Bộ luật Lao động", ông Lê Duy Bình nói.
Theo ông Phùng Đức Tùng, trước mắt quy định nên điều chỉnh đến hết năm 2022 thì phù hợp hơn. Nếu dịch được khống chế, năm 2023 có thể kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn, ngược lại có thể tính toán tiếp. Các nhà quản lý nên căn cứ tình hình kinh tế phục hồi hoàn toàn khi nào thì dỡ bỏ quy định khi ấy.
Tương tự, ông Vũ Minh Tiến cũng nhấn mạnh làm thêm giờ là cần thiết, nhất là với doanh nghiệp phía Nam khi chỉ khoảng 40% lao động muốn ở lại thành phố sau dịch. Song đây là giải pháp tạm thời nên cũng không thể kéo dài quá lâu. Muốn phục hồi sản xuất phải tính toán tổng thể, như năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, thậm chí chia sẻ đơn hàng với vùng không có dịch.
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.
Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như: Sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.
Ý kiến ()